Philippines đối mặt với khủng hoảng đường do nguồn cung khan hiếm

Đường Philippines
20:45 - 29/08/2022
Philippines đối mặt với tình trạng thiếu đường. Ảnh: EPA
Philippines đối mặt với tình trạng thiếu đường. Ảnh: EPA
0:00 / 0:00
0:00
Tình trạng khan hiếm đường ở Philippines đã buộc một nhà sản xuất nước ngọt phải cắt giảm sản lượng, trong khi các tiệm bánh phải tăng giá. Quốc gia này đang tìm cách tăng nhập khẩu đường từ các thị trường khác trên thế giới. 

Theo Nikkei Asia, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr, đồng thời là Bộ trưởng Nông nghiệp, từng chỉ trích việc nhập khẩu đường có thể gây tổn hại cho người nông dân nước này. Tuy nhiên, gần đây ông đã thừa nhận rằng tình trạng thiếu hụt đường đang thúc đẩy việc nhập khẩu nhiều hơn từ nước ngoài.

Các nhà sản xuất nước giải khát, tiệm bánh và quán ăn nhỏ của nước này cho biết, tình trạng thiếu đường và giá đường tăng cao đang làm tổn hại đến hoạt động doanh nghiệp, cũng như đẩy sinh kế của họ gặp rủi ro.

Hãng Coca-Cola Beverage Philippines thông báo tạm ngừng hoạt động tại 4 nhà máy sản xuất do thiếu đường. Ảnh: AP

Hãng Coca-Cola Beverage Philippines thông báo tạm ngừng hoạt động tại 4 nhà máy sản xuất do thiếu đường. Ảnh: AP

Hãng Coca-Cola Beverage Philippines gần đây thông báo tạm ngừng hoạt động tại 4 trong số 19 nhà máy – tương đương khoảng 30% - 40% dây chuyền sản xuất của công ty. Công ty này đang gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung cấp đường tinh luyện để sản xuất nước giải khát. Việc tạm đóng cửa nhà máy đã ảnh hưởng đến 900 công nhân.

"Chúng tôi đang đánh giá tình hình thực tế cũng như bất kỳ mọi diễn biến, nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng đường hiện nay", ông Juan Lorenzo Tanada, Giám đốc phụ trách các vấn đề chính sách và pháp lý của công ty, cho biết.

Trong khi đó, ông Johnlu Koa, người đứng đầu Tập đoàn Công nghiệp làm bánh Philippines - một hiệp hội các nhà sản xuất bánh, có kế hoạch thông báo cho Bộ Thương mại Philippines về việc tăng giá đối với một số sản phẩm bánh ngọt do giá bột mì và đường tăng cao.

Trước tình hình này, Tổng thống Marcos Jr đã gặp gỡ các bên liên quan để đánh giá tình hình và ông cho biết đất nước sẽ cần tìm nguồn cung đường từ nước ngoài.

"Chúng tôi sẽ nhập khẩu đường. Chúng tôi sẽ buộc phải làm như vậy. Thật không may khi đó là tình trạng tương tự đối với tất cả các mặt hàng nông nghiệp ở Philippines. Chúng tôi không muốn nhập khẩu nhiều, nhưng vấn đề là khâu sản xuất của chúng tôi không đủ cung ứng. Ngoài ra, giá cả cũng rất cao”, ông Marcos Jr nói.

Đầu tháng này, đề xuất nhập khẩu 300.000 tấn đường đã gây ra tranh cãi khi Thư ký báo chí Văn phòng Tổng thống Philippines Trixie Angeles cho biết, văn bản nhập khẩu đã được ký nhưng chưa có sự chấp thuận của Tổng thống Marcos Jr. Do vậy, đơn hàng nhập khẩu trên đã bị hủy hiệu lực và Thượng viện Philippines phải mở cuộc điều tra về sự việc này.

Trong khi đó, dự báo sản lượng đường thô nội địa sẽ giảm 16% xuống 1,8 triệu tấn trong niên vụ 2021-2022 (kết thúc vào tháng này). Sản lượng đường của Philippines thấp một phần do cơn bão Rai đã tàn phá vụ mùa vào tháng 12 năm ngoái.

Sản lượng đường thô tại Philippines suy giảm do ảnh hưởng bởi cơn bão Rai năm 2021. Ảnh: Licas News

Sản lượng đường thô tại Philippines suy giảm do ảnh hưởng bởi cơn bão Rai năm 2021. Ảnh:

Licas News

Coca-Cola cho biết, các nhà máy sản xuất nước giải khát cần 450.000 tấn đường để đáp ứng mục tiêu sản lượng trong năm nay. Hãng này lo ngại lượng đường nhập khẩu của Philippines sẽ không đủ để sản xuất.

Trong một tuyên bố tuần trước, quan chức Cơ quan Quản lý Đường (SRA) David John Thaddeus Alba cho biết, chính phủ Philippines sẽ nhập khẩu 150.000 tấn đường tinh luyện, đồng thời trấn an rằng các nhà sản xuất nước giải khát khác vẫn có nguồn cung đường. Các quan chức khác cũng thúc giục ông Marcos Jr phân bổ tất cả nguồn cung từ niên vụ sắp tới để sử dụng trong nước và bỏ phân bổ hạn ngạch xuất khẩu của Mỹ.

Theo SRA, kể từ ngày 12/8, giá bán lẻ đường tinh luyện tại các chợ ở thủ đô Manila đã tăng gấp đôi, lên 100 Peso (1,80 USD)/kg so với tháng 9 năm ngoái. Tình trạng thiếu đường đi kèm với việc giá cả hàng hóa tăng cao đã tạo ra gánh nặng tài chính đối với người tiêu dùng Philippines. Lạm phát tại nước này đã tăng lên 6,4% trong tháng 7, mức cao nhất kể từ năm 2018. Trong đó, giá đường, bánh kẹo và đồ tráng miệng tăng nhanh hơn ở mức 17,6%.

Bà Trixie Angeles cho biết, các siêu thị lớn trên toàn quốc đã đồng ý giảm giá bán lẻ đường, trong khi chính phủ cũng đã đột kích các kho đường bị nghi ngờ tích trữ nguồn cung. Trong khi đó, Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế - Xã hội Arsenio Balisacan cho biết, việc kiềm chế giá hàng hóa là rất quan trọng vì chính quyền Tổng thống Marcos Jr đặt ra mục tiêu giảm một nửa tỷ lệ nghèo xuống 9% trong nhiệm kỳ 6 năm, kết thúc vào năm 2028.

"Chúng tôi cần phải có một hành động cân bằng. Chúng tôi phải đảm bảo rằng các công cụ mà chúng tôi sử dụng để bảo vệ người nông dân không gây hại cho phần còn lại của nền kinh tế, đặc biệt là chúng tôi đang cố gắng giảm nghèo", quan chức này cho biết.

Trong lúc này, những người kinh doanh nhỏ lẻ vẫn đang đối mặt với tình trạng giá đường tăng cao. Bà Grace Navarro, chủ một tiệm bánh nhỏ ở thủ đô Manila, cho biết bà đã phải tăng giá bánh mì đường từ 1 Peso (0,018 USD) lên 6 Peso (0,11 USD). Bà cũng đã giảm trọng lượng chiếc bánh pandesal, một món ăn sáng phổ biến của Philippines, từ mức 25 - 30gr trước đây xuống 20gr để giữ giá ở mức 2 Peso (0,036 USD).

“Doanh số bán hàng đã giảm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Nếu chúng tôi không tăng giá thì làm sao thu hồi được vốn?”, bà nói.

Trong khi đó ông Michael Saberit, người bán chuối chiên bọc đường nâu ở vỉa hè, cho biết không dễ để tăng giá một món ăn. "Tôi đã thử tăng giá, nhưng điều đó khiến khách hàng bị sốc nên tôi lại hạ xuống. Tốt hơn là kiếm được ít tiền hơn là mất khách hàng", ông chia sẻ.

Tin liên quan

Đọc tiếp