Phố Wall chuẩn bị cho các kịch bản Mỹ vỡ nợ

NỢ CÔNG MỸ
20:53 - 22/05/2023
Nhiều tổ chức tài chính trên Phố Wall tiến hành họp hàng ngày để chuẩn bị cho các kịch bản vỡ nợ của chính phủ liên bang Mỹ. Ảnh: Reuters
Nhiều tổ chức tài chính trên Phố Wall tiến hành họp hàng ngày để chuẩn bị cho các kịch bản vỡ nợ của chính phủ liên bang Mỹ. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Trong khi các cuộc đàm phán nâng trần nợ công 31.400 tỷ USD của chính phủ Mỹ vẫn chưa đi tới hồi kết, các ngân hàng cùng các nhà quản lý tài sản trên Phố Wall đang dần chuẩn bị cho các kịch bản nếu một vụ vỡ nợ thực sự xảy ra.

Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là tới 1/6 – ngày mà Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nhiều lần cảnh báo là ngày mà chính phủ liên bang có thể sẽ không thể trả được các nghĩa vụ nợ của mình.Khung thời gian ngắn để đạt được thỏa hiệp này đang khiến nhiều chủ ngân hàng lo lắng và thôi thúc họ thực hiện các động thái chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất.

Theo hãng tin Reuters trích dẫn Giám đốc điều hành Citigroup Jane Fraser, các cuộc tranh luận về vấn đề nâng trần nợ hiện tại "đáng lo ngại hơn" so với những lần trước. Do đó, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase & Co Jamie Dimon cho biết các ngân hàng trên phố Wall đều đang triệu tập các cuộc họp hàng tuần về các tác động và ảnh hưởng có thể xảy ra của một vụ vỡ nợ.

Trước mắt, các ngân hàng, nhà môi giới và nền tảng giao dịch đang chuẩn bị cho sự gián đoạn thị trường kho bạc cũng như sự biến động rộng lớn hơn của thị trường tài chính. Việc chuẩn bị bao gồm lập kế hoạch về cách xử lý các khoản thanh toán chứng khoán kho bạc cũng như dự đoán cách các thị trường tài trợ quan trọng sẽ phản ứng trước một vụ vỡ nợ.

Ngoài ra, các tổ chức tài chính Phố Wall cũng cần đảm bảo đủ công nghệ, năng lực nhân sự và tiền mặt để xử lý khối lượng giao dịch cao trong khi chú trọng việc kiểm tra tác động tiềm năng đối với hợp đồng với khách hàng. Các nhà đầu tư trái phiếu lớn đã cảnh báo rằng việc duy trì mức thanh khoản cao là rất quan trọng trong việc chống lại các biến động giá tài sản mạnh.

Những kịch bản nào đang được cân nhắc?

Theo Reuters, Hiệp hội Thị trường Tài chính và Công nghiệp Chứng khoán (SIFMA) đã ban hành hướng dẫn chi tiết cách các bên liên quan trên thị trường kho bạc như Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, FICC (Công ty Thanh toán Bù trừ Thu nhập Cố định) hay các ngân hàng thanh toán – cách giao tiếp trước và trong những ngày các khoản thanh toán trái phiếu có khả năng bị bỏ lỡ.

Trước mắt, SIFMA đã xem xét một số kịch bản. Khả năng cao nhất hiện tại chính là Bộ Tài chính Mỹ kéo dài thời gian trả lại tiền cho các trái chủ bằng cách đưa ra thông báo trước khi thanh toán rằng họ sẽ luân chuyển các chứng khoán đáo hạn đó. Điều này sẽ cho phép thị trường tiếp tục hoạt động nhưng khoản thanh toán bị trì hoãn có thể sẽ không được tích lũy tiền lãi.

Trong kịch bản tồi tệ nhất, Bộ Tài chính Mỹ không thanh toán được cả tiền gốc và tiền lãi của trái phiếu và không gia hạn thời gian đáo hạn. Trái phiếu chưa thanh toán không thể giao dịch và sẽ không còn được chuyển nhượng trên Dịch vụ Chứng khoán Fedwire – nền tảng được sử dụng để nắm giữ, chuyển nhượng và giải quyết trái phiếu.

Nhận định về các dự báo, ông Rob Toomey, giám đốc điều hành kiêm phó tổng cố vấn cho thị trường vốn của SIFMA, cho biết: “Thật khó khăn vì đây là điều chưa từng xảy ra. Tuy nhiên, chúng tôi đang nỗ lực hết sức để đảm bảo rằng một kế hoạch sẽ được xây dựng cùng với các thành viên để giúp họ vượt qua những gián đoạn”.

Trong khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters, Depository Trust & Clearing Corporation - công ty sở hữu FICC - cho biết đang theo dõi tình hình và đã lập mô hình nhiều kịch bản dựa trên sổ tay hướng dẫn của SIFMA. Công ty cho biết: "Chúng tôi cũng đang làm việc với các đối tác trong ngành, cơ quan quản lý và những người tham gia để đảm bảo các hoạt động được phối hợp”.

Đọc tiếp