PMI sản xuất tháng 2 của Việt Nam tăng tháng thứ 4 liên tiếp

SẢN XUẤT Việt nAM
11:13 - 01/03/2022
PMI sản xuất tháng 2 của Việt Nam tăng tháng thứ 4 liên tiếp
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 1/3, IHS Markit công bố kết quả khảo sát chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) sản xuất của Việt Nam trong tháng 2 đạt 54,3 điểm, tăng đáng kể so với mức 53,7 điểm hồi tháng 1.

PMI Việt Nam tăng tháng thứ tư liên tiếp

Với chỉ số PMI sản xuất đạt 54,3 điểm trong tháng 2, tháng tăng thứ tư liên tiếp, có thể thấy điều kiện sản xuất kinh doanh trong nước đã liên tục cải thiện suốt 5 tháng vừa qua, sau thời gian gián đoạn do làn sóng dịch COVID-19 vào quý III/2021.

IHS Markit nhận định đà phục hồi trong lĩnh vực sản xuất đang tiếp tục khi tăng trưởng chỉ số nhanh hơn và niềm tin trong kinh doanh vẫn được duy trì. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng và điều kiện kinh doanh ổn định góp phần đưa sản lượng sản xuất tăng tháng thứ 5 liên tiếp với tốc độ tăng mạnh nhất trong vòng 10 tháng.

“Động lực tăng trưởng tổng thể đã cải thiện nhờ nhu cầu khách hàng đã mạnh lên. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh. Nhu cầu quốc tế cũng cải thiện trong tháng 2 khiến hoạt động xuất khẩu tiếp tục tăng đáng kể”, báo cáo của IHS Markit nhấn mạnh.

Theo khảo sát do tổ chức này thực hiện, khoảng hơn một nửa trong số 400 nhà sản xuất tham gia khảo sát dự báo sản lượng sẽ tăng trong năm nay do kỳ vọng đơn đặt hàng mới tăng theo đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu IHS Markit cảnh báo những rủi ro về nguồn cung có thể gây ra một số hệ lụy như kéo dài thời gian giao hàng của nhà cung cấp và tình trạng khó khăn về lao động.

Cụ thể, tốc độ tăng việc làm vẫn còn khiêm tốn khi người lao động chưa trở lại nhà máy 100% do yếu tố dịch bệnh có thể dẫn đến lượng công việc tồn đọng tăng và giá cả cũng tăng. Thời gian giao hàng từ nhà cung cấp cũng kéo dài đáng kể do tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu kết hợp với những khó khăn trong khâu vận chuyển quốc tế, mặc dù sự gián đoạn đã được cải thiện so với đợt bùng phát làn sóng dịch hồi quý III/2021.

Ngoài ra, vấn đề giá dầu cũng được nhắc tới trong báo cáo PMI tháng 2 của IHS Markit. Các nhà sản xuất cho rằng giá cả đầu vào tiếp tục tăng mạnh trong tháng, trong đó có giá dầu, là nguyên nhân khiến các nhà cung cấp tăng giá. Gánh nặng chi phí tăng theo đó được chuyển lên vai khách hàng, khiến giá bán hàng tiếp tục tăng tháng thứ 18 liên tiếp với mức tăng khá nhanh.

Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit nhận định lĩnh vực sản xuất Việt Nam tiếp tục thể hiện khả năng chống chịu tốt với đại dịch COVID-19 trong tháng 2, khi cả nhu cầu và sản lượng đều có động lực tăng. Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều tốt đẹp khi hạn chế về nguồn cung đã kìm hãm tăng sản lượng.

Ảnh tác giả

"Các công ty vẫn gặp khó khăn trong việc thuyết phục số lượng công nhân đủ lớn trở lại nhà máy để giải quyết lượng công việc tồn đọng, trong khi nguyên vật liệu vẫn khan hiếm. Do đó, các nhà sản xuất hy vọng những hạn chế này sẽ nhẹ bớt trong những tháng tới và từ đó sản lượng sẽ được giải phóng khỏi sự kìm hãm”.

Giám đốc Kinh tế IHS Markit Andrew Harker

PMI sản xuất khối ASEAN khởi sắc

Dữ liệu PMI sản xuất chung của các nền kinh tế ASEAN đạt 52,5 điểm vào tháng 2, tháng tăng thứ năm liên tiếp, cho thấy một sự cải thiện vững chắc trong điều kiện kinh doanh khi nhu cầu tiếp tục phục hồi, lượng đơn hàng tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 10/2021.

Tuy nhiên, IHS Markit cảnh báo áp lực lạm phát ở mức cao có thể là rủi ro, nhất là trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng mạnh, giá dầu thế giới tiếp tục diễn biến theo chiều hướng đi lên.

Singapore là quốc gia ghi nhận chỉ số PMI sản xuất tháng 2 cao nhất trong khối (58,3 điểm), một dấu hiệu cho thấy sự phục hồi vững mạnh của ngành sản xuất của quốc gia này.

Việt Nam, với chỉ số PMI 54,3 điểm, đứng ở vị trí thứ hai và được nhận định là quốc gia có điều kiện sản xuất kinh doanh cải thiện nhanh bậc nhất trong khu vực.

Philippines đã chứng kiến PMI sản xuất tăng từ mức 50 điểm trong tháng 1 lên 52,8 điểm trong tháng 2, cho thấy sự cải thiện đáng kể của lĩnh vực sản xuất từ mức trung lập lên mức mở rộng.

Tại Thái Lan, PMI sản xuất lên mức cao mới 52,5 điểm, cho thấy một xu hướng tăng tổng thể của ngành. Malaysia cũng ghi nhận sự phục hồi nhẹ trong các điều kiện kinh doanh nói chung với con số PMI 50,9 điểm.

Indonesia là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN ghi nhận PMI sản xuất sụt giảm trong tháng 2 xuống 51,2 điểm, dù con số này vẫn nằm trên mức trung tính 50 điểm.

Đi ngược lại xu thế mở rộng sản xuất của khối, chỉ số PMI sản xuất của Myanmar đạt 47,3 điểm trong tháng, vẫn nằm trong lãnh thổ thu hẹp và là dấu hiệu của sự suy giảm vững chắc. Nhìn chung, IHS Markit nhận định kết quả khảo sát cho thấy các nhà sản xuất ASEAN tiếp tục duy trì sự lạc quan về triển vọng sản xuất năm 2022 bất chấp những khó khăn do lạm phát tăng cao và chuỗi cung ứng gián đoạn kéo dài.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (Purchasing Managers' Index - PMI) được xây dựng ở nhiều quốc gia để cung cấp cho các chuyên gia mua hàng, những người ra quyết định kinh doanh và các nhà phân tích kinh tế bộ dữ liệu kịp thời để giúp hiểu rõ hơn về các điều kiện ngành kinh doanh. Dữ liệu PMI sản xuất tháng 2/2022 nói trên được thu thập trong khoảng thời gian 10/2 đến 18/2/2022. Chỉ số có giá trị từ 0 đến 100 với cột mốc 50 là trung tính, kết quả trên 50 thể hiện một mức tăng tổng thể so với tháng trước và dưới 50 thể hiện một mức giảm tổng thể.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.