PV GAS: Giá dầu biến động 5 USD thì lợi nhuận biến động 500 tỷ đồng

KHÍ ĐỐT Việt nAM
08:15 - 16/04/2022
0:00 / 0:00
0:00
Tại ĐHCĐ thường niên 2022 của Tổng Công ty Khí Việt Nam (HOSE: GAS), Tổng Giám đốc Hoàng Văn Quang cho biết khi giá dầu thế giới tăng hoặc giảm 5 USD/thùng thì ước tính lợi nhuận của công ty cũng tăng giảm cùng chiều khoảng 500 tỷ đồng.

Báo cáo với cổ đông tại Đại hội ngày 15/4, ông Dương Mạnh Sơn, Chủ tịch HĐQT PV GAS cho biết, năm 2021 mặc dù giá dầu, giá cổ phiếu tăng so với giá kế hoạch, nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của PV GAS phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4 từ cuối tháng 4/2021.

Diễn biến phức tạp và kéo dài của đợt dịch này khiến nhu cầu khí dùng cho sản xuất điện và công nghiệp giảm đáng kể (huy động khí của EVN chỉ bằng 69% kế hoạch, bằng 76% so với năm 2020; nhu cầu tiêu thụ khí của các hộ công nghiệp có thời điểm giảm 25-30%, tiêu thụ LPG trong nước giảm 35-40%), làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư tại PV GAS.

Ông Dương Mạnh Sơn, Chủ tịch HĐQT PV GAS phát biểu khai mạc cuộc họp ĐHĐCĐ 2022. Nguồn: Petro Việt Nam.

Ông Dương Mạnh Sơn, Chủ tịch HĐQT PV GAS phát biểu khai mạc cuộc họp ĐHĐCĐ 2022. Nguồn: Petro Việt Nam.

Trong năm 2021, tất cả hệ thống và công trình khí của PV GAS vận hành an toàn và hiệu quả, cấp khí liên tục; duy trì các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả, phù hợp với quy định và tình hình mới. Đặc biệt, PV GAS đã đưa vào vận hành thành công Tàu kho nổi chứa LPG lạnh tại Thái Bình từ tháng 7/2021. Sản xuất và kinh doanh trên 2 triệu tấn LPG về đích trước kế hoạch 2 tháng, là năm có sản lượng kinh doanh LPG cao nhất kể từ khi thành lập PV GAS. PV GAS tiếp tục duy trì cung cấp khí ổn định để sản xuất gần 15% sản lượng điện, 70% đạm, đáp ứng gần 70% thị phần LPG cả nước.

Tất cả các chỉ tiêu tài chính năm 2021 hoàn thành vượt mức kế hoạch từ 14-79% và tăng so với năm 2020 (doanh thu trên 80 nghìn tỷ đồng, là năm đạt doanh thu lớn nhất kể từ khi thành lập PV GAS, lợi nhuận trước thuế hơn 11 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 9 nghìn tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách Nhà nước trên 6 nghìn tỷ đồng), Top đầu đơn vị có các chỉ số tài chính khả quan trong PVN (ROE đạt 17 %, ROA đạt 11 %), Top đầu những đơn vị có vốn hóa lớn trên thị trường (tổng tài sản gần 79 nghìn tỷ đồng), có tỷ lệ chia cổ tức duy trì hàng năm bằng tiền mặt cao.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong triển khai các dự án do thời gian giãn cách xã hội kéo dài và áp dụng các quy định phòng chống dịch bệnh Covid -19, tuy nhiên năm 2021 các dự án của PV GAS tiếp tục được triển khai tích cực. PV GAS đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đột phá, hiệu quả để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến tiến độ của các dự án, tập trung vào các dự án lớn như Dự án kho chứa LNG 1 MMTPA tại Thị Vải; Dự án đường ống dẫn khí LNG Thị Vải - Phú Mỹ; Dự án trạm nạp xe bồn LNG tại Thị Vải; Dự án mở rộng, nâng công suất kho chứa LNG Thị Vải lên 3 triệu tấn/năm; Dự án bồn chứa LPG Thị Vải; Dự án đường ống thu gom, vận chuyển khí mỏ Sư Tử Trắng...

Ngoài ra, PV GAS cũng hoàn thành thanh quyết toán hai dự án/hạng mục công trình. Tổng giá trị giải ngân cho công tác đầu tư xây dựng công ty mẹ đạt 4.773 tỷ đồng, bằng 76% kế hoạch năm nếu chỉ tính dự án do PV GAS trực tiếp thực hiện/điều hành. Nếu không bao gồm dự án đường ống khí Lô B-Ô Môn thì PV GAS giải ngân vốn đầu tư đạt 112% kế hoạch; toàn PV GAS đạt 5.288 tỷ đồng.

Trong năm 2022, kinh tế thế giới phải đối mặt với cú sốc cung cấp năng lượng lớn nhất từ trước đến nay do căng thẳng địa chính trị leo thang giữa Nga – Ukraine và việc các cường quốc, các tổ chức lớn trên thế giới thực thi một loạt các biện pháp trừng phạt Nga sẽ kéo theo các biến động khác về kinh tế - xã hội; dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Do đó PV GAS xác định sẽ chịu ảnh hưởng nhiều mặt hoạt động và việc triển khai các dự án đối mặt với nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, PV GAS đặt kế hoạch năm 2022 với tổng doanh thu 80.043 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 8.791 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 7.039 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 4.062 tỷ đồng. Năm nay doanh nghiệp này cũng dự kiến sẽ hoàn thành thi công, đưa vào vận hành Dự án Kho LNG 1 MMTPA tại Thị Vải và các dự án thành phần; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, phát triển thị trường tiêu thụ khí/LNG và sản phẩm khí trong và ngoài nước; tăng cường tìm kiếm cơ hội đầu tư/đầu tư kho LNG/LPG tại khu vực phía Bắc.

Về phân phối lợi nhuận, PV GAS dự kiến chia cổ tức năm 2021 tỷ lệ 30%/vốn điều lệ, cao hơn so với kế hoạch là 25%. Tỷ lệ chia cổ tức năm 2022 dự kiến đạt 25%/vốn điều lệ, tương ứng 4,785 tỷ đồng.

Ông Hoàng Văn Quang, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc PV GAS trả lời các câu hỏi của cổ đông. Nguồn: Petro Việt Nam.

Ông Hoàng Văn Quang, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc PV GAS trả lời các câu hỏi của cổ đông. Nguồn: Petro Việt Nam.

Thảo luận về vấn đề giá dầu tăng cao so với phương án kế hoạch 60 USD/thùng, Tổng Giám đốc PV GAS, ông Hoàng Văn Quang cho biết ước tính khi giá dầu tăng/giảm 5 USD/thùng thì doanh thu có thể tăng/giảm 1,500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế theo đó cũng tăng/giảm khoảng 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu giá dầu tăng cao sẽ ảnh hưởng tới tiêu thụ khí và việc nhập khẩu LNG trong thời gian tới.

Những tháng vừa qua, giá dầu thế giới biến động mạnh do những ảnh hưởng liên quan đến vĩ mô như căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, các hoạt động của GAS không hoàn toàn phụ thuộc vào giá dầu bởi công ty được áp dụng cơ chế giá riêng, đó là giá bán không thấp hơn giá miệng giếng. Nếu giá dầu xuống thấp thì GAS vẫn không bị lỗ.

Về việc đối thủ cạnh tranh xuất hiện ở sản phẩm LPG, lãnh đạo PV GAS cho biết đây là việc tất yếu. Trong các năm tới, GAS sẽ tập trung phát triển sản phẩm của Tập đoàn PVN bao gồm khí LPG. GAS tham gia tất cả các khâu của khí, từng bước vươn ra thế giới, đầu tư vào các nhà máy điện khí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung chế biến, chế biến sâu để đa dạng hoá tăng giá trị. Trong giai đoạn 2022 - 2025, GAS đặt mục tiêu tăng trưởng từ 7- 9%/năm.

GAS sẽ tập trung vào quản trị doanh nghiệp, thị trường; hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, mở rộng mối quan hệ với đối tác trong và ngoài nước để củng cố vị thế khí và năng lượng của Việt Nam đối với từng dự án cụ thể.

Để phát triển công nghiệp khí LNG trong điều kiện tài nguyên trong nước có hạn, chủ trương chú trọng phát triển điện khí, GAS sẽ tham gia sản xuất các sản phẩm cuối của chuỗi sản phẩm khí, chế biến sâu, cung cấp cho các dự án hóa dầu từ nguyên liệu khí, tăng cường tiết kiệm năng lượng, tận dụng nhiệt lạnh LNG, nghiên cứu triển khai các dự án. Về công nghệ thông tin, GAS thực hiện triển khai chuyển đổi số để nâng cao năng suất, gắn liền với chiến lược phát triển.

Bên cạnh đó, theo ông Hoàng Văn Quang, PV Gas sẵn sàng nhập khẩu LNG vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023 và ban lãnh đạo đang xem xét, quyết định thời điểm phù hợp.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.