Quan hệ song phương nóng lên sau khi Mỹ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc

MỸ TRUNG QUỐC
09:43 - 05/02/2023
Ngày 4/2, máy bay chiến đấu của quân đội Mỹ đã bắn hạ khinh khí cầu bị nghi là thiết bị do thám của Trung Quốc ở ngoài khơi bờ biển Nam Carolina. Vụ việc có nguy cơ tạo ra những rạn nứt sau những nỗ lực của cả hai nước nhằm ổn định mối quan hệ song phương.

"Chúng ta đã bắn hạ nó thành công và tôi muốn khen ngợi các phi công của chúng ta vì đã làm được điều đó", Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ngày 4/2, Reuters đưa tin.

Tổng thống Joe Biden phát biểu trước các phóng viên sau khi đến Sân bay Hagerstown ở Maryland, ngày 4/2. Ảnh: AFP
Tổng thống Joe Biden phát biểu trước các phóng viên sau khi đến Sân bay Hagerstown ở Maryland, ngày 4/2. Ảnh: AFP

Tổng thống Biden cho biết ông đã ra lệnh bắn hạ khinh khí cầu vào ngày 1/2. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã khuyến nghị nên đợi cho đến khi có thể thực hiện việc này trên biển để bảo vệ dân thường khỏi các mảnh vỡ rơi xuống mặt đất từ độ cao hàng nghìn mét.

Một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ cho biết, nhiều máy bay chiến đấu và máy bay tiếp nhiên liệu đã tham gia vào nhiệm vụ bắn hạ khinh khí cầu. Nhưng chỉ một máy bay chiến đấu F-22 từ Căn cứ không quân Langley ở Virginia đã thực hiện bắn vào lúc 14h39 (theo giờ địa phương) bằng cách sử dụng tên lửa AIM-9X.

Mỹ bắn hạ khinh khí cầu của Trung Quốc, ngày 4/2. Video: Washington Post

Các quan chức cho biết khinh khí cầu bị bắn rơi cách bờ biển Mỹ khoảng 6 hải lý (11,1 km) trên vùng nước tương đối nông, có khả năng hỗ trợ nỗ lực khôi phục các bộ phận chính của thiết bị giám sát. Theo các nguồn tin, Bộ Quốc phòng Mỹ đã triển khai nỗ lực hợp tác với FBI và các cơ quan tình báo để hỗ trợ "phân loại và đánh giá" khinh khí cầu này.

Vụ bắn hạ xảy ra ngay sau khi chính phủ Mỹ ra lệnh tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ 3 sân bay Wilmington, Myrtle Beach và Charleston - do vấn đề "an ninh quốc gia". Các chuyến bay đã được nối lại vào chiều 4/2.

Một máy bay phản lực bay ngang qua một khinh khí cầu của Trung Quốc tại khu vực ngoài khơi Nam Carolina. Ảnh: Reuters
Một máy bay phản lực bay ngang qua một khinh khí cầu của Trung Quốc tại khu vực ngoài khơi Nam Carolina. Ảnh: Reuters

Trong tuyên bố ngày 5/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ sự phản đối trước việc Mỹ bắn hạ khinh khí cầu của nước này. Bắc Kinh cho rằng Washington đã "phản ứng thái quá" và "vi phạm nghiêm trọng thông lệ quốc tế".

"Phía Trung Quốc đã nhiều lần thông báo cho Mỹ sau khi xác minh rằng khí cầu được sử dụng cho mục đích dân sự và lạc vào Mỹ vì lý do bất khả kháng. Đó hoàn toàn là một tai nạn", Bộ ngoại giao Trung Quốc cho biết, theo New York Times.

"Trung Quốc rõ ràng đã yêu cầu Mỹ xử lý vụ việc một cách bình tĩnh, chuyên nghiệp và kiềm chế. Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng tuyên bố rằng khinh khí cầu sẽ không gây ra mối đe dọa quân sự hay cá nhân nào đối với mặt đất", theo tuyên bố.

Trước đó, Lầu Năm Góc cho biết một vật thể nghi là khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đi vào không phận ở miền bắc nước Mỹ. Hôm 3/2, khinh khí cầu được phát hiện ở không phận Missouri và di chuyển về phía Bờ Đông.

Khí cầu Trung Quốc bay qua thành phố Billings, bang Montana của Mỹ ngày 1/2. Ảnh: Shutter Stock
Khí cầu Trung Quốc bay qua thành phố Billings, bang Montana của Mỹ ngày 1/2. Ảnh: Shutter Stock

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đây là khí cầu dân sự, được dùng cho mục đích nghiên cứu thời tiết. Phía Trung Quốc cho biết do ảnh hưởng của gió tây và khả năng điều khiển hạn chế, khí cầu đã đi chệch hướng dự kiến ban đầu.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hoãn chuyến thăm ngày 3/2 của ông đến Bắc Kinh cho đến khi "điều kiện cho phép". Ông cho biết, phía Washington khó có thể nhanh chóng thực hiện chuyến đi nếu Trung Quốc không đưa ra các cử chỉ thiện chí nghiêm túc.

Theo Reuters, việc hoãn chuyến đi của ông Blinken - vốn đã được Tổng thống Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý vào tháng 11/2022, được coi là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực ổn định quan hệ hai nước, vốn đã xuất hiện nhiều rạn nứt.

Quan hệ Mỹ - Trung Quốc đã trở nên căng thẳng trong vài năm qua và hạ xuống mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ vào tháng 8/2022, khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là bà Nancy Pelosi đến thăm đảo Đài Loan. Động thái của quan chức cấp cao Mỹ khiến Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận quân sự.

Mỹ và Trung Quốc nhiều lần bày tỏ hy vọng sẽ xây dựng một nền tảng cho mối quan hệ và đảm bảo rằng cạnh tranh không biến thành xung đột.

Đọc tiếp