Quốc hội chính thức thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi)

Luật Thanh tra QUỐC HỘI
09:23 - 14/11/2022
Quốc hội chính thức thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi)
0:00 / 0:00
0:00
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đây là Dự án Luật được Chính phủ trình Quốc hội thảo luận từ Kỳ họp thứ 3, được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 14/11, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi).

Kết quả biểu quyết điện tử tại phiên họp cho thấy có 459 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Luật, chiếm 92,17%. Như vậy Luật Thanh tra (sửa đổi) đã chính thức được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đây là Dự án Luật được Chính phủ trình Quốc hội thảo luận từ Kỳ họp thứ 3. Quá trình tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật được tiến hành nghiêm túc, cầu thị, xác đáng, kỹ lưỡng; tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội và các cơ quan có liên quan. Theo đó, Dự thảo Luật gồm 8 Chương 118 Điều.

Trước khi biểu quyết, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Quốc hội tán thành quy định thành lập Thanh tra Tổng cục, Thanh tra sở

Việc thành lập cơ quan thanh tra tại Tổng cục, Cục được thực hiện trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị và đội ngũ công chức hiện có đang làm nhiệm vụ thanh tra nên không làm phát sinh tăng tổng số đơn vị trực thuộc và biên chế của các Tổng cục, Cục, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW là "Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không được tăng thêm đầu mối và biên chế".

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về các tiêu chí, điều kiện thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ như tại khoản 2 Điều 18; đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, tại khoản này đã bổ sung quy định "Việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục không được làm tăng số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của Tổng cục, Cục thuộc Bộ" để bảo đảm chặt chẽ.

Căn cứ quy định của Luật và yêu cầu thực tiễn, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định việc thành lập cơ quan thanh tra tại các Tổng cục, Cục cụ thể.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, trên cơ sở ý kiến của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định thành lập cơ quan thanh tra tại Cục thuộc Tổng cục được tổ chức theo ngành dọc ở địa phương để tránh xáo trộn lớn về tổ chức bộ máy, biên chế, tăng chi phí, ảnh hưởng đến hoạt động.

Về cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự thảo Luật chỉ quy định chung về tổ chức và hoạt động thanh tra, trong đó có tiêu chí, điều kiện thành lập. Căn cứ quy định của Luật và yêu cầu thực tiễn, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định cụ thể việc thành lập cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ hoặc giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Về Thanh tra sở, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tổng kết thi hành Luật Thanh tra cho thấy, ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hiện có từ 15 đến 19 tổ chức Thanh tra sở nhưng biên chế rất ít, nhiều tỉnh chỉ có trên dưới 50 người, cá biệt có tỉnh chỉ có 25 biên chế. Do biên chế mỏng, cơ quan thanh tra được thành lập dàn trải ở nhiều sở nên một số cơ quan chỉ được bố trí được từ 1 đến 2 biên chế, dẫn đến hoạt động nặng về hình thức, không hiệu quả.

Để đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Thanh tra sở, khắc phục bất cập, hạn chế nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về Thanh tra sở như tại Điều 26 của dự thảo Luật.

Theo đó, giao quyền chủ động cho UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra sở căn cứ vào yêu cầu quản lý Nhà nước ở địa phương và biên chế được giao, trừ một số trường hợp đặc thù do luật định và theo quy định của Chính phủ.

15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo phải ký kết luận thanh tra

Về việc xây dựng, ban hành kết luận thanh tra và giao quyền quyết định kỷ luật cho cơ quan thanh tra, một số ý kiến đề nghị rà soát các quy định trong dự thảo Luật về ban hành kết luận thanh tra để quy định chặt chẽ, bảo đảm khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát, quy định cụ thể, rành mạch về thẩm quyền, quy trình, thời hạn các bước báo cáo kết quả thanh tra, xây dựng, ban hành, công khai kết luận thanh tra. Xác định rõ trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải ký ban hành kết luận thanh tra.

Đồng thời, bổ sung quy định Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm việc ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn quy định.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.

Đối với kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cơ quan thanh tra được trích một phần số tiền từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra, bảo đảm phù hợp với pháp luật về ngân sách Nhà nước và yêu cầu cải cách tiền lương trong thời gian tới. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể tỷ lệ trích trong dự thảo Luật hoặc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo, căn cứ thẩm quyền được giao theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành và yêu cầu thực tiễn, Nghị định số 86/2011/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định "các cơ quan thanh tra Nhà nước được trích một phần số tiền từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra thực nộp vào ngân sách Nhà nước để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra".

Thực tiễn thực hiện thời gian qua cho thấy quy định này đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan thanh tra.

Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này trong dự thảo Luật. Đồng thời, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, khoản 3 Điều 112 của dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể để bảo đảm chặt chẽ theo yêu cầu của pháp luật về ngân sách Nhà nước và phù hợp với chủ trương thực hiện cải cách tiền lương.

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.