Quốc hội Mỹ tăng gói viện trợ Ukraine từ 33 lên 40 tỷ USD

chiến sự Nga – Ukraine
15:23 - 11/05/2022
Điện Capitol Hoa Kỳ. Ảnh: AP
Điện Capitol Hoa Kỳ. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Theo thông tin từ buổi phát trực tiếp trên trang web chính thức, Hạ viện Mỹ chính thức thông qua dự luật phân bổ 40 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc.

Trước đó vào cuối tháng 4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề nghị Quốc hội nước này thông qua gói viện trợ 33 tỷ USD cho Ukraine. Tuy nhiên, các nhà lập pháp đã quyết định nâng số tiền viện trợ lên 40 tỷ USD, để bổ sung các khí tài quân sự cũng như hỗ trợ lương thực cho quân đội Ukraine.

Theo hãng thông tấn TASS, tới ngày 10/5 tại Hạ viện Mỹ, dự luật này đã đạt được đa số phiếu thuận cần thiết và sẽ được chuyển tới Thượng viện. Nếu được thông qua, dự luật này sẽ được chuyển tới Tổng thống Joe Biden phê duyệt và chính thức trở thành một đạo luật.

Trước đó, Tổng thống Joe Biden đã từng yêu cầu khoản viện trợ bổ sung này được thông qua sớm hơn. Ông thúc giục các nhà lập pháp nhanh chóng thông qua dự luật này với cảnh báo Mỹ sẽ phải đình chỉ viện trợ cho Kiev do các nguồn lực Quốc hội phân bổ đã cạn kiệt.

Trong khi đó, tình hình chiến sự tại Ukraine vẫn đang diễn ra căng thẳng khi quân đội Nga tiếp tục tấn công nhà máy thép Azovstal cùng Kharkiv và khu vực Donbass phía Đông Ukraine. Tại thành phố cảng Mariupol, Bộ tổng tham mưu Ukraine cho biết các lực lượng Nga tiếp tục tấn công nhà máy thép bằng pháo binh, xe tăng và máy bay ném bom.

Quang cảnh đổ nát của khu dân cư tại Kharkiv, Ukraine. Ảnh: Reuters

Quang cảnh đổ nát của khu dân cư tại Kharkiv, Ukraine. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Reuters dẫn lời các quan chức tình báo hàng đầu của Mỹ cho biết quân đội Ukraine đang chịu sự tấn công từ 3 hướng của quân đội Nga và cuộc chiến đang đi vào bế tắc. Nhưng theo Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ Avril Haines hôm 10/5, các cuộc phản công gần Kharkiv của quân đội Ukraine có khả năng đã làm tổn thương đường tiếp tế của quân đội Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thì khẳng định Ukraine đang thành công đẩy lực lượng vũ trang Nga ra khỏi Kharkiv.

Mặt khác, phía Nga cũng đang tăng cường binh sĩ trên đảo Zmiinyi hay còn được gọi là Đảo Rắn. Bộ Quốc phòng Anh cho rằng nếu Nga củng cố vị trí của mình trên đảo này bằng hệ thống phòng không chiến lược và tên lửa hành trình phòng thủ bờ biển, quốc gia này có thể thống trị vùng Tây Bắc Biển Đen.

Nhằm mục tiêu ngăn cản Nga thực hiện các chiến dịch quân sự, Mỹ cùng các đồng minh phương Tây đã áp đặt nhiều vòng trừng phạt kinh tế lên Moscow. Gần đây nhất, Liên minh châu Âu đã mở rộng vòng cấm vận thứ 6 về tài chính, vận tải và năng lượng, trong đó quy định các quốc gia thuộc khối sẽ loại bỏ hoàn toàn nguồn cung dầu Nga trong 6 tháng.

Tuy nhiên, lệnh cấm này có khả năng sẽ gặp phải sự phản đối từ các quốc gia phụ thuộc, trong đó có Hungary và nước phụ thuộc nhiều vào vận chuyển dầu là Hy Lạp. Thêm vào đó, lệnh cấm nhập khẩu khí đốt từ Nga tiếp tục là một vấn đề gây chia rẽ trong nội bộ khối. Theo báo cáo từ phía Nga, đã có một số quốc gia châu Âu và gần đây nhất là nhà nhập khẩu khí đốt lớn thứ 3 nước Đức là VNG đồng ý chi trả khí đốt bằng đồng Ruble, bất chấp các tuyên bố phản đối trước đó.

Đọc tiếp