Quốc hội nhất trí cần thiết ban hành luật về lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở

QUỐC HỘI Việt nAM
12:52 - 20/06/2023
 Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Ảnh: Quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Sau khi Quốc hội nghe Tờ trình về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đã trình bày Báo cáo thẩm tra, trong đó cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật.

Phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời từ sớm các vụ việc về an ninh, trật tự ở cơ sở

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, ngày 20/6, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thay mặt Chính phủ trình bày trước Quốc hội Tờ trình về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Việc xây dựng luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gắn với kiện toàn lực lượng, tinh gọn đầu mối, giảm chi ngân sách nhà nước; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở.

Bên cạnh đó điều chỉnh thay đổi về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sau khi được kiện toàn thành một lực lượng thống nhất; xác định cụ thể vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quan hệ công tác, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với tính chất là lực lượng quần chúng tự nguyện, tự quản dưới sự quản lý của chính quyền, tham gia hỗ trợ lực lượng công an.

Cùng với đó, kịp thời tạo cơ sở pháp lý để quy định cụ thể nhiệm vụ, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ được tiếp tục sử dụng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với lực lượng đã được tuyển dụng, huấn luyện và cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Theo số liệu khảo sát đến nay, trong toàn quốc có 70.867 Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 46 Luật Công an nhân dân năm 2018.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về các nhiệm vụ mà lực lượng công an xã bán chuyên trách được thực hiện khi tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cũng như thay đổi tên gọi của lực lượng này để phân biệt với tên gọi của các chức danh công an xã chính quy và bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng này.

Hơn nữa, trong điều kiện hiện nay khi tình hình trong nước, khu vực và thế giới liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự đang diễn biến hết sức nhanh chóng, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp với nhiều vấn đề mới nảy sinh đã đặt ra yêu cầu phải tăng cường và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới.

Quan tâm hơn nữa thực hiện chế độ đảm bảo hoạt động thành viên tổ bảo vệ an ninh trật tự

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật.

Tuy nhiên, do nội dung dự thảo luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an và một số lực lượng khác có liên quan ở cơ sở, nên đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; bảo đảm chặt chẽ, khả thi khi áp dụng luật.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, thực tế hiện nay, vấn đề tranh chấp, khiếu kiện, hoạt động của các loại tội phạm, tình hình tai nạn, tệ nạn xã hội ở nhiều địa phương vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp; tình hình vi phạm các quy định về tham gia giao thông, về quản lý cư trú… diễn ra khá phổ biến.

Đa số các vụ, việc có liên quan đến an ninh, trật tự đều xảy ra ở cơ sở, cần phải được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời từ sớm, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả cho xã hội.

Về xây dựng lực lượng kể trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh cho hay, một số ý kiến đề nghị đánh giá cụ thể hơn tính khả thi về mô hình tổ chức, số lượng người tham gia tùy vào yêu cầu thực tế tình hình an ninh trật tự ở cơ sở để bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao mà không lãng phí nhân lực.

Với 103.568 đơn vị cấp thôn, tổ dân phố trên toàn quốc, nếu bố trí mỗi tổ bảo vệ an ninh trật tự có ít nhất 3 thành viên (tổ trưởng, tổ phó và 1 tổ viên); đồng thời, cho phép bổ sung trong trường hợp cần thiết thì tổng số lượng thành viên các tổ bảo vệ an ninh trật tự không chỉ dừng lại ở khoảng 300.000 người như tờ trình của Chính phủ đã nêu.

Hơn nữa, ở địa bàn đô thị và địa bàn nông thôn lại khác nhau về thành phần lực lượng (bảo vệ dân phố chỉ có ở đô thị, công an xã bán chuyên trách chỉ có ở nông thôn). Do đó, các ý kiến này cho rằng, việc bố trí lực lượng cần được đánh giá cụ thể hơn theo địa bàn và đặc điểm tình hình an ninh trật tự ở khu vực đô thị, nông thôn, biên giới và một số địa bàn đặc thù phức tạp về an ninh trật tự để bảo đảm quy định của luật sát với tình hình thực tiễn.

Về kinh phí cho lực lượng, Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đều đang được chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật, tuy nhiên, mức độ bảo đảm còn rất hạn chế so với yêu cầu nhiệm vụ.

"Qua khảo sát thực tế của Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho thấy, trung bình thành viên tổ bảo vệ an ninh trật tự được chi dưới 500.000 đồng/tháng là quá thấp. Chưa kể, hiện nay, một số địa phương đã thôi chi trả phụ cấp đối với công an xã bán chuyên trách sau khi bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã", Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh nêu vấn đề

Vì vậy, Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ, tính toán đủ mức kinh phí mà ngân sách Nhà nước phải bảo đảm để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ làm cơ sở để Quốc hội xem xét quyết định.

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.