Quy định chặt chẽ để bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng

QUỐC HỘI Việt nAM
14:32 - 02/11/2022
Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình: Cần có chế tài bảo vệ người tiêu dùng giao dịch trên môi trường mạng.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình: Cần có chế tài bảo vệ người tiêu dùng giao dịch trên môi trường mạng.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là rất cần thiết và cần có những quy định chặt chẽ để bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ hiện nay.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 2/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là rất cần thiết, đồng thời, cần có những quy định chặt chẽ để bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng như hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin, giao kết hợp đồng, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng trong các giao dịch, đặc biệt là giao dịch trực tuyến.

Tham gia góp ý, đại biểu Triệu Thị Huyền - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho rằng, việc sửa đổi luật rất phù hợp với sự vận động, phát triển, cơ chế kinh tế thị trường cũng như sự phát triển của xã hội, sự tác động của dịch Covid-19 và Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khiến hoạt động mua sắm, kinh doanh đã vượt qua khỏi hoạt động truyền thống.

Đại biểu bày tỏ quan tâm đến việc bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng. Theo đại biểu, trong dự luật quy định, trong trường hợp thông tin bị tấn công và làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin phải thông báo cho cơ quan chức năng trong vòng 24 giờ khi phát hiện ra sự cố.

"Tôi cho rằng ngay lúc này, người tiêu dùng cũng cần biết được thông tin của mình đang có nguy cơ bị rò rỉ, lộ lọt. Do đó, đề nghị ban soạn thảo cần có nghiên cứu, bổ sung về cơ chế, hình thức để thông báo cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin với người tiêu dùng, để người tiêu dùng có phương án chủ động trong việc phòng ngừa các sự cố có thể xảy ra", đại biểu nhìn nhận.

Đại biểu Triệu Thị Huyền - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái

Đại biểu Triệu Thị Huyền - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái

Tương tự, Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình nhắc lại Điều 15 của dự luật quy định người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, an toàn, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh đã đăng ký, công bố, niêm yết, quảng cáo, cam kết hoặc theo quy định của pháp luật.

Đại biểu cho rằng, trên thực tế hiện nay, đa số các giao dịch mua bán được thực hiện trên môi trường mạng, nhiều hàng hóa trên mạng so với thực tế rất khác nhau, nhiều người mua hàng bị lừa, nhận được những mặt hàng không giống như đã thỏa thuận trên mạng. Tuy thế, khi người tiêu dùng nhận được hàng không bảo đảm đúng tiêu chuẩn, chất lượng mẫu mã vẫn không thực hiện được yêu cầu bồi thường.

"Trong khi đó, chế tài xử lý hiện nay đối với những trường hợp này lại chưa có hoặc không kiểm soát được". Theo đó, đề nghị dự thảo luật nên có quy định chặt chẽ, chi tiết hơn về vấn đề này nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng trong tình hình hiện nay.

Cho ý kiến về nội dung này, Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị sửa đổi theo hướng quy định việc bảo đảm an toàn thông tin trong giao dịch điện tử không chỉ được thực hiện theo quy định của Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng, mà còn phải thực hiện theo quy định của Luật Công nghệ thông tin để đảm bảo tính toàn diện, hệ thống trong đối tượng được điều chỉnh của các luật có liên quan.

Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam.

Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam.

Đảm bảo tính hiệu quả trong quản lý về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Trao đổi, làm rõ về tính khả thi của dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhất là các quy định mới, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có nội hàm rộng được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật, từ Bộ luật Dân sự đến pháp luật chuyên ngành như Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, Luật Thương mại, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa….

Do đó, để tránh xung đột, chồng chéo, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường theo hướng xác định rõ dự thảo Luật chỉ quy định những vấn đề mới, đặc thù chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh dưới góc độ bảo vệ vị trí, yếu thế của người tiêu dùng.

Lý giải việc việc dự thảo Luật lần này bỏ đối tượng "tổ chức" ra khỏi khái niệm người tiêu dùng, Bộ trưởng Công thương cho biết, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng xác định người tiêu dùng, đối tượng vị trí yếu thế trong mối quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Trong khi đó, đối tượng tổ chức bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức không kinh doanh hoạt động vì mục đích phi lợi nhuận về cơ bản đã có đầy đủ chức năng, năng lực để tự khắc phục vị trí, yếu thế của mình như có cơ cấu tổ chức, nguồn lực, tư vấn về pháp lý để giải quyết những vấn đề xảy ra tranh chấp.

Mặt khác, hệ thống pháp luật dân sự, thương mại hiện hành đã có đầy đủ các quy định để bảo vệ đối tượng tổ chức, quá trình trong quá trình thực hiện giao dịch với các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Kinh nghiệm các nước đều quy định khái niệm người tiêu dùng, cá nhân mua, sử dụng các loại hàng hóa, dịch vụ.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên – Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng làm rõ một số nội dung của dự thảo Luật
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên – Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng làm rõ một số nội dung của dự thảo Luật

Dự thảo Luật lần này cũng đặt ra vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch có yếu tố đặc thù trong điều kiện chuyển đổi số nền kinh tế.

Theo đó đã bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa với người tiêu dùng; phân loại và quy định trách nhiệm tương ứng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng; quy định một số nội dung phải kết hợp đồng từ xa; bổ sung quy định cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số.

Cùng với đó, dự thảo Luật đã hoàn thiện, bổ sung các quy định nhằm tạo điều kiện tối đa để khuyến khích phát huy hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đọc tiếp