Quy định việc Hội đồng Y khoa Quốc gia cấp giấy phép hành nghề gây tranh luận

Y Tế Việt nAM
14:11 - 13/06/2022
Đại biểu Đặng Văn Lẫm đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được tổ chức cấp giấy phép hành nghề trong lĩnh y tế. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Đặng Văn Lẫm đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được tổ chức cấp giấy phép hành nghề trong lĩnh y tế. Ảnh: quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Tại phiên thảo luận Quốc hội sáng nay về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), các đại biểu đã có những quan điểm trái chiều về vấn đề quy định Hội đồng Y khoa Quốc gia cấp giấy phép hành nghề có phù hợp hay không.

Tại phiên thảo luận sáng 13/6, đã có gần 30 đại biểu các tỉnh, thành phố tham gia phát biểu. Trong đó có những ý kiến trái chiều liên quan đến vấn đề thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề.

Trước đó, tại phiên họp chiều ngày 25/5 của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, liên quan đến vấn đề thẩm quyền cấp Giấy phép hành nghề, có 2 phương án đã được đưa ra. Cụ thể: Phương án 1: Giao Hội đồng Y khoa quốc gia cấp, thu hồi giấy phép hành nghề như quy định tại khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật.

Phương án 2: Giao Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người đề nghị cấp giấy phép hành nghề. Tiếp đó, giao các cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Y tế) căn cứ kết quả kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cũng như các điều kiện về sức khỏe, điều kiện về không thuộc trường hợp bị cấm để thực hiện việc cấp phép hành nghề.

Phát biểu tại phiên thảo luận sáng 13/6, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, quy định giao Hội đồng y khoa quốc gia cấp và thu hồi giấy phép hành nghề (phương án 1) là một mô hình lý tưởng. Tuy nhiên, bà đặt ra vấn đề làm sao để Hội đồng Y khoa quốc gia có thực quyền và làm sao để hoạt động đi và cấp giấy phép hành nghề phải thực chất, tránh hình thức.

Theo bà Hoa, điều này phụ thuộc vào cơ cấu, thành phần và địa vị pháp lý của tổ chức này. Trên thực tế, từ khi chính thức được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập vào cuối năm 2020, đến nay Hội đồng Y khoa quốc gia Việt Nam vẫn chỉ mang tính chất là cơ quan giúp việc cho Bộ trưởng Bộ Y tế, do Bộ Trưởng Bộ Y tế giữ chức vụ kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Như vậy, theo bà Hoa, nếu vẫn duy trì cơ cấu và địa lý pháp lý này thì việc quy định Hội đồng Y khoa quốc gia trong Dự thảo Luật này chỉ mang tính hình thức và không khả thi. Do đó, để căn cứ cho đại biểu lựa chọn phương án, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định rõ địa vị pháp lý việc thành lập, tổ chức hoạt động của Hội đồng Y khoa quốc gia với tư cách là một cơ quan độc lập với Bộ Y tế và hoạt động thuần túy về chuyên môn.

Trong khi đó, Đại biểu Cao Mạnh Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa lại cho rằng, quy định Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (phương án 2) mới là phù hợp.

Tuy nhiên, theo ông Linh, Dự thảo Luật cũng cần lưu ý quy chế tổ chức, hoạt động của Hội đồng Y khoa quốc gia để bảo đảm tính khả thi. Theo đó, Dự thảo Luật nên nghiên cứu bổ sung quy định để huy động sự tham gia sâu hơn của các hội nghề nghiệp, cơ sở đào tạo chuyên môn ngành y, phát huy vai trò của hội và cơ sở đào tạo chuyên sâu trong việc phối hợp, hỗ trợ Hội đồng Y khoa quốc gia.

Cụ thể, trong việc xây dựng chuẩn năng lực nghề nghiệp, xây dựng chuẩn năng lực nghề nghiệp, xây dựng ngân hàng câu hỏi đánh giá năng lực hành nghề để vừa tránh phát sinh thêm bộ máy và vừa phù hợp với chủ trương xã hội hóa của Việt Nam hiện nay.

Đại biểu Cao Mạnh Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Cao Mạnh Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu thêm về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Trí Thức - Đoàn ĐBQH TP HCM nhận định, quy định chỉ có Hội đồng Y khoa quốc gia tổ chức kiểm tra, cấp giấy phép hành nghề là không hợp lý. Lý giải về quan điểm này, ông cho rằng chỉ có một tổ chức cho cả nước thì khối lượng công việc rất lớn, số lượng bác sĩ trên cả nước cũng rất lớn, điều này có thể gây ra tập trung quá tải, ách tắc và khó khăn trong việc cấp giấy phép hành nghề.

Ông Thức cũng nêu rõ, Hội đồng Y khoa quốc gia không phải cơ quan quản lý nhà nước hay cơ quan hành chính, mà là một tập thể cho nên không phù hợp để cấp giấy phép hành nghề. Do đó, ông đề nghị, Hội đồng Y khoa quốc gia cần có trách nhiệm xây dựng chuẩn năng lực hành nghề, xây dựng ngân hàng câu hỏi để công khai; xây dựng quy chế tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh. Đồng thời, cần xây dựng tiêu chuẩn các cơ sở y tế đủ năng lực để cấp giấy phép hành nghề, kiểm tra, đánh giá giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh.

Các nhiệm vụ xây dựng trên đều phải trên cơ sở đủ điều kiện do Bộ Y tế thẩm định tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực. Các cơ sở đó sẽ được tổ chức kiểm tra để đánh giá năng lực hành nghề và thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề sẽ do Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các Sở Y tế cấp như hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Trí Thức - Đoàn ĐBQH TP HCM phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Trí Thức - Đoàn ĐBQH TP HCM phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Trong khi đó, theo Đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đăk Nông, Hội đồng Y khoa quốc gia nên được giao những nhiệm vụ lớn như tư vấn xây dựng thể chế, chính sách về y tế, khám, chữa bệnh và giải quyết những vấn đề khó về chuyên môn chứ không nên giao đảm nhiệm các công việc thực thi tác nghiệp (tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề).

Bà Kiều cho rằng, việc này nên quy định giao cho các cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức độc lập thực hiện theo đối với nhiều chứng chỉ hành nghề khác mà không cần thiết phải do Hội đồng ở tầm quốc gia trực tiếp thực hiện.

Đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đăk Nông phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đăk Nông phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Kiến nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được tổ chức cấp giấy phép cho đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thay cho Hội đồng Y khoa quốc gia

Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Đặng Văn Lẫm – Đoàn ĐBQH TP HCM cho rằng, việc tập trung thẩm quyền vào Hội đồng Y khoa quốc gia sẽ phát sinh những khó khăn, vướng mắc, nhất là tác động đến công tác bảo đảm quân y trong quân đội quốc phòng.

Ông Lẫm nêu rõ, số lượng người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cả nước rất lớn, thủ tục cấp phép phải theo một quy trình, thời gian nhất định, trong các đơn vị quân đội luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu, lực lượng cần được bổ sung tăng cường nhanh. Nhiều đơn vị đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; nếu theo quy trình, thời gian cấp phép thường sẽ khó đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Cùng với đó, theo ông Lẫm, cán bộ, nhân viên quân y ngoài kiến thức chuyên môn ngành y còn phải có năng lực về y học quân sự như nội khoa dã chiến, ngoại khoa dã chiến, xử lý vết thương chiến tranh… Do đó, ông khẳng định, việc tổ chức thi đánh giá năng lực hành nghề đối với cán bộ y tế dân y, cán bộ quân y trong quân đội cùng một Hội Y khoa quốc gia, cùng một bộ câu hỏi theo Dự thảo Luật là chưa phù hợp.

Bên cạnh đó, trong thực tiễn từ khi thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh đến nay, Bộ Quốc phòng đã cấp giấy chứng nhận hành nghề trên 21.000 hồ sơ cho bác sĩ, điều dưỡng, y sỹ, hộ sinh, kỹ thuật viên, lương y và các đối tượng khác. Đồng thời, cấp nhiều giấy phép hoạt động cho bệnh viện, phân viện, bệnh xá, phòng khám và các hình thức khác. Ngoài ra còn cấp giấy chứng nhận hành nghề cho cán bộ, nhân viên quân y, bệnh viện dã chiến tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đặc biệt là về tiến độ, thời gian.

Thêm vào đó, thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý giao cho một tổ chức độc lập ngoài quân đội thì sẽ không bảo đảm về yếu tố bí mật nhà nước.

Do vậy, ông Lẫm đã đề nghị phân cấp cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức đánh giá năng lực hành nghề, tổ chức cấp, thu hồi giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của các đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.