Sau Nghị quyết 128/NQ-CP, doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh

DOANH NGHIỆP Việt nAM
11:32 - 28/10/2021
Trong tháng 10/2021 có 8.233 doanh nghiệp thành lập với số vốn đăng ký 108.569 tỷ đồng
Trong tháng 10/2021 có 8.233 doanh nghiệp thành lập với số vốn đăng ký 108.569 tỷ đồng
0:00 / 0:00
0:00
Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 10 đã tăng mạnh so với tháng 2 tháng trước đó, đạt tiệm cận với những tháng trước khi thực hiện giãn cách xã hội trên nhiều tỉnh, thành.

Theo Cục quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 10/2021 là 8.233 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 108.569 tỷ đồng.

Con số này giảm 32,5% về số doanh nghiệp và giảm 34,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020, nhưng đã tăng lần lượt 42,9% và 111,2%, số vốn đăng ký mới tăng 59,8% và 73,9% so với tháng 8/2021 và tháng 9/2021 và đạt tiệm cận với số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong tháng 7/2021, thời điểm trước khi việc giãn cách xã hội được thực hiện trên diện rộng.

Đáng chú ý, số liệu của Cục cho thấy, sau khi Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” được ban hành, chỉ trong 10 ngày cuối cùng của kỳ báo cáo tháng, số doanh nghiệp gia nhập thị trường đã chiếm 45,6% (3.753 doanh nghiệp) tổng số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng. Số vốn đăng ký mới cũng chiếm 38,9% (42.280 tỷ đồng) tổng số vốn đăng ký mới trong tháng.

Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 10/2021 là 58.811 người, giảm 18,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong tháng 10, ghi nhận có 4.304 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, có 45/63 địa phương trên cả nước có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 10/2021 tăng so với tháng 9/2021. Cả nước có 7.346 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Luỹ kế, số doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng đầu năm 2021 là 93.716 doanh nghiệp, giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2020. Số vốn đăng ký thành lập trong 10 tháng đầu năm 2021 đạt 1.304.370 tỷ đồng, giảm 18,2% so với cùng kỳ.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 10 tháng đầu năm 2021 là 3.183.638 tỷ đồng (giảm 18,2% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 1.304.370 tỷ đồng (giảm 18,2% so với cùng kỳ năm 2020).

Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng đầu năm 2021 là 707.657 lao động, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Có 3/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2020 là: Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (tăng 191,3%); Kinh doanh bất động sản (tăng 7,8%); Vận tải kho bãi (tăng 6,3%).

Dưới tác động của dịch bệnh, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 10 tháng đầu năm 2021 có 97.089 doanh nghiệp, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 48.487 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm 49,9% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 10 tháng đầu năm 2021.

Tính riêng TP.HCM, trong 10 tháng đầu năm 2021 có 25.895 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (chiếm 26,7% số doanh nghiệp rút lui của cả nước), giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2020. Sự gia tăng về doanh nghiệp rút lui chủ yếu đến từ sự gia tăng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (13.836 doanh nghiệp, tăng 11,4%).

Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 10 tháng đầu năm 2021 là 48.487 doanh nghiệp, tăng 16,0% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 49,9% số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 10 tháng đầu năm 2021 có thời gian hoạt động ngắn, chủ yếu là các doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 0-5 năm với 24.745 doanh nghiệp (chiếm 51,0%); 13.127 doanh nghiệp hoạt động từ 5-10 năm (chiếm 27,1%) và 10.615 doanh nghiệp hoạt động trên 10 năm (chiếm 21,9%).

Tính riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 10 tháng đầu năm 2021 là 13.836 (chiếm 28,5% số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh của cả nước), tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Sẽ có chuyển biến tích cực từ tháng tới

Bước sang Quý IV/2021, Tổ chức Y tế thế giới, các nhà khoa học và các quốc gia nhận định dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023. Tuy nhiên, việc bao phủ vắc xin, có thuốc điều trị giúp giảm số ca nặng, tử vong và giảm tỷ lệ mắc. Nhiều quốc gia thay đổi chiến lược ứng phó dịch bệnh từ cố gắng dập tắt dứt điểm sang sống chung an toàn với dịch bệnh.

Tại Việt Nam, Chính phủ xác định mục tiêu công tác phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội.

Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” sẽ giúp nước ta có thể thực hiện đồng thời 2 mục tiêu là kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội.

Đây là yếu tố được đánh giá sẽ tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm 2021, thể hiện qua sự phục hồi ban đầu của tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2021. Dự báo, sẽ tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực trong những tháng cuối năm và năm 2022.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.