SGI Capital dè dặt giải ngân trở lại, nhận định thị trường đang nhiều rủi ro

SGI Capital CHỨNG KHOÁN
15:06 - 14/09/2022
Ông Lê Chí Phúc - Tổng giám đốc Ballad Fund.
Ông Lê Chí Phúc - Tổng giám đốc Ballad Fund.
0:00 / 0:00
0:00
Quỹ Ballad Fund thuộc SGI Capital đã nâng tỷ trọng cổ phiếu trong tháng 8/2022. Tuy nhiên, quỹ vẫn duy trì tỷ trọng tiền mặt rất cao với quan điểm tháng 9 và tháng 10 sẽ là liều thuốc thử mạnh với thị trường khi đối mặt với nhiều rủi ro.

Trong tháng 8, với sự phục hồi mạnh của thị trường chứng khoán, Ballad Fund đạt hiệu suất dương 2,3%. Nhưng so với tỷ lệ 6,15% của VN-Index thì thấp hơn nhiều. Sau 8 tháng đầu năm, quỹ vẫn còn lỗ 11,24%.

Trong tháng 6, Ballad Fund đã bán hơn 50% danh mục cổ phiếu, sau 3 tháng thua lỗ liên tiếp. Tại cuối tháng 6, tỷ trọng cổ phiếu của Ballad Fund chỉ còn gần 40%, còn lại là tiền mặt. Sang tháng 8, quỹ dưới sự dẫn dắt của CEO Lê Chí Phúc đã giải ngân trở lại nhưng vẫn khá dè dặt.

Cụ thể, Ballad Fund mua thêm 90.000 cổ phiếu HPG và 100.000 cổ phiếu MWG. HPG từng là cổ phiếu từng chiếm tỷ trọng cao nhất (gần 20%) trong danh mục của quỹ trước khi bị hạ xuống chỉ còn 1,8% trong tháng 7. Ở chiều ngược lại, Ballad Fund hạ tỷ trọng của 2 cổ phiếu ngân hàng, bán ra 104.000 cổ phiếu MBB và gần 31.000 cổ phiếu VCB.

Với động thái mua vào trên, tỷ trọng cổ phiếu của quỹ Ballad Fund tăng nhẹ lên hơn 42% tại cuối tháng 8 và vẫn còn nắm giữ gần 58% tiền mặt.

Phân bổ tài sản của Ballad Fund. Nguồn: SGI

Phân bổ tài sản của Ballad Fund. Nguồn: SGI

Nhiều áp lực nhưng vẫn có điểm lạc quan

Ballad Fund cho biết đang quan sát kỹ tác động từ việc gia tăng hút tiền của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cũng như ảnh hưởng của lãi suất tăng lên kinh tế thực như việc mở rộng sản xuất chậm lại, tiêu dùng giảm, biên lợi nhuận doanh nghiệp co lại, thất nghiệp bắt đầu tăng.

Theo Ballad Fund, giai đoạn hiện tại xảy ra đồng thời cả hai tác động tiêu cực là thắt chặt dòng tiền vào tài sản rủi ro và triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp điều chỉnh giảm; từ đó gây áp lực lên định giá và giá cổ phiếu.

Đối với thị trường Việt Nam, Ballad Fund nhận định, nền vẫn đang phục hồi dựa trên yếu tố nội tại khi sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ, xuất nhập khẩu và cân đối ngân sách duy trì tích cực. Quý 3 sẽ có mức tăng trưởng rất mạnh khi so sánh với nền thấp của năm 2021. Tuy nhiên, quỹ đang quan sát các tác động tiêu cực từ bên ngoài như tỷ giá và nhu cầu suy giảm lên nền kinh tế và doanh nghiệp trong nước.

Một số ngành xuất khẩu dựa nhiều vào nhu cầu thế giới do năng lực sản xuất trong nước lớn đã có suy giảm và ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phiếu như dệt may, đồ gỗ, và thuỷ sản, và thép… Mặc dù vậy, nhìn tổng thể, Việt Nam cùng với một số nước ASEAN và Ấn Độ đang được đánh giá là những khu vực vững vàng và tiềm năng nhất trong bức tranh tăng trưởng toàn cầu. Đây cũng là các nước có thị trường chứng khoán tích cực nhất trong tháng 8.

P/E và P/B của VN-Index qua các thời kỳ. Nguồn: SGI

P/E và P/B của VN-Index qua các thời kỳ. Nguồn: SGI

Về chính sách tiền tệ 4 tháng cuối năm, Ballad Fund tiếp tục giữ quan điểm Ngân hàng Nhà nước (SBV) sẽ thận trọng trong điều hành tín dụng và lãi suất với trọng tâm ổn định tỷ giá và lạm phát, bởi mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay sẽ đạt và vượt kế hoạch.

Trong hai tháng vừa qua, SBV vẫn tiếp tục sử dụng công cụ lãi suất và can thiệp trực tiếp nhằm điều hành tỷ giá linh hoạt, không tạo kỳ vọng cho giới đầu cơ. Áp lực tiếp theo là việc giảm bảng cân đối với tốc độ 95 tỷ USD/tháng của FED có thể khiến dòng vốn FII (đầu tư gián tiếp) đảo chiều tiêu cực hơn. Mặc dù vậy, SGI cho rằng giai đoạn áp lực tỷ giá, lãi suất căng thẳng và bất ngờ nhất có thể đang dần đi qua. SBV sẽ có thêm dư địa điều hành từ cuối quý 4 khi tốc độ thắt chặt tiền tệ chậm lại trên toàn cầu.

Thời điểm tháng 9 và 10/2022, theo SGI có thể là liều thuốc thử mạnh với thị trường chứng khoán Việt Nam khi đối mặt rủi ro đến từ thị trường tài chính toàn cầu, với việc FED tăng gấp 2 quy mô hút tiền. Bên cạnh đó là áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh việc nới room sẽ được thực hiện thận trọng, lãi suất tiếp tục tăng và áp lực chốt lời của nhiều nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh.

Điểm lạc quan là định giá của thị trường Việt Nam đang ở vùng thấp, thường chỉ có trong các giai đoạn thị trường chiết khấu cho những rủi ro lớn. Trong khi đó, lợi nhuận nhiều doanh nghiệp niêm yết không bị tác động quá tiêu cực bởi ngoại cảnh sẽ giúp dòng vốn dài hạn gia tăng mỗi khi thị trường có sự sụt giảm mạnh. Sự suy giảm của thanh khoản và tiền đầu cơ trong giai đoạn thắt chặt tiền tệ như hiện nay sẽ dần mở ra cơ hội chọn cổ phiếu tốt với giá rẻ cho một chu kỳ đầu tư mới.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.