Singapore siết quy định quảng cáo dịch vụ tiền điện tử

TIỀN SỐ SINGAPORE
12:00 - 18/01/2022
Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS). Ảnh: Reuters
Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS). Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đang thắt chặt hơn nữa việc kiểm soát lĩnh vực tiền điện tử, cụ thể là việc quảng cáo các dịch vụ này – một trở ngại tiếp theo đối với các nhà cung cấp dịch vụ tài sản số đang tìm cách hoạt động tại đây.

Chính phủ Singapore gọi các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ liên quan đến các đồng tiền điện tử như Bitcoin, Ethereum cũng như các loại tài sản tương tự khác hoạt động dựa trên công nghệ blockchain nói chung là dịch vụ “thanh toán token số” hay DPT.

Hôm 17/1, cơ quan quản lý tài chính của Singapore đã công bố một bộ quy tắc, trong đó định hướng các nhà cung cấp dịch vụ tiền điện tử ngừng tiếp thị hoặc quảng cáo các dịch vụ của mình tới các nhà đầu tư bán lẻ. Điều này sẽ áp dụng cho cả không gian công cộng và cho các nền tảng vật lý lẫn nền tảng trực tuyến.

Dù khung quy định chung về quảng cáo bắt đầu đi vào hiệu lực ngay lập tức, các doanh nghiệp DPT vẫn sẽ được cung cấp một khoảng thời gian nhất định để cắt giảm các kế hoạch quảng cáo của mình theo đúng hướng dẫn.

Cụ thể hơn, những doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ này được khuyến cáo không nên lôi kéo khách hàng thông qua quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội hoặc các trang web công cộng khác cũng như trên các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt và tàu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp DPT này cũng không được đặt quảng cáo tại các điểm dừng chờ phương tiện công cộng hoặc thông qua các phương tiện truyền thông và báo chí. Việc cung cấp các máy ATM vật lý để phân phối token tiền điện tử không được chính phủ quốc gia này khuyến khích.

Việc hợp tác với bên thứ ba, chẳng hạn như những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, để quảng cáo các dịch vụ tiền điện tử cũng không được khuyến nghị. Tuy nhiên, các công ty DPT vẫn có thể thực hiện các hoạt động tiếp thị và quảng cáo trên trang web, ứng dụng di động và tài khoản mạng xã hội của chính mình.

Trước bối cảnh thay đổi nhanh chóng của ngành, MAS cũng bổ sung thêm sẽ tiếp tục xem xét việc cung cấp dịch vụ DPT cho công chúng của các nhà cung cấp và sẽ cập nhật các hướng dẫn này khi cần thiết.

Nam diễn viên Matt Damon xuất hiện trong quảng cáo của Crypto.com. Ảnh: Crypto.com

Nam diễn viên Matt Damon xuất hiện trong quảng cáo của Crypto.com. Ảnh: Crypto.com

Bà Loo Siew Yee, Trợ lý Giám đốc điều hành về Chính sách, Thanh toán và Tội phạm Tài chính tại MAS giải thích nguyên do cho sổ tay hướng dẫn này là vì việc giao dịch tiền điện tử có rủi ro cao và không phù hợp với công chúng. Các nhà cung cấp dịch vụ tiền điện tử do đó không nên miêu tả việc giao dịch DPT theo cách làm nhẹ đi tính rủi ro cao của nó.

Một ví dụ cho doanh nghiệp DPT phải chịu ảnh hưởng từ các quy định mới này là Foris DAX Asia có trụ sở tại Singapore – công ty điều hành nền tảng giao dịch Crypto.com. Để quảng cáo cho dịch vụ của mình, công ty này thậm chí đã bỏ một số tiền lớn ra thuê nam diễn viên Matt Damon và cho chiếu quảng cáo tại các rạp chiếu phim khắp Singapore.

Xuất hiện trước khi phim được chiếu, Matt Damon sử dụng khẩu hiệu của nền tảng này chính là “vận may ủng hộ những người dũng cảm”. Tuy nhiên theo các quy định mới của MAS, các loại quảng cáo như thế này sẽ không được phép hiện hữu ở các địa điểm công cộng nữa.

Các hướng dẫn trên tuy không có ràng buộc về mặt pháp lý nhưng chúng xảy ra trong bối cảnh chính phủ Singapore đang khiến nhiều công ty đang tìm cách thiết lập việc kinh doanh của mình tại quốc gia này thất vọng với tốc độ phê duyệt chậm chạp.

Không có hình phạt cụ thể nào được đưa ra nếu các nhà cung cấp dịch vụ vi phạm các hướng dẫn. Tuy nhiên, việc vi phạm có thể sẽ khiến MAS lưu ý và ảnh hưởng lớn đến việc liệu các công ty này còn có thể hoạt động hợp pháp ở Singapore hay không.

Hiệp hội Fintech Singapore (SFA) nhận định khung quy định mới này của Singapore thể hiện rằng nước này vẫn đang coi blockchain và tiền điện tử là những sự đổi mới có tiềm năng được áp dụng rộng rãi trong cộng đồng. Tuy nhiên, việc áp dụng cần phải được thực hiện một cách “cân bằng với các rào cản thực tế”.

Shadab Taiyabi, chủ tịch của SFA cho biết: “Công nghệ phía sau blockchain có tiềm năng mở ra nhiều cơ hội thú vị cho ngành và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng”. Tuy nhiên, sự đổi mới cũng phải đi kèm với một hệ thống kiểm tra và cân bằng trước khi người tiêu dùng có được nhận thức và hiểu biết đầy đủ về các công cụ mới này.

Các quyết định này từ phía Singapore xảy ra trong bối cảnh các nước khác trên thế giới như Anh cũng đang thực hiện các biện pháp thắt chặt chính sách tương tự trong lĩnh vực tiền điện tử còn non trẻ. Tuy nhiên đối với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, các động thái từ MAS đang gây ra thêm nhiều những khó khăn mới ngoài những trở ngại trong việc định hướng dịch vụ tới nhiều khách hàng tại Singapore hơn.

Trong vòng vài năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã đua nhau tới Singapore do vị thế là một trung tâm công nghệ tài chính nổi bật của quốc gia này. Kể từ khi Đạo luật Dịch vụ Thanh toán của Singapore có hiệu lực vào tháng 1/2020, đã có khoảng 180 đơn xin cấp phép cho các dịch vụ như vậy.

Tuy nhiên, các tiêu chuẩn để nhận được giấy phép kinh doanh rất gắt gao và cho đến hiện tại, mới chỉ có một số ít được cấp giấy phép hoạt động do các nhà chức trách lo ngại về các rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố cũng như các rủi ro công nghệ đi kèm với nó. Theo xác nhận của MAS vào 17/1, chỉ có 5 giấy phép trong số đó được phê duyệt. 60 đơn đăng ký khác đã bị rút lại và 3 đơn bị từ chối.

Tỷ lệ thất bại này hoàn toàn trái ngược với hình ảnh về Singapore là một địa điểm thân thiện với tiền điện tử so với các khu vực pháp lý khác như Trung Quốc, nơi đã hoàn toàn cấm tài sản kỹ thuật số.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.