Số người chết do núi lửa Merapi phun trào tăng lên 22

Núi lửa Indonesia
09:05 - 06/12/2023
Núi lửa Merapi, Tây Sumatra, Indonesia phun trào ngày 3/12. Ảnh: Reuters
Núi lửa Merapi, Tây Sumatra, Indonesia phun trào ngày 3/12. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Theo người đứng đầu cơ quan cứu hộ Tây Sumatra Abdul Malik ngày 5/12, số người thiệt mạng trong vụ phun trào núi lửa Merapi tại Indonesia tăng lên 22 người khi lực lượng cứu hộ tìm thấy thêm thi thể của một số nạn nhân khác.

Ngày 3/12, núi lửa Merapi cao 2.891m ở Tây Sumatra, Indonesia phun trào lúc 2h54 chiều theo giờ địa phương kèm theo các cột tro bụi cao tới 3km. Tro núi lửa được phát tán với cường độ cao tới các địa phương lân cận cách ngọn núi lửa 3km, bao phủ nhiều đường sá, xe cộ và nhà cửa.

Vào thời điểm xảy ra vụ phun trào núi lửa, có tổng cộng 75 người có mặt tại khu vực bị ảnh hưởng, với 49 người đã được sơ tán tới nơi an toàn và phải điều trị các vết bỏng. Các nhân viên cứu hộ tìm kiếm được 3 người sống sót và 11 thi thể của các nhà leo núi ở gần miệng núi lửa Merapi ngày 4/12. Tới 5/12, Reuters cho biết có thêm nhiều thi thể nữa được tìm thấy, nâng tổng số người thiệt mạng lên con số 22 người và 1 người mất tích.

Trước mắt, khoảng 200 nhân viên cứu hộ sẽ tiếp tục các hoạt động tìm kiếm cho tới khi xác định được một người leo núi vẫn còn đang mất tích. Ngoài ra, ông Abdul Malik cũng cho biết các đội tìm kiếm cứu hộ sẽ đồng thời tiến hành sơ tán thi thể các nạn nhân ra khỏi đỉnh núi lửa.

Marapi là một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất trên đảo Sumatra và phun trào lần cuối vào tháng 1 và tháng 2 năm nay. Kể từ năm 2011, Reuters dẫn lời người đứng đầu cơ quan núi lửa Indonesia, ông Hendra Gunawan, cho biết Merapi vẫn luôn được duy trì cảnh báo ở cấp độ thứ 2 trong hệ thống cảnh báo 4 cấp.

Ngoài ra, cơ quan này vẫn luôn gửi thư kêu gọi cơ quan bảo tồn địa phương và Bộ Môi trường đóng cửa khu vực trong bán kính 3km quanh đỉnh núi đối với những người leo núi. Tuy nhiên, lực lượng cứu hộ cho biết vẫn có 75 người leo núi trên núi lửa khi nó phun trào. Theo các nhà chức trách, một số người leo núi có khả năng đã đặt lịch cho chuyến đi của mình thông qua hệ thống đặt chỗ trực tuyến, nhưng những người khác có khả năng đã đi trên các tuyến đường leo núi bất hợp pháp.

Vụ phun trào núi lửa Merapi hôm 3/12 là vụ phun trào nguy hiểm nhất kể từ năm 1979, khi một sự kiện tương tự khiến 60 người thiệt mạng. Ông Ahmad Basuki, một quan chức khác của cơ quan núi lửa Indonesia, giải thích các vụ phun trào của núi lửa Merapi trong thập kỷ qua diễn ra với chu kỳ không đồng đều, khiến việc phân tích trở nên khó khăn.

Ông cho biết: “Chúng tôi không thể ghi lại bất kỳ hoạt động địa chấn nào trong khi núi lửa không thể hiện dấu hiệu rõ ràng liệu nó có sắp phun trào hay không. Tính chất của ngọn núi lửa này rất nguy hiểm”.

Núi lửa phun trào tại Indonesia không phải là một sự kiện hiếm gặp do nước này nằm trên “vành đai lửa” Thái Bình Dương với tổng cộng 127 ngọn núi lửa đang hoạt động.

Vành đai lửa là một chuỗi các núi lửa và các địa điểm xảy ra hoạt động địa chấn hoặc động đất xung quanh rìa Thái Bình Dương. Khoảng 90% các trận động đất trên thế giới xảy ra dọc theo khu vực này. Ngoài ra, vành đai này cũng sở hữu 75% tổng số núi lửa đang hoạt động trên Trái Đất.

Với chiều dài khoảng 40.000km, vành đai lửa Thái Bình Dương là nơi giáp ranh của một số mảng kiến tạo bao gồm các mảng Thái Bình Dương, Juan de Fuca, Cocos, mảng Indian - Australian, Nazca, Bắc Mỹ và Philippines.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.