SSI: Hệ số NIM tại BIDV cải thiện vào cuối năm do tăng cường cho vay bán lẻ

NGÂN HÀNG Việt nAM
14:52 - 15/08/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo SSI Research, bằng việc tiếp tục tăng cường cho vay bán lẻ và khả năng hoàn nhập các khoản lãi dự thu theo dõi ngoại bảng liên quan đến các khoản vay tái cơ cấu, hệ số NIM của BIDV sẽ tiếp tục được cải thiện trong năm nay.

Cập nhật liên quan đến Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển BIDV (HoSE: BID), SSI Research cho rằng, việc hy sinh thu nhập từ hoạt động dịch vụ để đạt được chi phí huy động vốn tốt hơn của BIDV cần có thời gian để cho thấy thành quả.

Từ đầu năm nay, 3 ngân hàng thương mại Nhà nước tại Việt Nam bao gồm BIDV, Vietcombank và Vietinbank đã bắt đầu triển khai chương trình miễn phí chuyển khoản, ngay lập tức doanh thu từ hoạt động dịch vụ tại các nhà băng này cũng bị tác động.

Tại BIDV, trong 6 tháng đầu năm, thu nhập phí thuần của ngân hàng đã giảm 13% so với cùng kỳ do không có thu nhập từ phí chuyển tiền - tương tự như xu hướng được quan sát thấy tại Vietcombank (VCB) và Vietinbank (CTG).

Tuy nhiên, do VCB và CTG bắt đầu ghi nhận sự tăng trưởng nhanh chóng trong hoạt động bảo hiểm nhân thọ từ các hợp đồng với FWD và Manulife vậy nên SSI cho rằng tăng trưởng thu nhập từ hoạt động dịch vụ của BID có thể chịu nhiều ảnh hưởng hơn.

Trong khi đó, dự báo trước đó của SSI cho rằng, mặc dù BIDV đang xem xét về cấu trúc sở hữu liên quan đến mảng bảo hiểm nhân thọ (BIDV MetLife), nhóm phân tích nhận định việc này có thể chưa sớm hoàn thành (ít nhất trong năm 2022).

Ngoài ra, ngân hàng cũng chưa cho thấy sự cải thiện về CASA khi hiện tại CASA tại BIDV đang dao động quanh mức 19%. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo BIDV đã lưu ý rằng tỷ lệ CASA bán lẻ đã tăng 1% so với cùng kỳ và ngân hàng vẫn đang trên đà đạt được tỷ lệ CASA mục tiêu là 22% -25% trong trung hạn.

NIM tiếp đà phục hồi

Kết quả kinh doanh quý II tại BIDV cho thấy những triển vọng tích cực với lợi nhuận trước thuế vượt kỳ vọng trước đó của SSI, đạt 6.600 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ. Trong đó dư nợ tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ và NIM phục hồi cùng với trích lập dự phòng thấp hơn đã bù đắp cho sự sụt giảm của thu nhập hoạt động dịch vụ và thu từ nợ đã xử lý, giúp BIDV có được mức tăng trưởng cao trong giai đoạn này.

Trong quý II, NIM của BIDV đạt 3,08%, cải thiện 21 điểm cơ bản so với quý trước và 53 điểm cơ bản so với cùng kỳ, nhờ vào các yếu tố:

Nguồn tiền gửi dồi dào từ Kho bạc Nhà nước Việt Nam (STV) đã giúp giảm bớt áp lực huy động vốn từ khách hàng. Tiền gửi có kỳ hạn tại Kho bạc Nhà nước tăng 33.000 tỷ đồng (tăng 90% so với quý trước) trong quý II/2022, trong khi đó tiền gửi của khách hàng chỉ tăng 10.000 tỷ đồng (tăng 0,7% so với quý trước).

Sự thay đổi tạm thời trong cơ cấu nguồn vốn đã giúp chi phí huy động vốn bình quân của BID giảm 0,04% so với quý trước (và giảm 0,15% so với quý IV/2021) xuống còn 3,32%.

Tiếp tục đẩy mạnh cho vay bán lẻ, tài sản được cấu trúc theo hướng ưu tiên cho vay bán lẻ với mức lợi suất cao hơn. Tại thời điểm tháng 6/2022, tổng dư nợ đã tăng 9,4% so với đầu năm (tăng 4,5% so với quý trước), trong đó cho vay khách hàng cá nhân tăng 16% so với đầu năm (tăng 6,9% so với quý trước).

Tỷ trọng dư nợ cho vay bán lẻ trên tổng dư nợ tiếp tục tăng lên 42% (so với 39,8% vào cuối năm 2021). Trong 40.000 tỷ đồng dư nợ cho vay tăng lên so với quý trước, 21.700 tỷ đồng là đến từ cho vay mua nhà, và 11.600 tỷ đồng là từ cho vay các hộ kinh doanh.

Các gói cho vay ưu đãi lãi suất đối với khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid đã hết hạn. Trong năm 2021, BIDV đã cung cấp các khoản vay ưu đãi lãi suất cho các khách hàng phải chịu tác động của Covid, điều này làm giảm thu nhập lãi thuần của ngân hàng khoảng 7.00 tỷ đồng (NIM giảm 0,5%). Các gói cho vay ưu đãi lãi suất này đã dần kết thúc trong 6 tháng đầu năm 2022.

Trong nửa cuối năm 2022 và năm 2023, SSI cho rằng NIM của BIDV vẫn còn dư địa cải thiện, nhờ vào việc ngân hàng tiếp tục tăng cường cho vay bán lẻ và khả năng hoàn nhập các khoản lãi dự thu theo dõi ngoại bảng liên quan đến các khoản vay tái cơ cấu. Việc hoàn nhập các khoản dự thu ngoại bảng sẽ được phản ánh dần trong báo cáo kết quả kinh doanh theo thời gian.

Không chỉ riêng SSI, trong báo cáo gần đây của Chứng khoán KBS (KBSV), các chuyên gia cũng kiến NIM tại BIDV sẽ được duy trì tương tự như trong 6 tháng đầu năm và phấn đấu cải thiện từ 0,1-0,2% trong các năm tới. Ước tính NIM 2022 giảm 0,02% so với cùng kỳ, đạt 2,88%, phản ánh quan điểm tích cực hơn về việc kiểm soát chi phí đầu vào của ngân hàng.

Trước đó, tại báo cáo cập nhật về BIDV ngày 23/5, KBSV ước tính NIM 2022 giảm 0,17% so với cùng kỳ, đạt 2,73%. Như vậy, tại dự báo lần này, các chuyên gia đã điều chỉnh 0,15% ước tính về NIM tại BIDV trong năm nay.

Về triển vọng kinh doanh, các chuyên gia SSI có lạc quan về triển vọng ngắn hạn và trung hạn của BIDV, do kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng sẽ tăng trưởng hơn 80% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2022 và 24% so với cùng kỳ trong năm 2023. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi lo ngại về tăng trưởng dài hạn có thể bị hạn chế do các chỉ tiêu vốn của BIDV còn cần cải thiện.

SSI cũng điều chỉnh tăng 2.8% ước tính lợi nhuận cho năm 2022, lên mức 21.200 tỷ đồng, với việc điều chỉnh tăng giả định NIM (đi ngang so với cùng kỳ, so với giả định trước đó của SSI là giảm 0,11 so với cùng kỳ), và tăng trưởng thu nhập từ hoạt động dịch vụ thấp hơn (giảm 10% so với cùng kỳ, so với giả định trước đó là tăng 9% so với cùng kỳ).

Đến năm 2023, SSI điều chỉnh tăng 8,5% ước tính lợi nhuận trước thuế của ngân hàng, lên 26.400 tỷ đồng (tăng 24% so với cùng kỳ), trên cơ sở giả định NIM sẽ duy trì ổn định so với năm 2022 (dự báo trước đó của SSI là giảm 0,12% so với cùng kỳ). Trước đó, nhận định về tình hình kinh doanh năm 2023, công ty chứng khoán ước tính BIDV có thể đạt 24.300 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng 18% so với cùng kỳ, như vậy mức dự báo đã tăng hơn 2.100 so với báo cáo trước.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.