Sự bất hợp lý trong chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi

Chăn nuôi Việt nAM
19:49 - 30/10/2021
Người chăn nuôi là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương
Người chăn nuôi là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương
0:00 / 0:00
0:00
Trong chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi hiện nay thì người chăn nuôi là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương nhất, thể hiện một sự phân bổ lợi nhuận "rất bất hợp lý".

Đây là nhận định của GS.TS. Lã Văn Kính, Phó Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi tại Diễn đàn kết nối nông sản trong chăn nuôi do Bộ NN&PTNT và UBND 29 tỉnh, thành phố tổ chức sáng 30/10.

Phó Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi nhận định, có một khoảng cách rất xa giữa giá lợn hơi và giá thịt lợn thành phẩm ngoài thị trường, điều này biểu lộ sự bất hợp lý trong chuỗi sản xuất đòi hỏi các cơ quan nên có những giải pháp phù hợp.

Ông Kính phân tích, "Đầu vào (về nguyên liệu sản xuất - pv) của người chăn nuôi do các công ty quyết định, còn đầu ra lại do người mua quyết định. Cơ quan chức năng cần có những giải pháp cân đối lợi nhuận của từng khâu trong chuỗi sản xuất."

Ảnh tác giả

Việc chúng ta mở cửa quá rộng cho các doanh nghiệp FDI có nên không? Hay thay vào đó chúng ta có thể để dành công ăn việc làm này cho những người nông dân yếu thế. Với khoảng 2 triệu hộ chăn nuôi heo, chúng ta sẽ có khoảng 5 triệu lao động ngành này.

GS.TS. Lã Văn Kính

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, ngành chăn nuôi hiện có 3 đối tượng tham gia chính gồm doanh nghiệp FDI, các trang trại lớn và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Hai nhóm đầu, doanh nghiệp FDI và trang trại lớn, có nhiều lợi thế hơn trong cả sản xuất và tham gia thị trường, như đảm bảo an toàn sinh học, chuỗi liên kết. Tuy nhiên không thể bỏ qua nhóm chăn nuôi nông hộ, bởi đây là phương thức giúp bà con nông dân có thu nhập, tạo công ăn việc làm.

Ủng hộ việc thúc đẩy sản xuất nông hộ, nhưng ông Công tỏ ra lo ngại về trình độ sản xuất của bà con nông dân: “Ngành chăn nuôi cần đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng khoa học kỹ thuật, giúp giảm thiểu chi phí xử lý các vấn đề môi trường”.

Để ổn định thị trường cũng như đảm bảo lợi ích cho người chăn nuôi trong chuỗi sản xuất, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng cho rằng, việc điều hành muốn hiệu quả hơn cần thêm sự vào cuộc của Bộ Công Thương, giúp kích hoạt thêm các kênh phân phối ra thị trường.

Nhìn nhận vai trò của các doanh nghiệp FDI trong chuỗi sản xuất, ông Kính đặt câu hỏi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI có năng suất và kỹ năng quản lý rất tốt nhưng các doanh nghiệp này có thực sự mang công nghệ đột phá đến cho ngành chăn nuôi Việt Nam hay chưa thì cần nghiên cứu thêm.

“Việc chúng ta mở cửa quá rộng cho các doanh nghiệp FDI có nên hay không? Hay thay vào đó chúng ta có thể để dành công ăn việc làm này cho những người nông dân yếu thế. Với khoảng 2 triệu hộ chăn nuôi heo, chúng ta sẽ có khoảng 5 triệu lao động ngành này”, Phó Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Lã Văn Kính bày tỏ quan điểm.

"Có thể nói, người chăn nuôi đang không có quyền gì. Họ chỉ có quyền dọn phân heo, chăm con heo và xử lý ô nhiễm môi trường. Điều họ mong muốn là giá cả đầu ra đủ chi phí cho chi trả đầu vào và đảm bảo tiền trang trải cuộc sống”, ông Kính nói.

Cũng từng đề cập đến vai trò của người nông dân trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp, Bộ trưởng NN&PTNT đưa ra một góc nhìn khác.

Trong một cuộc toạ đàm gần đây về ngành nông nghiệp và vai trò của nông dân trong chuỗi sản xuất, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói, muốn có một nền nông nghiệp chuyên nghiệp, phát triển toàn diện thì yếu tố con người cần phải được chú trọng. Người nông dân tham gia chuỗi sản xuất phải có tinh thần của một doanh nhân, có hiểu biết về thị trường, về khoa học công nghệ, sản xuất cái thị trường cần chứ không phải đơn thuần sản xuất cái mình có.

Bộ trưởng nhận định, chỉ có làm vậy mới thoát được điệp khúc "giải cứu".

"Hợp tác là người sản xuất phải hợp tác với nhau", Bộ trưởng Lê Minh Hoan giải thích: Nếu như vậy sẽ rơi vào cái bẫy gọi là 'giải cứu nông sản'. Khi chúng ta cứ bán cái chúng ta có chứ không phải cái thị trường cần thì vẫn 'sản xuất mù mờ'.

Đề cập đến những giải pháp của ngành nông nghiệp trong 5 năm tới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết vấn đề chính là chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp dựa trên mục tiêu tăng sản lượng sang tư duy kinh tế với mục tiêu là tăng giá trị.

Thứ trưởng Bộ NN PT&NT Phùng Đức Tiến phát biểu tại diễn đàn
Thứ trưởng Bộ NN PT&NT Phùng Đức Tiến phát biểu tại diễn đàn

Trong tháng này sẽ trình Chính phủ 5 dự án lớn cho ngành chăn nuôi

Để đảm bảo hài hòa quyền lợi các khâu trong chuỗi cung ứng, tăng giá trị sản phẩm, giúp cho ngành chăn nuôi phát triển cân bằng tiến tới đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045, Bộ đã trình Chính phủ phê duyệt triển khai 5 dự án lớn.

5 dự án đó tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu của ngành chăn nuôi, bao gồm: Giống, chi phí thức ăn chăn nuôi, chế biến, giải quyết vấn đề môi trường và áp dụng khoa học công nghệ.

Trong đó, giống là yếu tố quan trọng vì quyết định năng suất, chất lượng. Do đó phải vừa nâng cao năng suất giống, vừa phát triển những dòng đặc hữu, vừa cập nhật các dòng cao sản để đa dạng hoá sản phẩm.

Hiện chi phí thức ăn chăn nuôi chi phối khoảng 65 – 70% giá thành sản xuất, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, không giải quyết được vấn đề này thì rất khó giảm giá thành và nâng cao sức cạnh tranh.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đặt mục tiêu tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi qua chế biến khoảng 60%. Hiện nay, tỷ lệ thịt, trứng, sữa chế biến còn rất thấp, chưa có nhiều chủng loại sản phẩm phù hợp với từng thị trường, vùng miền; công nghệ chế biến còn hạn chế.

Ảnh tác giả

Hiện chi phí thức ăn chăn nuôi chi phối khoảng 65 – 70% giá thành sản xuất, không giải quyết được vấn đề này thì rất khó giảm giá thành và nâng cao sức cạnh tranh.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, muốn phát triển quy mô chăn nuôi bền vững, cần phải giải quyết bài toán môi trường. Cần chú trọng xu thế xây dựng chuỗi khép kín vừa theo chiều dọc và vừa theo chiều ngang, trong đó hợp tác xã và doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng.

“5 dự án này sẽ được trình trong tháng 11 sẽ tạo ra động lực lớn cho ngành chăn nuôi phát triển”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến bày tỏ sự kỳ vọng.

Kết luận Diễn đàn, Thứ trưởng khẳng định, “nguyên nhân căn bản ùn ứ nông sản thời gian qua là do COVID-19, không chỉ chăn nuôi mà toàn nền kinh tế ảnh hưởng. Hiện nay, COVID-19 đã được khống chế từng bước và tôi chắc chắn rằng trong thời gian tới với lượng vaccine hiện có, tiêu thụ ngành chăn nuôi sẽ sớm phục hồi”.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.