Sửa Luật Đất đai: Trình Quốc hội thông qua khi đảm bảo chất lượng

Đất Đai QUỐC HỘI
21:31 - 03/11/2023
Phó Trưởng ban Dân nguyện Hoàng Anh Công trao đổi với PV.
Phó Trưởng ban Dân nguyện Hoàng Anh Công trao đổi với PV.
0:00 / 0:00
0:00
Luật Đất đai rất quan trọng, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau, đề xuất nhiều phương án. Các đại biểu đề nghị cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trước khi trình Quốc hội bấm nút thông qua.

Trong phiên thảo luận về Dự án Luật Đất đai sửa đổi hôm nay (3/11), có 49 đại biểu phát biểu, 16 đại biểu tranh luận, 72 đại biểu đã đăng ký nhưng chưa phát biểu do hết thời gian. Trong đó, rất nhiều ý kiến đề nghị cần xem xét kỹ lưỡng, thận trọng, đảm bảo chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, so với Kỳ họp thứ 5, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này đã hoàn thiện, bổ sung nhiều nội dung, vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, dự thảo vẫn còn nhiều chính sách chưa thể thiết kế phương án tối ưu, nhiều nội dung còn có ý kiến khác nhau.

Đối với các vấn đề được trình Quốc hội 2 phương án, nhiều đại biểu đã tập trung thảo luận, thể hiện chính kiến, đề xuất phương án hợp lý hơn. Đây là cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét phương án khả thi nhất.

Các đại biểu Quốc hội cũng đã cho ý kiến về các nội dung như phạm vi điều chỉnh, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật cùng nhiều vấn đề trọng tâm trong dự án luật. Tuy nhiên, dự án luật còn nhiều vấn đề phức tạp, tác động, ảnh hưởng lớn, liên quan đến nội dung một số dự án luật khác cũng đang được Quốc hội trình trong Kỳ họp này. Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục tham gia góp ý bằng văn bản để cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, hoàn chỉnh một cách thận trọng, kỹ lưỡng và toàn diện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, qua thảo luận, một số ý kiến đại biểu cho rằng Dự thảo còn chưa đảm bảo chất lượng để thông qua tại kỳ họp này và đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng, thận trọng. Một số đại biểu đề nghị tập trung hơn nữa để thông qua luật tại kỳ họp này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho hay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan liên quan tiếp thu để chỉnh lý, báo cáo giải trình. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp giữa hai đợt họp để cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá nhiều mặt, chỉ trình Quốc hội thông qua khi đảm bảo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và khả thi.

LÀM SAO ĐỂ CÓ PHƯƠNG ÁN TỐT NHẤT

Trao đổi với phóng viên bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Dương Khắc Mai - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, Báo cáo giám sát Quốc hội trình tại Kỳ họp thứ 5 cho thấy, có hơn 70% khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến đất đai; nhiều vụ án, vụ việc, hàng loạt cán bộ sai phạm thời gian qua cũng liên quan đến đất đai. “Vì vậy mong muốn của tôi là các đại biểu, cơ quan Quốc hội thảo luận thật kỹ lưỡng trước khi bấm nút thông qua”, ông Mai nói.

Theo đại biểu, những quy định mới phải tháo gỡ được các nút thắt bấy lâu. “Qua 3 kỳ họp, với 12 triệu lượt ý kiến cử tri, chuyên gia, nhà khoa học, tôi cho rằng cơ quan soạn thảo cần tiếp thu hơn nữa, và phải có thời gian thoả đáng để các đại biểu Quốc hội tham gia đóng góp. Tôi kỳ vọng với trí tuệ của 500 đại biểu và các cơ quan, khi Luật Đất đai được thông qua sẽ cơ bản giải quyết được các vấn đề”, đại biểu Dương Khắc Mai nêu ý kiến.

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn Đắk Nông.

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn Đắk Nông.

Theo đại biểu Hoàng Anh Công – Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mục tiêu quan trọng nhất của sửa Luật đất đai lần này là phát huy nguồn lực đất đai, để đất đai đúng nghĩa thuộc sở hữu toàn dân. Vì vậy, Luật phải tháo gỡ được các vướng mắc nổi cộm thời gian qua.

Theo vị đại biểu, vấn đề nổi cộm nhất về đất đai thời gian qua, gây ra nhiều khiếu kiện, khiếu nại chính là thu hồi đất, đền bù tái định cư, xác định giá đất.

“Đất thu hồi được tính theo giá do UBND tỉnh quy định, nhưng sau đó đất ở khu vực thu hồi tăng lên hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Chênh lệch địa tô quá lớn dẫn đến việc số tiền đền bù không mua đủ để người dân mua nổi một ít đất dự án dù đất bị thu hồi tới 1.000m. Rõ ràng đây là sự bất hợp lý”, đại biểu nêu thực tế.

Với những bất cập đó, đại biểu Hoàng Anh Công cho rằng Luật Đất đai sửa đổi đã đưa ra những phương án, nhưng để có phương án tốt nhất thì phải có sự trao đổi, thảo luận rất kỹ từ các vị đại biểu Quốc hội, cơ quan thẩm tra cũng như cơ quan soạn thảo.

“Theo tôi không cần phải chạy theo tiến độ mà phải đảm bảo chất lượng, phù hợp với giai đoạn phát triển đất nước hiện nay. Thời gian thông qua có thể kéo dài, có thể vào kỳ họp bất thường hoặc Kỳ họp thứ 7”, Phó Trưởng ban Dân nguyện nêu quan điểm.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.