Tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu nhờ tín chỉ carbon

NĂNG LƯỢNG Carbon
14:08 - 30/08/2023
Intech Energy đã tổ chức hội thảo "Doanh nghiệp Xanh: đồng hành và phát triển bền vững" nhằm trao đổi, thảo luận về giải pháp chuyển dịch xanh cho doanh nghiệp. Ảnh: Anh Thư
Intech Energy đã tổ chức hội thảo "Doanh nghiệp Xanh: đồng hành và phát triển bền vững" nhằm trao đổi, thảo luận về giải pháp chuyển dịch xanh cho doanh nghiệp. Ảnh: Anh Thư
0:00 / 0:00
0:00
Theo ông Lê Mạnh Linh, Giám đốc Công ty LYTH, việc sử dụng năng lượng tái tạo giúp doanh nghiệp đạt được tín chỉ carbon cho phát triển xanh, qua đó tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa khi xuất khẩu sang các thị trường châu Mỹ, châu Âu.

Hiện có khoảng 140 quốc gia, tương đương gần 90% tổng lượng phát thải trên toàn cầu, gồm các nước phát thải lớn như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đã cam kết hoặc hướng tới mục tiêu Net Zero - phát thải ròng khí nhà kính bằng 0. Mỗi quốc gia tự đặt ra mốc thời gian để đạt mục tiêu này, phần lớn vào năm 2050, một số ít ngoại lệ vào năm 2035 và muộn nhất vào năm 2070.

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp xanh không chỉ là xu hướng mà đã trở thành cam kết của nhiều nền kinh tế và các doanh nghiệp. Tại Hội thảo "Doanh nghiệp Xanh: đồng hành và phát triển bền vững" do Intech Energy phối hợp với các đối tác tổ chức ngày 29/8, các doanh nghiệp, nhà quản lý đã trao đổi, thảo luận giải pháp chuyển dịch xanh cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh đối với nền kinh tế.

Theo ông Lê Mạnh Linh, Giám đốc Công ty LYTH - đơn vị chuyên tư vấn chiến lược giảm phát thải và cung cấp các tiến trình năng lượng tái tạo - hiện nhu cầu sử dụng các giải pháp giảm phát thải và thân thiện với môi trường ngày một tăng cao. Các quốc gia đều hướng tới việc thực hiện cam kết về giảm phát thải và bắt đầu có các chính sách, yêu cầu cao hơn về tín chỉ carbon đối với doanh nghiệp và sản phẩm nhập khẩu.

Các tập đoàn đa quốc gia như Apple, Coca-Cola, Samsung, Unilever… cũng cam kết giảm phát thải, trong đó có cam kết 100% sử dụng năng lượng tái tạo. Điều này ảnh hưởng tới cả những doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn kể trên.

Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải tính đến loạt giải pháp chuyển đổi xanh để dần đáp ứng yêu cầu của quốc gia, doanh nghiệp đối tác trong quá trình hội nhập quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu.

Ông Lê Mạnh Linh, Giám đốc Công ty LYTH. Ảnh: Anh Thư

Ông Lê Mạnh Linh, Giám đốc Công ty LYTH. Ảnh: Anh Thư

Theo ông Linh, việc sử dụng năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, thủy điện sẽ giúp doanh nghiệp trước tiên là giảm phát thải, bảo vệ môi trường, đồng thời đạt được tín chỉ carbon cho phát triển xanh. Điều này giúp hàng hóa tăng khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu sang các thị trường châu Mỹ, châu Âu - nơi chuẩn bị áp dụng yêu cầu tín chỉ carbon đối với hàng hóa nhập khẩu.

Ông Trần Văn Nhơn, Tổng giám đốc Intech Energy - doanh nghiệp chuyên cung cấp các giải pháp điện mặt trời áp mái - cho biết, đối với năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời áp mái, lợi ích trước mắt của việc sử dụng nguồn điện này là có thể tiết kiệm tới 10% - 30% chi phí so với việc mua điện từ lưới điện quốc gia, do khí hậu của Việt Nam tương đối phù hợp để phát triển điện mặt trời.

Ông Nhơn cũng chia sẻ, công ty đang hướng đến đối tượng là các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước sản xuất sản phẩm xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, hay những ngành tiêu thụ điện năng cao như sản xuất sắt, thép, xi măng, hóa chất và một số ngành công nghiệp khác.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc Intech Energy cũng nhìn nhận, hiện nay, việc đầu tư sử dụng điện mặt trời áp mái vẫn còn một số khó khăn. Trong đó có thể kể đến việc phải thay đổi khung giờ làm việc vì buổi trưa là thời điểm điện mặt trời có thể sản sinh ra nhiều năng lượng nhất. Một số doanh nghiệp đã lựa chọn việc thay đổi lịch làm việc của mình để công nhân làm việc thông trưa và có giờ nghỉ sau đó.

Đồng thời, nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ lo ngại về việc xử lý rác thải pin mặt trời sau khoảng 20 - 25 năm sử dụng. Theo đại diện của Intech Energy, hiện các công ty cung cấp giải pháp đã chú ý đến vấn đề này và bắt đầu nghiên cứu xây dựng trung tâm tái chế tấm pin mặt trời, bởi tới 95% nguyên liệu sử dụng cho tấm pin mặt trời là có thể tái chế.

Ông Trần Văn Nhơn, Tổng giám đốc Intech Energy cho biết chi phí đầu tư ban đầu cao và chưa có cơ chế rõ ràng là khó khăn lớn nhất khi doanh nghiệp sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái. Ảnh: Anh Thư

Ông Trần Văn Nhơn, Tổng giám đốc Intech Energy cho biết chi phí đầu tư ban đầu cao và chưa có cơ chế rõ ràng là khó khăn lớn nhất khi doanh nghiệp sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái. Ảnh: Anh Thư

Ngoài ra, chi phí đầu tư ban đầu cho hệ thống điện mặt trời áp mái và hệ thống trữ điện cao hơn nhiều so với việc mua điện thông thường từ EVN. Cùng với đó, hiện chưa có cơ chế rõ ràng cho doanh nghiệp để đầu tư sử dụng điện mặt trời áp mái. Đây là hai khó khăn lớn nhất mà nhiều doanh nghiệp gặp phải.

Đối với vấn đề này, ông Nhơn mong Nhà nước có cơ chế, chính sách rõ ràng, được phân tích và xem xét kỹ lưỡng. Đặc biệt là cần cơ chế dài hơi vì mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo, phát triển xanh. Bởi đây sẽ là một hành trình dài, hướng tới phát triển nền kinh tế bền vững. Trong đó, cần lưu tâm hơn đến chính sách , ưu đãi đặc biệt về thuế, về nhập khẩu cho các đơn vị trong ngành điện mặt trời nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung.

Tin liên quan

Đọc tiếp