Trà Vinh tiếp tục dẫn đầu chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm 2023

Trà Vinh Công nghiệp
16:18 - 29/08/2023
Các trụ gió của nhà máy điện gió Đông Hải 1 tại tỉnh Trà Vinh. Ảnh: VGP
Các trụ gió của nhà máy điện gió Đông Hải 1 tại tỉnh Trà Vinh. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Nhờ mức tăng cao của chỉ số ngành sản xuất và phân phối điện, Trà Vinh ghi nhận tháng thứ 2 trong năm dẫn đầu mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tại các địa phương, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2023 tiếp tục xu hướng tích cực hơn tháng trước đó với ước tính tăng 2,9% và tăng 2,6% so với cùng kỳ 2022.

Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 3,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,8%; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2%.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp trong nước. Tính chung 8 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, cách xa so với mức tăng 9,2% của cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 0,6%, trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 10,1%, làm giảm 0,3 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,7%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,8%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 2,5%, làm giảm 0,4 điểm phần trăm.

Chỉ số sản xuất 8 tháng năm 2023 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tăng cao nhất là ngành sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế (tăng 9,9%). Kế đến là các ngành sản xuất sản phẩm thuốc lá (tăng 8,6%) và sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (tăng 8,4%).

Ngành có mức giảm lớn nhất là sản xuất xe có động cơ (giảm 6,5%) và ngành sản xuất phương tiện vận tải khác (giảm 6%). Do tình hình xuất khẩu hàng dệt may còn nhiều khó khăn trong những tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành sản xuất trang phục cũng ghi nhận mức giảm 5,1%.

Nếu xét tại các địa phương, chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương. Dẫn đầu mức tăng tại các địa phương là Trà Vinh (tăng 25,5%), tăng gần gấp đôi so với địa phương đứng thứ hai là Bắc Giang (tăng 15,5%). Mức tăng của Trà Vinh chủ yếu đến từ mức tăng cao của chỉ số ngành sản xuất và phân phối điện (tăng 34,7%).

Đây là lần thứ hai trong năm nay Trà Vinh ghi nhận mức tăng dẫn đầu các tỉnh thành trên cả nước, trong khi vào cuối năm ngoái và đầu năm nay, Trà Vinh thường xuyên nằm trong nhóm tỉnh thành có mức giảm chỉ số IIP lớn nhất.

Chỉ số công nghiệp của Trà Vinh bắt đầu tăng từ khoảng tháng 3 năm nay, khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao, đồng thời tỉnh cũng đã có hàng loạt công trình điện gió được hòa lưới điện quốc gia, giúp chỉ số ngành sản xuất và phân phối điện tăng mạnh.

Trà Vinh đang phát triển mạnh về điện tái tạo với tổng cộng 9 dự án điện gió được chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó có 5 công trình điện gió đã vận hành hòa vào lưới điện quốc gia, với tổng vốn đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng, tổng công suất 320 MW.

Ngược lại với Trà Vinh tăng trưởng chỉ số IIP nhờ phát triển nhờ điện gió, Lai Châu lại dẫn đầu mức giảm chỉ số IIP trong số các tỉnh thành trong 8 tháng năm 2023. Là địa phương “giàu“ công trình thủy điện, Lai Châu có gần 100 dự án thủy điện được cấp chủ trương đầu tư. Tới nay tỉnh đã hoàn thành 21 dự án và phát điện kinh doanh với tổng công suất lắp máy đạt 2.272 MW, điện lượng trung bình 9 tỷ kWh mỗi năm, là một trong những địa phương cung cấp điện chính cho miền Bắc.

Những tháng đầu năm nay, do hiện tượng thời tiết cực đoan kéo dài, các hồ thủy điện đều cạn nước dẫn đến công suất phát điện thấp, làm giảm chỉ số sản xuất và phân phối điện của tỉnh, gây ảnh hưởng tới chỉ số IIP của Lai Châu trong 8 tháng đầu năm.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 8 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, trong đó, mức tăng lớn nhất là của sản phẩm đường kính, tăng 34,9%. Đây là lần thứ 4 sản phẩm này dẫn đầu mức tăng trưởng IIP trong năm 2023 và là tháng thứ 3 liên tiếp dẫn đầu.

Ngược lại, ô tô tiếp tục là sản phẩm ghi nhận mức giảm mạnh (20,4%) do tình hình tiêu thụ khó khăn khi người dân thắt chặt chi tiêu.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/8/2023 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 2,9% so với cùng thời điểm năm trước.

Tin liên quan

Đọc tiếp