Tăng trưởng kinh tế đạt 10,05%, Hưng Yên đứng thứ 7 cả nước

KT-XH Hưng Yên
06:23 - 02/01/2024
Tăng trưởng kinh tế đạt 10,05%, Hưng Yên đứng thứ 7 cả nước
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hưng Yên ước đạt 10,05% vượt kế hoạch đề ra, đưa Hưng Yên vươn lên mức tăng trưởng đứng thứ 7 cả nước.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) ước tính, năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hưng Yên đạt 10,05% vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 9%), đưa tỉnh vươn lên mức tăng trưởng đứng thứ 4/11 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng; xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Về cơ cấu kinh tế, công nghiệp, xây dựng chiếm 61,7%; thương mại, dịch vụ chiếm 31,3%; nông nghiệp, thủy sản chiếm 7%. GRDP bình quân đầu người 112 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội vượt kế hoạch đề ra, đạt 68.793 tỷ đồng (kế hoạch 63.500 tỷ đồng) tăng 24,71% so năm 2022. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 0,9% (kế hoạch là 1,6%)…

Số vốn thu hút đầu tư mới và điều chỉnh tăng thêm năm 2023 của Hưng Yên đạt 18.387 tỷ đồng và 776,27 triệu USD (tổng số tương đương khoảng 1,5 tỷ USD). Trong đó, thu hút được 87 dự án đầu tư mới, bao gồm 41 dự án trong nước và 46 dự án nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 14.527 tỷ đồng và 556,97 triệu USD. Tính chung, trong năm qua Hưng Yên thu hút được 1,05 tỷ USD vốn FDI và khoảng 20.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước.

Năm 2023, tăng trưởng kinh tế của Hưng Yên đứng thứ 7 cả nước.

Năm 2023, tăng trưởng kinh tế của Hưng Yên đứng thứ 7 cả nước.

Tổng thu ngân sách ước đạt 33.100 tỷ đồng

Trong năm 2023, hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có tín hiệu tích cực. Toàn tỉnh có 1.390 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký mới đạt 22.810 tỷ đồng, nâng tổng số hiện có 16.268 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký đạt 198.396 tỷ đồng… Cùng với đó là hàng loạt các dự án về giao thông, khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao đã và đang được triển khai.

Về sản xuất nông nghiệp, phát triển theo hướng an toàn và bền vững, giá trị sản xuất nông nghiệp và thủy sản của Hưng Yên ước tăng 2,45% so với năm 2022 (kế hoạch 2,2%), giá trị thu được trên một ha canh tác đạt 238 triệu đồng.

Công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được quan tâm, đầu tư. Trong năm 2023, toàn tỉnh có 25 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 10 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; nâng tổng số có 113 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 29 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Kết quả xây dựng xã nông thôn mới đã vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (mục tiêu là có 55 - 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 25 - 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu).

Năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp của Hưng Yên ước tăng 6,35%, tăng so với năm trước. Công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp được chú trọng. Toàn tỉnh đã chi trả tiền giải phóng mặt bằng khoảng 439 ha, trong đó đã cho thuê 385 ha. Dự kiến đầu tư xây dựng được 273 ha hạ tầng khu công nghiệp, đạt 210% kế hoạch. Các cụm công nghiệp được đẩy nhanh tiến độ đầu tư, trong 13 cụm công nghiệp đã được chuyển mục đích sử dụng đất có 9 cụm công nghiệp đang thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, 3 cụm công nghiệp đã khởi công đầu tư xây dựng hạ tầng với tổng diện tích 202,34 ha.

Tổng thu ngân sách năm 2023 toàn tỉnh ước đạt 33.100 tỷ đồng, đạt 144% dự toán. Trong đó, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 3.600 tỷ đồng; thu nội địa được 29.500 tỷ đồng, vượt 61,8% dự toán. Kết quả thu ngân sách nhà nước vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (mục tiêu là thu ngân sách đạt 21.500 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 16.500 tỷ đồng). Bên cạnh đó, công tác huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng mạnh; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh ước đạt 68.793 tỷ đồng, tăng 24,7% so năm trước.

Bên cạnh đó, việc quản lý hoạt động xây dựng, quản lý quy hoạch, quản lý nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh được tăng cường. Nhiều dự án lớn, trọng điểm được triển khai xây dựng. Tỉnh cũng đang hoàn chỉnh hồ sơ theo ý kiến của hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2023, toàn tỉnh Hưng Yên thực hiện triển khai đầu tư hơn 432 km đường giao thông ở các cấp đường, tạo thuận lợi giao thương và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Tỉnh cũng đang tích cực triển khai thi công các dự án bảo đảm tiến độ như Dự án đường kết nối ĐT.387 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Km31+100); Dự án Đường trục ngang kết nối QL.39 (Km22+550) với ĐT.376; dự án xây dựng tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư và nhanh chóng khởi công các công trình giao thông trọng điểm như Dự án tuyến đường kết nối di sản văn hóa, du lịch phát triển kinh tế dọc sông Hồng; dự án đường Tân Phúc - Võng Phan...

Về lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh có 397/519 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 76,49%. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm đầu tư, mạng lưới y tế được mở rộng; đạt 31 giường bệnh và 9,3 bác sĩ/1 vạn dân.

Công tác chuyển đổi số được tỉnh đẩy nhanh trên 3 mảng chính gồm chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; đã công bố 1.706 thủ tục hành chính thuộc quyền giải quyết của tỉnh lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; Cổng Dịch vụ công của tỉnh cung cấp 628 dịch vụ công trực tuyến một phần và 1.020 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 141 dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến. Tỉnh hoàn thành kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06; đẩy mạnh triển khai 43 mô hình điểm Đề án 06.

Năm 2024, Hưng Yên phấn đấu có 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Năm 2024, Hưng Yên phấn đấu có 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư công nghiệp công nghệ hiện đại

Năm 2024, Hưng Yên xác định các mục tiêu chính đó là, quyết liệt phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát giá cả, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ hiện đại có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường.

Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thương mại dịch vụ và đô thị, chú trọng hơn ở các khu vực trọng điểm để thúc đẩy lan tỏa phát triển. Bảo đảm các chính sách an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Các chỉ tiêu chủ yếu của Hưng Yên năm 2024 gồm, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo giá so sánh (GRDP) tăng 7,5 - 8%; cơ cấu kinh tế bao gồm công nghiệp, xây dựng 63% - thương mại, dịch vụ 30,5% - nông nghiệp, thủy sản 6,5%. GRDP bình quân đầu người 121 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 70.000 tỷ đồng. Thu ngân sách trên địa bàn 32.823 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa 29.123 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 3.700 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương 30.103 tỷ đồng; trong đó, chi đầu tư phát triển 19.921 tỷ đồng, chi thường xuyên 9.052 tỷ đồng.

Hưng Yên sẽ duy trì tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên dưới 1%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,71% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025); 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 30% số xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa 92,3%; tỷ lệ làng văn hóa, khu phố văn hóa đạt 90,5%; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 121 triệu đồng…

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.