Tên lửa rơi xuống Ba Lan: Các bên họp khẩn, Nga tuyên bố không liên quan

Vụ nổ Ba Lan
12:19 - 16/11/2022
Hiện trường vụ nổ do tên lửa tại làng Przewodow, miền Đông Ba Lan. Ảnh: Reuters
Hiện trường vụ nổ do tên lửa tại làng Przewodow, miền Đông Ba Lan. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Ba Lan ngày 15/11 báo cáo về việc một quả tên lửa rơi xuống làng Przewodow, miền Đông nước này, cách biên giới với Ukraine khoảng 6km khiến 2 người thiệt mạng. Mỹ và NATO sau đó đã triệu tập họp khẩn, trong khi Nga lên tiếng phủ nhận trách nhiệm về vụ nổ.

Theo Reuters, vụ nổ xảy ra tại một kho ngũ cốc Ba Lan gần biên giới với Ukraine, trong bối cảnh Nga đang tăng cường các cuộc tập kích tên lửa nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng tại Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ba Lan cáo buộc “tên lửa do Nga sản xuất” đã rơi xuống nước này. Trong khi đó, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết Warszawa chưa có bằng chứng cụ thể về việc bên nào đã phóng tên lửa. "Rất có thể đó là một tên lửa do Nga sản xuất, nhưng tất cả đang được điều tra", ông nói với phóng viên.

Bộ Ngoại giao Ba Lan hôm nay đã triệu tập ông Sergey Andreyev, Đại sứ Nga tại nước này để yêu cầu giải thích về vụ việc.

Cảnh sát Ba Lan có mặt tại hiện trường để điều tra vụ nổ. Ảnh: Reuters

Cảnh sát Ba Lan có mặt tại hiện trường để điều tra vụ nổ. Ảnh: Reuters

Bình luận về thông tin tên lửa rơi xuống lãnh thổ miền đông Ba Lan, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm nay nói với CNN rằng ông không có thông tin gì về vụ việc. "Thật không may là tôi không có bất kỳ thông tin nào về điều đó", ông Peskov cho biết.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố quân đội nước này đã không thực hiện cuộc tấn công nào nhắm vào khu vực biên giới Ukraine - Ba Lan. "Các mảnh vỡ tên lửa được truyền thông đại chúng Ba Lan công bố từ hiện trường ở Przewodow không liên quan đến hỏa lực của Nga", Bộ này cho biết trong một tuyên bố, theo RT.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden – người đang tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Indonesia – sau khi nhận được thông tin vụ việc, đã triệu tập cuộc họp khẩn với các lãnh đạo thành viên thuộc nhóm G7 và NATO, gồm Đức, Canada, Hà Lan, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Italy, Pháp, Anh và đại diện của Liên minh châu Âu.'

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc họp báo sau khi họp khẩn, ngày 16/11. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc họp báo sau khi họp khẩn, ngày 16/11. Ảnh: Reuters

Tại cuộc họp báo hôm nay ở Indonesia, khi được hỏi rằng liệu có quá sớm để nói tên lửa được bắn từ Nga hay không, Tổng thống Biden cho biết: “Có những thông tin sơ bộ cho thấy điều trái ngược với nhận định này. Tôi không muốn đưa ra kết luận nào cho đến khi hoàn tất điều tra”.

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nhận định: “Đường bay của quả đạn cho thấy ít có khả năng nó được phóng từ Nga. Tôi sẽ bảo đảm các bên xác định rõ ràng điều gì đã xảy ra". Đồng thời, ông cho biết Mỹ và các nước NATO sẽ hỗ trợ Ba Lan điều tra đầy đủ vụ việc trước khi đưa ra bất kỳ động thái nào.

Giới chức Đức và Canada cho biết họ đang theo dõi tình hình tại Ba Lan, trong khi Liên minh châu Âu, Hà Lan và Na Uy cho biết họ đang thu thập thêm thông tin chi tiết. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ra lệnh nỗ lực xác minh, trong khi Anh tuyên bố đang "khẩn trương" xem xét báo cáo.

Reuters dẫn lời từ hai nhà ngoại giao châu Âu cho biết, Ba Lan đã yêu cầu cuộc họp của NATO theo Điều 4 của Hiệp ước NATO - các bên sẽ tham vấn cùng nhau bất cứ khi nào một trong các bên cho rằng sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hoặc an ninh của bất kỳ thành viên nào trong liên minh bị đe dọa.

Trong khi đó, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết nước này đang tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của một số đơn vị quân đội.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.