Thái Lan thông qua đề xuất tăng lương cơ bản từ 5% tới 8%

Lương tối thiếu THÁI LAN
12:06 - 14/09/2022
Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan. Ảnh: Reuters
Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Hôm 13/9 vừa qua, chính phủ Thái Lan đã thông qua đề xuất tăng lương tối thiểu cho người lao động từ 5% tới 8%, làm dấy lên lo ngại trong nhiều ngành chủ chốt từ nông nghiệp, xây dựng tới khách sạn và dịch vụ trong bối cảnh giá cả gia tăng.

Theo hãng tin Nikkei Asia trích dẫn Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan, người chủ trì các cuộc họp nội các với tư cách quyền Thủ tướng, Nội các nước này đã thông qua đề xuất tăng lương tối thiểu của Bộ Lao động.

Cụ thể, chính sách mới sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1/10, nâng mức lương tối thiểu hàng ngày của người lao động từ phạm vi cũ lên mức 9,04 USD cho tới 9,76 USD. Mức lương cao hơn sẽ được trả ở những vùng có chi phí sinh hoạt cao nhất của đất nước.

Ông Kriengkrai Thiennukul, Chủ tịch Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI), đưa ra nhận định: “Việc tăng lương chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp của chúng tôi vì nó đẩy chi phí lên cao hơn. Với mức lương cao hơn, giá tiêu dùng và các hàng hóa khác cũng sẽ tăng trong khi lạm phát vốn đã ở mức cao đáng lo ngại".

Theo các số liệu chính thức được chính phủ Thái Lan công bố, tỷ lệ lạm phát toàn phần của đất nước trong tháng 8 đạt 7,86%, mức cao nhất trong gần 13 năm trở lại đây. Các dự báo của Bộ Thương mại nước này cho thấy tầm nhìn không có cải thiện quá đáng kể trong tương lai với tỷ lệ lạm phát cả năm được dự kiến đạt mức trung bình từ 5,5% đến 6,5%.

Tính từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu lây lan, đây là lần đầu tiên sau 2 năm chính phủ Thái Lan nâng mức lương tối thiểu. Trên hết, mặc dù chính sách mới sẽ giúp người tiêu dùng có nhiều tiền hơn cho các nhu cầu chi tiêu và phần nào khiến tình trạng lạm phát trở nên dễ thở hơn, nó lại có nguy cơ tạo ra hiệu ứng cấp số nhân trên khắp nền kinh tế.

Nguyên nhân được đưa ra là do nhiều công ty lo ngại chi phí lao động cao hơn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận ngay khi các doanh nghiệp chỉ mới bắt đầu quá trình phục hồi trở lại sau gần 3 năm tê liệt do Covid-19.

Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn, một tổ chức tư vấn kết nối với Ngân hàng Kasikorn, cho biết mức lương cao hơn sẽ tạo gánh nặng cho các ngành nông nghiệp, bán lẻ, nhà hàng, xây dựng, may mặc và khách sạn thâm dụng lao động. Do đó, trung tâm cho biết các lĩnh vực này có thể sẽ ghi nhận lợi nhuận sụt giảm khoảng 5% đến 15% một khi chính sách lương mới chính thức có hiệu lực.

Ở một diễn biến khác, chỉ số tâm lý công nghiệp của Thái Lan đã tăng tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 8 lên 90,5, phần lớn là do nới lỏng các quy tắc đại dịch. Điều này đã cho phép các doanh nghiệp hoạt động như bình thường và có thể thúc đẩy tiêu dùng tư nhân và giúp hỗ trợ nền kinh tế theo Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan. Tuy nhiên, chỉ số này hiện vẫn đang ở mức dưới 100, cho thấy niềm tin của các doanh nhân vẫn còn thấp.

Thêm vào những khó khăn này, phục hồi kinh tế của Thái Lan vẫn đang rất khó đoán do ảnh hưởng từ chiến sự chưa có hồi kết tại Ukraine cũng như tác động của lệnh cấm vận mà các nước phương Tây áp đặt lên Nga.

Đọc tiếp