Than cốc Việt Phát có lợi nhuận quý III thấp nhất trong vòng 2 năm

Việt Phát DOANH NGHIỆP
11:18 - 21/10/2022
Than cốc Việt Phát có lợi nhuận quý III thấp nhất trong vòng 2 năm
0:00 / 0:00
0:00
CTCP Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (HoSE: VPG) ngày 20/10 đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2022 với doanh thu tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận lại giảm tới 85%, chỉ đạt gần 14,8 tỷ đồng.

Quý III/2022, VPG ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt gần 1.462 tỷ đồng, tăng mạnh tới 47%, tương đương tăng 469 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên do mức tăng mạnh của giá vốn hàng bán, tăng 67%, tương đương tăng tới 560 tỷ đồng lên gần 1.396 tỷ đồng. Vì vậy, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp giảm mạnh chỉ còn 65,7 tỷ đồng, giảm 58%, tương ứng giảm gần 91,1 tỷ đồng.

Thêm vào đó, chi phí tài chính quý này cũng tăng mạnh 334% từ 9,8 tỷ đồng lên 42,5 tỷ đồng, kéo sụt lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp xuống còn gần 14,8 tỷ đồng, giảm 85% so với cùng kỳ. Đây là quý có lợi nhuận thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây của VPG và cũng là quý đầu tiên sau 2 năm, lợi nhuận của VPG xuống dưới 50 tỷ đồng, kể từ quý III/2020.

Giải thích về sự sụt giảm này, công ty cho rằng do lợi nhuận gộp mặt hàng quặng giảm tới 98,98% so với cùng kỳ do giá mua vào cao, giá bán ra thấp. Sản lượng quặng bán ra giảm so với cùng kỳ do một số nhà máy sản xuất thép giảm sản lượng. Đồng thời, lợi nhuận gộp mặt hàng than cốc cũng giảm 6,39% so với cùng kỳ.

Còn chi phí tài chính quý III/2022 tăng vọt 334% so với cùng kỳ là do Công ty kinh doanh mặt hàng than nhiệt cần huy động nhiều vốn nên phát sinh việc chi phí tài chính tăng cao. Cùng với đó, quý này công ty gặp phải lỗ chênh lệch tỷ giá do biến động tăng tỷ giá đồng USD khiến giá nhập khẩu bị đội lên cao.

Lũy kế đến hết quý III, VPG ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.902 tỷ đồng, tăng 27%, tương đương tăng 826 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Giá vốn hàng bán cũng ghi nhận mức tăng đáng kể 1.080 tỷ đồng, tương đương 43%, lên 3.584 tỷ đồng. Vì mức tăng của giá vốn cao hơn doanh thu nên lợi nhuận gộp của VPG chỉ đạt gần 319 tỷ đồng, giảm 44% so với năm trước.

Đồng thời chi phí tài chính cũng tăng gấp hơn 2 lần con số của năm trước lên 75 tỷ đồng. Vì vậy, sau khi cân đối, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của VPG chỉ đạt 155 tỷ đồng, giảm tới 57% so với 3 quý năm 2021.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của VPG tính đến ngày 30/9 là 4.540 tỷ đồng, tăng gấp 1,9 lần con số đầu năm. Cấu phần tài sản chính là các khoản phải thu ngắn hạn 1.236 tỷ đồng, hàng tồn kho 925 tỷ đồng, tài sản dài hạn 1.029 tỷ đồng…

Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ phải trả của công ty, tổng nợ phải trả đã tăng 88% lên 2.770 tỷ đồng trong đó chủ yếu là khoản phải trả thư tín dụng đạt 1.190 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần con số đầu kỳ, khoản vay ngắn hạn đạt 914 tỷ đồng…

Ngày 22/9 vừa qua, VPG đã thông báo về kế hoạch trả cổ tức đợt 1 năm 2021 và tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 5%, tương đương với mỗi cổ phiếu, nhà đầu tư nhận được 500 đồng. Trong đó, công ty chi trả cổ tức đợt 1 năm 2021 tỷ lệ 4,5% mệnh giá và tạm ứng cổ tức năm 2022 tỷ lệ 0,5% mệnh giá. Thời gian thanh toán là 30/9/2022. Như vậy, với gần 80,2 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty dự kiến sẽ chi gần 40,1 tỷ đồng trả cổ tức cho cổ đông.

Biểu đồ giá cổ phiếu VPG. Ảnh: TradingView

Biểu đồ giá cổ phiếu VPG. Ảnh: TradingView

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VPG đã chứng kiến một đà tăng mạnh từ vùng giá 15.220 đồng/cp hồi giữa tháng 4/2021 lên mức 57.220/cp phiên 15/4 năm nay (giá đã được điều chỉnh). Tính tới 11h ngày 21/10, thị giá VPG giảm 5% so với giá tham chiếu, còn 19.100 đồng/cp, tương đương vốn hóa 1.531,8 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp