Tháng 1/2023: Xuất khẩu ngành công nghiệp chế biến chế tạo sụt giảm mạnh

XUẤT KHẨU Công nghiệp
13:46 - 08/02/2023
Tháng 1/2023: Xuất khẩu ngành công nghiệp chế biến chế tạo sụt giảm mạnh
0:00 / 0:00
0:00
Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo tháng 1/2023 nằm trong nhóm giảm nhiều nhất, do hầu hết doanh nghiệp ngành này phải tạm dừng sản xuất để nghỉ Tết

Tăng trưởng xuất nhập khẩu giảm

Theo Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 1/2023 của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2023 ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 21,3% so với cùng kỳ năm 2021, mức giảm chủ yếu đến từ khu vực kinh tế trong nước (giảm 27,1%), còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 19%.

Tháng 1 năm nay, do có 2 ngày dịp Tết, nên số ngày làm việc bị giảm sút. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc công nghiệp chế biến chế tạo không còn là động lực tăng trưởng của xuất khẩu của tháng đầu năm 2023, khi tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này giảm nhiều nhất so với nhóm hàng nông lâm thủy sản và nhiên liệu khoáng sản.

Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đều tạm dừng sản xuất để nghỉ Tết. Chỉ trừ một số doanh nghiệp trong ngành giấy, xi măng, thép, phân, đạm, hóa chất và một số sản phẩm chế biến, bánh kẹo... vẫn duy trì sản xuất một sản lượng nhất định do đặc thù dây chuyền sản xuất phải vận hành liên tục của các ngành này.

Một số doanh nghiệp trong các ngành khác như điện tử, ô tô... vẫn duy trì vận hành một số bộ phận/dây chuyền có tính chất sản xuất liên tục (như dây chuyền sơn tĩnh điện trong các doanh nghiệp ô tô…), tuy nhiên không sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh mới.

Kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến đều giảm so với cùng kỳ năm trước, do đó tổng kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến trong tháng 1/2023 ước giảm 22,7% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 21,52 tỷ USD. Hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 245 triệu USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước; hàng nông sản, lâm sản ước đạt 2,14 tỷ USD, chiếm 19,8%.

Điều đáng mừng là tháng 1/2023 vẫn ghi nhận 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, gồm điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; dệt, may; giầy dép; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng, chiếm 66,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về thị trường xuất khẩu, tháng 1/2023, ngoại trừ Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,45 tỷ USD, ghi nhận mức tăng trưởng ước đạt 14%. Còn lại hầu hết xuất khẩu sang các thị trường chủ lực của Việt Nam đều giảm mạnh, lần lượt là Mỹ kim ngạch xuất khẩu ước đạt 7,6 tỷ USD, giảm 28,5%; EU ước đạt 2,9 tỷ USD, giảm 33,8%; Nhật Bản ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 11,4%; Hàn Quốc ước đạt 1,65 tỷ USD, giảm 18,4%.

Đối với nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2023 ước đạt 21,48 tỷ USD, giảm 28,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,48 tỷ USD, giảm 25,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 14 tỷ USD, giảm 30,4%.

Trong tháng 01/2023 có 3 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá từ 1 tỷ USD trở lên, chiếm tỷ trọng 37,2% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu tháng 01/2023, hàng tư liệu sản xuất đạt 19,97 tỷ USD, chiếm 93%, trong đó hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 41,1%; hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 51,9%. Hàng vật phẩm tiêu dùng đạt 1,51 tỷ USD, chiếm 7%. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 8,1 tỷ USD.

Tháng 1/202, Việt Nam xuất siêu sang EU ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang Nhật Bản 100 triệu USD giảm 65,3%; nhập siêu từ Trung Quốc 3,4 tỷ USD, giảm 52,6%; nhập siêu từ Hàn Quốc 2,5 tỷ USD, giảm 20,9%; nhập siêu từ ASEAN 1,3 tỷ USD, tăng 74,3%.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 1/2023 ước tính xuất siêu 3,6 tỷ USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,04 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,64 tỷ USD.

Đẩy mạnh khai thác các FTA hướng tới mục tiêu xuất nhập khẩu 394 tỷ USD

Hiện nay, những cú sốc về chuỗi cung ứng làm giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, đẩy giá thành sản xuất hàng hóa lên mức cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước. Thêm vào đó, hiện nay, tình hình lạm phát tăng cao, tồn kho cao cũng ảnh hưởng tiêu cực đến lực cầu nhập khẩu hàng hóa của các nước đối tác, đặc biệt là các mặt hàng không thiết yếu, vốn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường các nước phát triển như dệt may, da giày…

Trước đó, tại Hội nghị Thúc đẩy sản xuất tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu 2023 ngày 3/2, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, năm 2023, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức trong việc đẩy mạnh xuất nhập khẩu và phát triển thị trường nước ngoài.

Hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 393 - 394 tỷ USD, chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu đạt 6% mà Chính phủ giao, Bộ Công Thương đưa ra các nhóm giải pháp, nhiệm vụ riêng cho ngành xuất nhập khẩu.

Trong đó, Bộ sẽ nâng cao năng lực phân tích, dự báo, xây dựng các kịch bản, phương án linh hoạt, thích ứng với các vấn đề mới phát sinh. Tham mưu, điều hành theo sát biến động của kinh tế quốc tế, giá cả hàng hoá trên thị trường thế giới để hỗ trợ các Hiệp hội, doanh nghiệp xuất nhập khẩu có sự chủ động khai thác cơ hội, ứng phó kịp thời các khó khăn, thách thức.

Đẩy mạnh khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, đặc biệt là các FTA thế hệ như EVFTA, UKVFTA, CPTPP… Thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá với thị trường Trung Quốc khi Trung Quốc đã mở cửa trở lại;

Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ. Đồng thời, tích cực hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

Phát huy vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức thường xuyên Hội nghị giao ban giữa các cơ quan Thương vụ với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để hỗ trợ các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp mở rộng, đa dạng hoá thị trường, chuỗi cung ứng và vượt qua các rào cản kỹ thuật để thâm nhập các thị trường mới.

Tiếp tục tạo thuận lợi hoá thương mại, cải cách thủ tục hành chính; chú trọng phát triển dịch vụ logistics, đổi mới công tác xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới để thúc đẩy xuất khẩu.

Tin liên quan

Đọc tiếp