Tháo gỡ nút thắt để khơi thông dòng chảy tín dụng

TÍN DỤNG Việt nAM
21:38 - 19/06/2023
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Trước tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, các hiệp hội...nêu ý kiến, đánh giá thẳng thắn để tìm cách tháo gỡ những nút thắt trong dòng chảy tín dụng.

Tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp

Tại "Hội nghị giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế" ngày 19/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, những tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, tuy nhiên tình hình còn nhiều khó khăn, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Các cân đối lớn của nền kinh tế đã đảm bảo song còn một số việc thiếu bền vững, trong đó có vấn đề cân đối vốn cho nền kinh tế. Trong những nguồn vốn hiện nay, kênh vốn tín dụng rất quan trọng cho nền kinh tế.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, việc tiếp cận, hấp thụ vốn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có 4 yếu tố đề nghị các đại biểu dự hội nghị làm rõ.

Thứ nhất là về cơ chế chính sách. Vấn đề này liên quan đến hai nội dung lớn là tiếp cận từ pháp luật, những quy định của Chính phủ và từ các ngân hàng thương mại. Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại lớn, hiệp hội cho ý kiến về những vướng mắc trong cơ chế chính sách, có những vấn đề gì không đi vào thực tế để có cơ sở tháo gỡ.

Đối với cơ chế chính sách từ ngân hàng thương mại, Phó Thủ tướng cho biết Luật Các tổ chức tín dụng đã hướng dẫn các tổ chức tín dụng xây dựng các quy định, quy chế, những rào cản chống rủi ro. Cần rà soát lại các quy định này có gì vướng mắc.

Thứ hai, về phía doanh nghiệp - đối tượng tiếp cận vốn, việc tiếp cận vốn phụ thuộc nhiều vào phương án vay vốn, phương án đầu tư, tình hình tài chính.

"Không đủ điều kiện không thể vay được. Nếu phương án tốt, có khả năng trả nợ nhưng không tiếp cận được vốn thì bỏ lỡ cơ hội," nêu nội dung này, Phó Thủ tướng đề nghị phía doanh nghiệp "phải rất rõ ràng."

Thứ ba, theo Phó Thủ tướng, nếu lãi suất cho vay quá cao, doanh nghiệp cũng không tiếp cận được. Thủ tướng rất quan tâm đến vấn đề này và đã liên tục chỉ đạo. Gần đây nhất, trong thông báo cuộc họp Thường trực Chính phủ đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, có chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế, điều hành lãi suất phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận.

Đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước đã điều hành giảm lãi suất lần thứ 4 liên tiếp kể từ đầu năm đến nay, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng đây là yếu tố rất quan trọng. Cần xem xét lãi suất điều hành ở mức nào hợp lý để tránh ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối, các kênh dẫn vốn khác và quyền lợi của người vay tiền.

Thứ tư, để tiếp cận được vốn, hấp thụ được vốn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình sản xuất kinh doanh, các đơn hàng, chuỗi cung ứng phải đảm bảo.

Vừa qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tháo gỡ rất quyết liệt thị trường trong và ngoài nước, trong đó có bất động sản, thị trường xuất khẩu. Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu góp ý trực tiếp xem lĩnh vực nào còn dư địa, lĩnh vực nào còn khó khăn để tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp cận vốn, qua đó góp phần cho tăng trưởng.

Đề nghị đại biểu đóng góp trên tinh thần thẳng thắn, Phó Thủ tướng khẳng định: Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ sẵn sàng tiếp thu những ý kiến "góp ý trúng, vì việc chung," sẵn sàng "lắng nghe tìm ra vướng mắc để tháo gỡ."

Toàn cảnh Hội nghị giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Toàn cảnh Hội nghị giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế.

NHNN chỉ ra mặt khó khăn trong công tác điều hành tín dụng

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, chưa bao giờ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh "rất đặc biệt" như thời gian giữa năm 2022 đến nay, nhất là những tháng đầu năm 2023.

Lãnh đạo NHNN chia sẻ, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ, NHNN "quần quật" điều hành trong những tháng vừa qua, "lăn lộn", đồng hành cùng doanh nghiệp, kết hợp hài hòa cả lý luận và thực tiễn để điều hành kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách tiền tệ. Kết quả nổi bật là giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát,…

Mặc dù vậy, ông Tú cũng thừa nhận, NHNN cũng như các ngân hàng thương mại còn hạn chế trong việc tổ chức công tác truyền thông chưa tốt về công tác tín dụng.

Báo cáo của NHNN đã nêu chi tiết về công tác điều hành và các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân. Trong đó nhấn mạnh, về điều hành cung ứng tiền và thanh khoản, NHNN điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, điều kiện thanh khoản nhằm ổn định thị trường tiền tệ, sẵn sàng cung ứng vốn cho phục hồi và phát triển kinh tế.

Về điều hành tín dụng, NHNN đã điều hành tăng trưởng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng.

Chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng. Đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Về rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng, NHNN đã hoàn thiện và chuẩn bị Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay đối với khách hàng.

Trong đó bổ sung quy định nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác phục vụ nhu cầu đời sống (thay vì chỉ quy định đối với khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh trước đây).

Bổ sung quy định phù hợp với hình thức cho vay bằng phương tiện điện tử (thu nhập, giao kết thỏa thuận cho vay trên môi trường điện tử, nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng vay vốn qua phương tiện điện tử,…), qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

Về mặt khó khăn, NHNN cho rằng, mặc dù các tổ chức tín dụng có điều kiện để tăng tín dụng trong những tháng đầu năm do thanh khoản dồi dào và chưa bị giới hạn bởi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tuy nhiên mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân chủ yếu là do cầu tín dụng giảm mạnh, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế gặp khó khăn (cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm, dẫn tới tín dụng cho sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng; cầu tiêu dùng giảm); một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn/ hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Sau một thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, nhất là khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả trong bối cảnh hiện nay (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu ở mức cao, trong khi thị trường đầu ra khó khăn, đơn hàng, doanh thu giảm,…).

Một số khách hàng chưa kịp thời hồi phục sau giai đoạn dịch Covid-19 đã phát sinh nợ xấu/ nợ quá hạn, nên các tổ chức tín dụng phải thận trọng trong quyết định cho vay do không thể hạ chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.

Trên cơ sở phân tích các nguyên nhân, ông Đào Minh Tú cũng nêu lên các giải pháp cụ thể trong công tác điều hành và các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận tín dụng khi đáp ứng đầy đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định.

Tập trung nguồn đối với dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ và phát triển.

Xem xét cấp tín dụng đối với cả chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường bất động sản. Chủ động kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, mục đích sử dụng vốn vay, thu nợ đầy đủ, đúng hạn. Đẩy mạnh cho vay người mua nhà, thu nợ người bán nhà trong cùng một dự án.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên toàn quốc.

Đồng thời, tổ chức hội nghị về các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã; triển khai một số giải pháp tín dụng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho mặt hàng nông sản chủ lực như lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long, thủy sản, cà phê; triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.