Thế giới cần 131 năm để đạt được bình đẳng giới

THẾ GIỚI bình đẳng
16:07 - 21/06/2023
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tiến độ đạt được bình đẳng giới trên toàn cầu đang chậm lại. Ảnh:
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tiến độ đạt được bình đẳng giới trên toàn cầu đang chậm lại. Ảnh:
0:00 / 0:00
0:00
Theo báo cáo “Khoảng cách Giới tính Toàn cầu 2023” công bố ngày 21/6 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tiến độ đạt tới bình đẳng giới trên thế giới đang chậm lại và phụ nữ được dự đoán sẽ cần 131 năm nữa để đạt được tình trạng bình đẳng với đàn ông.

Chỉ số khoảng cách giới tính toàn cầu là thước đo được sử dụng để đánh giá hiện trạng và sự phát triển của bình đẳng giới trên 4 khía cạnh chính bao gồm kinh tế, giáo dục, y tế và chính trị. Đây là chỉ số lâu đời nhất theo dõi tiến độ của nỗ lực của nhiều quốc gia hướng tới việc thu hẹp các khoảng cách giới tính theo thời gian.

Chỉ số này được đo lường dựa trên thang điểm số từ 0 đến 100 trong khi số điểm có thể được hiểu là khoảng cách đạt được so với bình đẳng giới (tức là tỷ lệ phần trăm khoảng cách giới tính đã được thu hẹp). Trong báo cáo năm 2023 này, chỉ số khoảng cách giới tính đo lường tình trạng bình đẳng giới tại 146 quốc gia.

Hãng tin CNN trích dẫn kết quả báo cáo công bố ngày 21/6 cho thấy điểm số khoảng cách giới tính cho 146 quốc gia năm 2023 là 68,4% - chỉ tăng nhẹ 0,3% so với năm 2022. Nếu xem xét 102 quốc gia được đề cập liên tục từ năm 2006 đến năm 2023, điểm số của năm 2023 là 68,6%, tương đương với mức tăng 4,1% khiêm tốn kể từ ấn bản đầu tiên của báo cáo được công bố năm 2006.

Về từng lĩnh vực cụ thể, tiến độ thu hẹp khoảng cách giới tính trong lĩnh vực y tế, thể hiện bởi chỉ số Sức khỏe và Sống còn, đạt 96% và lĩnh vực giáo dục, thể hiện bởi chỉ số Trình độ Giáo dục, đạt 95,2%. Trong khi đó, lĩnh vực kinh tế, thể hiện ở chỉ số Tham gia Kinh tế và Cơ hội, đạt 60,1% và chỉ số lĩnh vực chính trị (Trao quyền Chính trị) chỉ đạt 22.1%.

Với tình hình hiện tại, WEF đưa ra dự đoán thế giới sẽ cần 131 năm nữa để đạt tới tình trạng cân bằng giới tính hoàn toàn, 169 năm để đạt được sự bình đẳng giới trong kinh tế và 162 năm để đạt được sự bình đẳng về chính trị.

Tiến độ thu hẹp khoảng cách giới tính theo từng khu vực trên toàn cầu năm 2023. Nguồn: WEF

Tiến độ thu hẹp khoảng cách giới tính theo từng khu vực trên toàn cầu năm 2023. Nguồn: WEF

Nhận định về các con số trên bà Saadia Zahidi, giám đốc điều hành của WEF, cho biết trong báo cáo rằng “tiến bộ chậm chạp” trong việc thu hẹp khoảng cách giới tính và các dấu hiệu trượt dốc của tỷ lệ bình đẳng trong các lĩnh vực như kinh tế tạo ra một “trường hợp khẩn cấp đòi hỏi hành động đổi mới và phối hợp”.

Bà cho biết: “Những năm gần đây được đánh dấu bằng những thất bại lớn đối với bình đẳng giới trên toàn cầu khi những tiến bộ trước đó bị gián đoạn do tác động của đại dịch Covid-19 đối với phụ nữ và trẻ em gái trong giáo dục và lực lượng lao động, sau đó là các cuộc khủng hoảng kinh tế và địa chính trị”. Ngày nay, một số nơi trên thế giới “đang chứng kiến sự phục hồi một phần trong khi những nơi khác tiếp tục trải qua tình trạng suy thoái khi các cuộc khủng hoảng mới diễn ra”.

Tuy báo cáo trên có cho thấy sự tiến bộ trong các lĩnh vực giáo dục và y tế, tình trạng bình đẳng giới trong các lĩnh vực kinh tế và chính trị gióng lên hồi chuông cảnh báo về một “cuộc khủng hoảng hậu đại dịch”. Bối cảnh hiện tại kết hợp với biển đổi khí hậu và công nghệ có nguy cơ “gây ra sự thụt lùi hơn nữa trong việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ”.

Báo cáo tuyên bố: “không chỉ hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái mất cơ hội và cơ hội tiếp cận kinh tế, mà những đảo ngược này còn gây ra những hậu quả trên diện rộng cho nền kinh tế toàn cầu”.

Do đó, việc đẩy nhanh tiến độ hướng tới bình đẳng giới sẽ “không chỉ cải thiện kết quả cho phụ nữ và trẻ em gái mà còn mang lại lợi ích rộng rãi hơn cho các nền kinh tế và xã hội, phục hồi tăng trưởng, thúc đẩy đổi mới và tăng cường khả năng phục hồi”, theo bà Zahidi.

Về từng quốc gia cụ thể, báo cáo của WEF khẳng định chưa có quốc gia nào đạt được bình đẳng giới hoàn toàn. Hiện chỉ có 9 quốc gia thu hẹp ít nhất 80% khoảng cách giới tính bao gồm Iceland, Na Uy, Phần Lan, New Zealand, Thụy Điển, Đức, Nicaragua, Namibia và Lithuania. Trong năm thứ 14 liên tiếp, Iceland là quốc gia bình đẳng giới nhất khi đã thu hẹp 91,2% khoảng cách.

Top 10 toàn cầu bao gồm Na Uy (87,9%), Phần Lan (86,3%), Zealand (85,6%) cùng Thụy Điển (81,5%). Đức (81,5%) đứng ở vị trí thứ 6, theo sau là Nicaragua (81,1%). Namibia (80,2%), Lithuania (80%) và Bỉ (79,6%).

Việt Nam hiện xếp hạng 72 trong danh sách này với tiến độ bình đẳng giới đạt 71,1%. Về từng chỉ số cụ thể, Việt Nam xếp hạng 31 với tiến độ 74,9% trong lĩnh vực kinh tế, hạng 89 trong lĩnh vực giáo dục với tiến độ 98,5%, hạng 144 trong lĩnh vực y tế với tiến độ 94,6% và hạng 89 trong lĩnh vực chính trị với tiến độ 16,6%.

Theo báo cáo nhận định, Việt Nam đang "từng bước tiến tới bình đẳng giới" trong khi thăng 11 hạng so với báo cáo năm 2022 thông qua sự gia tăng chỉ số Trao quyền Chính trị từ ngưỡng 13,5% của năm 2022 lên 16,6% trong năm 2023 nhờ có sự xuất hiện của các bộ trưởng là nữ.

Việt Nam cũng ghi nhận sự bình đẳng hoàn toàn về tỷ lệ phụ nữ làm công nhân kỹ thuật và phụ nữ kiếm được 81,4% thu nhập kiếm được ước tính của nam giới. Tuy nhiên, tỷ số giới tính khi sinh - số bé trai trên 100 bé gái trong tổng số trẻ sinh ra - đang ở mức rất thấp, thể hiện sự mất cân bằng giới tính và là nguyên nhân khiến chỉ số Sức khỏe và Tỷ lệ sống của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trên thế giới.

Tiến độ thu hẹp khoảng cách giới tính toàn cầu theo 4 chỉ số của từng khu vực trên thế giới. Nguồn: WEF

Tiến độ thu hẹp khoảng cách giới tính toàn cầu theo 4 chỉ số của từng khu vực trên thế giới. Nguồn: WEF

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.