Thế giới tiếp tục bỏ lỡ mục tiêu khí hậu trong năm 2022

Khí hậu THẾ GIỚI
07:49 - 29/12/2022
Lòng sông Gia Lăng tại nơi hợp lưu với sông Dương Tử trơ đáy do hạn hán hồi tháng 8/2022 tại Trùng Khánh, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images
Lòng sông Gia Lăng tại nơi hợp lưu với sông Dương Tử trơ đáy do hạn hán hồi tháng 8/2022 tại Trùng Khánh, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images
0:00 / 0:00
0:00
Thế giới đang đứng trước nỗi lo tiếp tục bỏ lỡ các mục tiêu khí hậu, trong khi các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán và nắng nóng đang diễn ra với tần suất ngày càng cao và nghiêm trọng trong năm 2022.

Theo AFP, 2022 là một năm ghi nhận nhiều tiến bộ quan trọng trong nỗ lực cắt giảm phát thải của thế giới. Các bộ luật mới tại Mỹ và châu Âu cũng như các thỏa thuận về khí hậu tại Liên hợp quốc đã giúp thế giới và đặc biệt là các nước dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu nhiều hỗ trợ hơn.

Tuy nhiên, mục tiêu giữ cho nhiệt độ toàn cầu không tăng 1,5 độ C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp đang gặp nguy cơ thất bại khi lượng khí thải carbon dioxide từ nhiên liệu hóa thạch - động lực chính của sự nóng lên toàn cầu - đang trên đà đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2022.

Theo nhà khoa học khí hậu Robert Vautard, người đứng đầu Viện Pierre-Simon Laplace của Pháp, các hệ quả khí hậu của năm 2022 “mới chỉ là bắt đầu”. Bất chấp các tác động tự nhiên của La Nina – một hiện tượng xảy ra tự nhiên và định kỳ ở Thái Bình Dương làm mát bầu khí quyển - năm 2022 đang trên đà trở thành năm nóng thứ 5 hoặc thứ 6 từng được ghi nhận.

Thêm vào đó, một khi La Nina được đảo ngược, ông Vautard nhận định chỉ trong vòng vài tháng, thế giới có khả năng sẽ leo lên một kỷ lục mới về sự nóng lên.

Các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị Biến đối Khí hậu của Liên Hợp Quốc COP27 ở Ai Cập tháng 11/2022. Ảnh: Reuters

Các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị Biến đối Khí hậu của Liên Hợp Quốc COP27 ở Ai Cập tháng 11/2022. Ảnh: Reuters

Nhằm tạo ra một hướng đi chung trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, các quốc gia trên thế giới đã cùng tham gia vào các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Ai Cập hồi tháng 11. Một quyết định lịch sử đã được đưa ra khi các quốc gia phát triển đồng ý thành lập một quỹ giúp bồi thường thiệt hại khí hậu cho các quốc gia đang phát triển.

Tuy nhiên, “COP27 giải quyết hậu quả của biến đổi khí hậu nhưng không giải quyết được nguyên nhân của nó: nhiên liệu hóa thạch”, theo ông Harjeet Singh của Climate Action Network. Hội nghị này đã không đưa ra được mức giảm phát thải cần thiết để hạn chế tổn thất và thiệt hại khí hậu trong tương lai.

Cụ thể, để duy trì giới hạn 1,5 độ C, lượng khí thải làm nóng hành tinh cần phải giảm 45% vào năm 2030 và giảm xuống mức 0% vào giữa thế kỷ này. Trước đó tại hội nghị COP26 ở Glasgow, các quốc gia được khuyến khích tăng cường các cam kết giảm phát thải. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30 quốc gia chú ý đến lời kêu gọi đó, khiến thế giới đang trên đà nóng lên khoảng 2,5 độ C.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã chỉ trích sự thất bại của các cuộc đàm phán về khí hậu trong việc cắt giảm mạnh lượng khí thải khi với tuyên bố “hành tinh của chúng ta vẫn đang ở trong phòng cấp cứu”.

Trong bối cảnh đó, các nỗ lực khác vẫn bị nhiều nhà hoạt động môi trường coi là không đủ, ví dụ như các cam kết của thế giới hồi tháng 12 tại Montreal về một lộ trình đảo ngược sự hủy hoại môi trường đe dọa các loài cũng như các hệ sinh thái trên đất liền và đại dương.

Trong khi đó, cuộc họp về khí hậu tiếp theo của Liên Hợp Quốc vào tháng 11/2023 tại quốc gia xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch UAE có khả năng cao bị chi phối bởi các cuộc thảo luận về ngành dầu khí cũng như đóng góp tài chính của nó. Theo bà Tubiana, một trong những người đứng sau Thỏa thuận Paris 2015 về việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, việc này có khả năng sẽ tạo nên nhiều căng thẳng giữa các quốc gia.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.