Thêm 3 sản phẩm nông nghiệp được hỗ trợ bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài

XNK Việt nAM
10:38 - 06/01/2022
Vải thiều Lục Ngạn đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản
Vải thiều Lục Ngạn đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản
0:00 / 0:00
0:00

Các sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam giai đoạn 2022-2025 sẽ được bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài để nâng cao vị thế và uy tín sản phẩm theo kế hoạch của Chính phủ.

Theo đó, vải thiều Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang, xoài quả của tỉnh Đồng Tháp và nhãn quả, long nhãn của tỉnh Sơn La là 3 sản phẩm nông sản được chọn thí điểm. Các sản phẩm này sẽ được nghiên cứu, thí điểm đánh giá xác định sản phâm tiềm năng và thị trường trọng điểm đế tiến tới hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ở các trường hợp phù hợp.

Hoạt động này nằm trong chương trình thỏa thuận hợp tác về “Kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2022-2025” giữa ba Bộ, gồm: Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo chương trình, ba Bộ cùng phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu, trong đó tập trung vào các biện pháp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở những thị trường nước ngoài, nâng cao vị thế và uy tín của sản phẩm Việt Nam ở thị trường nước ngoài.

Thực hiện kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và các chủ thể liên quan trong việc sử dụng nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là nông sản và đặc sản các vùng miền trên thị trường quốc tế.

Song song với đó, đây sẽ là động lực thúc đẩy doanh nghiệp chú trọng đến chất lượng nông sản của mình hơn, hướng đến thâm nhập sâu tại các thị trường tiềm năng như châu Âu, Nhật Bản, Nga… thay vì phụ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc.

Theo Phó Cục trưởng Cục trồng trọt Lê Thanh Tùng cho biết trong quý I/2022, sản lượng trái cây của các tỉnh phía Nam có thể đạt khoảng 1,6 triệu tấn. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm trái cây trong quý I/2022 sẽ gặp không ít khó khăn. Bên cạnh yếu tố dịch bệnh, các doanh nghiệp xuất khẩu còn vướng các quy định mới về yêu cầu chất lượng, truy xuất nguồn gốc, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… của các thị trường xuất khẩu.

Trong năm 2021, vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận đã được bảo hộ chỉ dẫn tại Nhật Bản.

Cụ thể, ngày 16/03/2021, Bộ Nông – Lâm – Ngư nghiệp Nhật Bản đã cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với vải thiều Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang. Sau vải thiều Lục Ngạn, ngày 07/10/2021, thanh long Bình Thuận tiếp tục được bảo hộ tại thị trường này.

Tại châu Âu (EU), thông qua Hiệp định EVFTA, EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, đều là các sản phẩm liên quan đến nông sản, thực phẩm.

Tin liên quan

Đọc tiếp