Thiếu điện hãm đà tăng trưởng của Trung Quốc

TRUNG QUỐC Thiếu điện
13:33 - 19/10/2021
0:00 / 0:00
0:00
Cuộc khủng hoảng năng lượng cộng với sự sụt giảm dữ dội của thị trường bất động sản đã khiến tăng trưởng kinh tế quý III của Trung Quốc suy yếu đáng kể.

Theo công bố của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), GDP quý III của nước này tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn mức tăng 7,9% trong quý II. Đáng chú ý mức tăng trưởng của quý vừa qua thấp hơn mức tăng trung bình 5% theo dự báo của Bloomberg.

Theo các chuyên gia, lý do chính khiến tăng trưởng trong 3 tháng qua của kinh tế Trung Quốc bị chững lại là tình trạng thiếu điện trầm trọng trong tháng 9 buộc nhiều nhà máy phải cắt giảm sản lượng hoặc ngừng sản xuất. Đây cũng là nguyên nhân khiến sản lượng công nghiệp của nước này tăng 3,1% so với cùng kỳ và thấp hơn dự báo trước đó là gần 4%.

Một nguyên nhân quan trọng khác là việc Bắc Kinh mới ban hành các quy định chặt chẽ hơn đối với thị trường bất động sản, dẫn đến hoạt động xây dựng bị hạn chế và nguồn tài chính cho lĩnh vực này cũng bị siết chặt. Ngành kinh tế này cũng xấu đi khi cuộc khủng hoảng nợ ngày càng nặng nề tại Tập đoàn Evergrande đang lan sang các nhà phát triển dự án khác kéo theo doanh số bất động sản sụt giảm.

Cuộc khủng hoảng thiếu điện tại Trung Quốc đang ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế. Ảnh: AFP

Cuộc khủng hoảng thiếu điện tại Trung Quốc đang ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế. Ảnh: AFP

Các chuyên gia ước tính Trung Quốc đang bị tồn kho khoảng 30 triệu bất động sản chưa tìm được người mua. Số bất động sản này đủ để cung cấp nơi ở cho khoảng 80 triệu người, tương đương với dân số một số nước châu Âu như Đức. Tình trạng này đã được cảnh báo từ lâu chứ không phải đợi đến khi quả bom Evergrande nổ ra mới lộ rõ vì hiện tượng cung vượt cầu đã kéo dài nhiều năm.

Hình ảnh hàng chục triệu căn hộ bỏ không phổ biến ở nhiều nơi trên khắp Trung Quốc thời gian qua. Ngoài số 30 triệu bất động sản chưa bán được, theo Capital Economics ước tính còn có khoảng 100 triệu bất động sản khác có thể đã tìm được chủ nhưng không có người ở. Nghĩa là số nhà cửa đủ chỗ cho khoảng 260 triệu người đang bị bỏ không, dẫn đến nhiều dự án hình thành các "thị trấn ma" hoang vắng.

Do đặc thù của thị trường, tỷ trọng kinh tế liên quan đến ngành xây dựng và bất động sản tại Trung Quốc chiếm cao hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn khác trên thế giới. Do đó Bất động sản và các lĩnh vực liên quan có vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế đất nước, chiếm tới 30% GDP của Trung Quốc. Do đó sẽ dễ hiểu khi thị trường bất động sản sụt giảm sẽ ngay lập tức kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, chiến lược "sạch bóng Covid" mà Trung Quốc đang theo đuổi khiến nước này phải liên tục áp dụng các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt bậc nhất thế giới, chi phí tốn kém và đè nặng lên chi tiêu của người tiêu dùng cũng ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, các dấu hiệu trong ngắn hạn chưa có nhiều khả quan nên Bank of America dự đoán tăng trưởng kinh tế trong quý IV của Trung Quốc có khả năng sẽ còn giảm còn 3 đến 4%.

Nhiều tổ chức tài chính quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm nay do tình trạng thiếu điện và thị trường bất động sản bị siết chặt.

Đọc tiếp