Thổ Nhĩ Kỳ: Không nên kỳ vọng Thụy Điển gia nhập NATO trước thượng đỉnh Vilnius

Chính trị Thụy Điển
11:23 - 15/06/2023
Phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn đầu là ông Akif Cagatay Kilic tại cuộc họp với các quan chức cấp cao từ NATO, Thụy Điển và Phần Lan ngày 14/6 tại thủ đô Ankara. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ
Phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn đầu là ông Akif Cagatay Kilic tại cuộc họp với các quan chức cấp cao từ NATO, Thụy Điển và Phần Lan ngày 14/6 tại thủ đô Ankara. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ
0:00 / 0:00
0:00
Trong một tuyên bố chính thức, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết NATO không nên kỳ vọng nước này sẽ chấp thuận đơn xin gia nhập của Thụy Điển trước hội nghị thượng đỉnh của liên minh vào tháng 7 tới.

Kể từ sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ tháng 2/2022, Thụy Điển và Phần Lan đã cùng đăng ký làm thành viên NATO do các nước này lo ngại về an ninh của mình. Tới tháng 4/2023, Phần Lan thành công trở thành một thành viên chính thức của NATO sau khi quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn yêu cầu của nước này.

Tuy nhiên, quốc gia này vẫn từ chối phê duyệt đề xuất gia nhập NATO của Thụy Điển với nguyên nhân quốc gia Bắc Âu này vẫn chưa giải quyết tất cả các lo ngại về an ninh của Ankara. Cụ thể, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Thụy Điển quá khoan dung đối với các tổ chức khủng bố và các mối đe dọa an ninh, bao gồm các nhóm chiến binh người Kurd và những người có liên quan đến âm mưu đảo chính năm 2016.

Trước đó hồi tháng 1/2023, một cuộc biểu tình ở Stockholm liên quan đến việc đốt một bản sao của Kinh Qur'an đã góp phần khiến các cuộc đàm phán về tư cách thành viên của Thụy Điển tại NATO kéo dài hơn nữa.

NATO vốn muốn Thụy Điển được chấp nhận trước thời điểm các nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên gặp nhau trong một hội nghị thượng đỉnh tại thủ đô Vilnius của Lithuania vào ngày 11-12/7. Tuy nhiên các tín hiệu hiện tại không ủng hộ cho kịch bản này.

Trước đó trong một cuộc họp hồi đầu tháng 6, ông Erdogan cũng từng nhấn mạnh với Tổng thư Ký NATO Jens Stoltenberg rằng: “Nếu các bạn mong đợi chúng tôi đáp ứng kỳ vọng của Thụy Điển, thì trước hết, Thụy Điển phải tiêu diệt những gì tổ chức khủng bố này đã làm”.

Tới ngày 13/6 khi phát biểu với các nhà báo trên đường trở về từ chuyến thăm cấp nhà nước tới Azerbaijan, hãng thông tấn Anadolu trích dẫn Tổng thống Erdogan cho biết thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với việc Thụy Điển gia nhập là không “tích cực”.

Thêm vào đó, ông cũng cho biết thái độ của nước này cũng sẽ không thay đổi trong bối cảnh các quan chức cấp cao NATO, Thụy Điển, Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ gặp nhau tại Ankara ngày 14/6. AP trích dẫn ông cho biết phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ tại cuộc họp sẽ đưa ra thông điệp rằng các bên “không nên mong đợi bất cứ điều gì khác ở Vilnius”.

Trên thực tế, kết quả cuộc họp không có tiển triển quá lớn. Một tuyên bố do Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra sau cuộc họp ngày 14/6 chỉ cho biết các bên “đã tổ chức tham vấn về hoạt động của các nhóm khủng bố ở Thụy Điển dựa trên các ví dụ cụ thể” và đồng ý tiếp tục các bước tiếp theo.

Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết cuộc họp diễn ra trong một “bầu không khí mang tính xây dựng”. AP trích dẫn ông cho biết: “Một số tiến bộ đã được thực hiện và chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán để Thụy Điển được phê chuẩn càng sớm càng tốt”.

Khi được hỏi liệu NATO có thể kết nạp Thụy Điển trước hội nghị thượng đỉnh Vilnius hay không, ông Stoltenberg trả lời: “Vẫn có khả năng nhưng tất nhiên là tôi không thể đảm bảo điều đó”.

Về phía Thụy Điển, đặc phái viên của nước này là ông Oscar Stenstrom mô tả cuộc đàm phán là “một bước tiến” nhưng vẫn còn “cách xa vạch đích”. Theo ông, “cuộc chiến chống lại PKK đã được tăng cường” và Thụy Điển trong khoảng thời gian gần đây đã thực hiện nhiều biện pháp củng cố an ninh.

Song song với việc sửa đổi hiến pháp và củng cố luật chống khủng bố, nước này hồi tuần trước đã buộc tội một người đàn ông vì cố gắng tống tiền thay mặt cho một nhóm bị đặt ngoài vòng pháp luật ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong tuần này, chính phủ Thụy Điển cũng quyết định dẫn độ một công dân Thổ Nhĩ Kỳ cư trú tại Thụy Điển - người đã bị kết án liên quan tới ma túy ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2013.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.