Thông tư về tái cơ cấu nhóm nợ sắp kết thúc: Dừng hay tiếp tục?

NỢ XẤU NGÂN HÀNG
20:58 - 20/05/2022
Thông tư về tái cơ cấu nhóm nợ sắp kết thúc: Dừng hay tiếp tục?
0:00 / 0:00
0:00
Thời hạn cơ cấu nợ theo quy định tại Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước đã sắp kết thúc. Câu chuyện về việc có nên tiếp tục điều chỉnh thời gian tái cơ cấu theo hướng tiếp tục giãn, hoãn thêm để hỗ trợ nền kinh tế tăng tốc hay không cũng đang được đặt ra.

Nhìn lại số liệu tại báo cáo tài chính quý I/2022 của các ngân hàng thương mại vừa qua cho thấy, nợ xấu đặc biệt là nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) và nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) ở một số ngân hàng có dấu hiệu gia tăng.

Tại ngân hàng TMCP Việt Nam thịnh thượng (VPBank), tính đến cuối tháng 3/2022, số dư nợ xấu của riêng ngân hàng mẹ tăng 20% lên gần 6.746 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,01% lên 2,27%. Tính chung hợp nhất, nợ xấu của nhà băng này tăng 11% lên hơn 18.000 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu lên 4,83% từ mức 4,57% hồi đầu năm. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng 30% và riêng nợ xấu của công ty con FE Credit chiếm khoảng 63% tổng nợ xấu.

Những con số này đã đưa VPBank trở thành ngân hàng có nhiều nợ xấu nhất tính đến cuối quý I/2022.

Còn tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), khoản mục cho vay khách hàng đến cuối quý I/2022 chỉ tăng 0,9%, nhưng nợ xấu tăng thêm tới 22,4% lên 398 tỷ đồng. Trong đó, nhóm nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng mạnh nhất với mức tăng 217% lên 130,5 tỷ đồng, kết quả là tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 1,99% hồi đầu năm lên 2,41% vào cuối quý I/2022.

Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng ghi nhận nợ xấu tăng 36,8% từ 6.121 tỷ đồng lên 8.372 tỷ đồng trong kỳ. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 49% lên 1.495 tỷ đồng, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 43% lên 1.693 tỷ đồng, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 16% lên 5.220 tỷ đồng. Tuy vậy, tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối quý I/2022 chỉ là 0,81% - thuộc nhóm thấp nhất thị trường, nhờ đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro.

Ngân hàng chủ động phương án trích lập dự phòng

Về bản chất, nợ xấu mới hình thành tại các nhà băng có thể không tăng nhiều, nhưng nợ xấu trên sổ sách tăng cao do ghi nhận nợ xấu từ khoản cho vay tái cơ cấu theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN. Chính vì thế, các ngân hàng đã chủ động lên phương án trích lập dự phòng, bao phủ nợ xấu thấp.

Chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông mới đây, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, đến cuối quý I/2022, VietinBank có số dư nợ xấu nội bảng (nợ nhóm 3-5) đạt hơn 15.300 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay là 1,25%. Do đó, trong năm nay, Vietinbank lên kế hoạch trích lập dự phòng hơn 15.000 tỷ đồng để tăng mức độ bao phủ nợ xấu.

Theo ông Minh, đây là mức trích lập tương đối cao so với mặt bằng chung thị trường (tỷ lệ trích lập dự phòng trên số dư nợ xấu của VietinBank hiện tại đã ở mức 197%). Tuy nhiên, Ban lãnh đạo VietinBank vẫn muốn gia tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu để hạn chế rủi ro.

Bên cạnh Vietinbank, BIDV cũng là ngân hàng chủ động trích lập dự phòng để tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên 235% - mức cao nhất từ trước đến nay. Tương tự, Agribank đã tăng cường trích lập dự phòng, nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu từ 120% lên 140%.

Vietcombank cũng mạnh tay chi trích lập dự phòng 31.192 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Vietcombank cho biết đã trích lập đủ 100% dự phòng cụ thể của dư nợ cơ cấu theo Thông tư 03, sớm trước 2 năm so với thời hạn quy định của NHNN. Do đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất hệ thống ngân hàng.

Tại nhóm các ngân hàng tư nhân, VPBank đứng đầu về mức trích lập dự phòng rủi ro với 11.511 tỷ đồng, tăng 16,4%. Theo sau là MB Bank với 10.328 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro trong quý I, tăng 17,9% so với cuối năm ngoái. Hiện tỷ lệ dư nợ tái cơ cấu của MB khoảng 1,68% tổng dư nợ. Tỷ lệ dự phòng cuối năm dự kiến nhỏ hơn 20% tổng dư nợ.

Đã đến thời điểm dừng chính sách tái cơ cấu nhóm nợ?

Chỉ còn 1 tháng nữa là hết thời hạn cơ cấu nợ theo theo quy định tại Thông tư 14/2021/TT-NNNN của Ngân hàng Nhà nước. Đến nay, Thông tư 14 đã trải qua hơn nửa năm thực thi, câu chuyện về việc có nên tiếp tục điều chỉnh thời gian tái cơ cấu theo hướng tiếp tục giãn, hoãn thêm để hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp và nền kinh tế tăng tốc hay không cũng đang được đặt ra.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này tại Diễn đàn Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023 diễn ra mới đây, ông Francois Painchaud - Đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam và Lào khuyến nghị, chính sách tài khóa nên đi đầu trong việc hỗ trợ, đặc biệt nếu rủi ro suy giảm tăng trưởng trở thành hiện thực. Việt Nam cần hiện đại hóa chính sách tiền tệ và cần chấm dứt quy định cho phép cơ cấu nợ.

Theo đại diện của IMF, củng cố sức bền của lĩnh vực ngân hàng là cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng trung hạn bền vững. Việc giữ nguyên nhóm nợ chưa trích lập dự phòng nên được gỡ bỏ dần dần vì sức hồi phục kinh tế đang ngày càng được củng cố. Quy định về giữ nguyên nhóm nợ không nên kéo dài sau tháng 6/2022 vì có thể trì hoãn việc nhận diện và đánh giá các tài sản có vấn đề, làm trầm trọng thêm tình trạng phân bổ tín dụng không đúng, làm gia tăng rủi ro.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, Việt Nam đang trong quá trình hồi phục kinh tế, doanh nghiệp vẫn cần được tiếp tục hỗ trợ về vốn tín dụng làm nguồn lực phục vụ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Theo đó, cần có sự khảo sát, xem xét cụ thể thực trạng quay trở lại hoạt động của doanh nghiệp, tính toán khả năng chống chịu của ngân hàng trước khi cân nhắc dừng chính sách hỗ trợ này.

Một số nội dung cơ bản của Thông tư 14

Thông tư 14 bổ sung thêm trường hợp khoản vay được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cụ thể là số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 1/8/2021 và quá hạn từ ngày 17/7/2021 đến trước ngày 7/9/2021. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hoặc kể từ ngày đến hạn của từng số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.