Thuế VAT 5% trong chăn nuôi có thể tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh

Chăn nuôi NÔNG NGHIỆP
18:14 - 02/04/2024
Ảnh minh họa: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN
Ảnh minh họa: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN
0:00 / 0:00
0:00
Thuế VAT 5% đang trở thành rào cản đối với hoạt động giết mổ tập trung công nghiệp, đây vốn là hoạt động giúp kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm nội địa.

Tại buổi giao ban khối chăn nuôi quý 2 diễn ra sáng ngày 2/4, bàn về vấn đề dịch bệnh, an toàn thực phẩm, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương cho rằng, việc áp dụng thuế VAT 5% khiến cho việc giết mổ tập trung công nghiệp khó cạnh tranh với giết mổ truyền thống. Trong khi đó, nếu không có giết mổ tập trung công nghiệp thì không kiểm soát được dịch bệnh, kiểm soát an toàn thực phẩm trong nước.

Hiện nay, theo quy định tại Điều 1 Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi năm 2016, các sản phẩm chăn nuôi như trứng gia cầm được làm sạch, đóng gói; thịt gia súc gia cầm sau giết mổ, làm mát, cấp đông... nếu do các doanh nghiệp, hợp tác xã mua bán, trao đổi với nhau sẽ được miễn thuế giá trị gia tăng 5%.

Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh bán mặt hàng này cho người dân, hộ kinh doanh cá thể thì phải mất thuế 5%.

“Điều này vô hình chung đưa toàn bộ chi phí giá trị gia tăng cho người tiêu dùng cuối cùng. Các doanh nghiệp giết mổ gia súc, gia cầm không bán cho nhau, cùng lắm là đưa vào siêu thị, trong khi đó về cơ bản sẽ bán cho chợ truyền thống, người tiêu dùng,” ông Dương nhận định.

Mặt khác, chi phí của doanh nghiệp giết mổ tập trung công nghiệp vốn đã cao hơn nhiều so với giết mổ thông thường, việc chịu thêm thuế VAT 5% dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh.

Cũng theo ông Dương, hiện nay luật cũng chưa áp dụng với hàng hóa nhập khẩu tương ứng. Do đó ông Dương kiến nghị cần loại bỏ thuế VAT 5% đối với các sản phẩm chăn nuôi ở dạng sơ chế, hoặc áp dụng đồng loạt bởi nếu chỉ giới hạn doanh nghiệp bán cho doanh nghiệp sẽ không có ý nghĩa. Đồng thời, Nhà nước cần kiểm soát nhập khẩu chính ngạch chặt chẽ hơn, tăng cường phòng vệ thương mại, xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường trong nước.

Bất cập nhập khẩu hàng hóa chăn nuôi từ hiệp định biên giới Việt - Lào

Liên quan đến vấn đề nhập khẩu, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, hiện nay, tại các cửa khẩu kiểm dịch, bên cạnh việc kiểm tra hồ sơ, các mặt hàng đông lạnh có nguy cơ cao sẽ được tiến hành lấy mẫu 100%, hàng hóa có nguy cơ thấp sẽ áp dụng 5 lô lấy 1 lô để kiểm tra. Sau khi có kết quả kiểm dịch, các lô hàng này đáp ứng yêu cầu mới được phép vận chuyển vào Việt Nam. Khi vào trong nước, các mặt hàng này tiếp tục được giám sát về mặt an toàn thực phẩm.

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long phát biểu tại buổi họp giao ban sáng ngày 2/4. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long phát biểu tại buổi họp giao ban sáng ngày 2/4. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, nếu như năm ngoái Việt Nam đã kiểm soát nhập lậu từ biên giới phía Bắc khá tốt thì việc nhập lậu gà, thịt loại thải, đặc biệt là gà đẻ loại thải hiện nay vẫn còn diễn ra. Ước tính mỗi tuần, nhập lậu chính thức có khoảng 60.000 con gà đẻ loại thải từ biên giới Việt – Lào, nhiều trong số đó có nguồn gốc từ Thái Lan.

Theo Cục trưởng Thú y Nguyễn Văn Long, chỉ trong vòng chưa đến một năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 4 công điện về nhập lậu, Bộ NN&PTNT ban hành tổng cộng gần 50 văn bản gửi các tỉnh, các bộ cũng về vấn đề này.

Năm 2023, Cục Thú y đã ban hành 145 văn bản gửi 58 quốc gia liên quan đến xuất khẩu sản phẩm động vật, gia cầm vào Việt Nam, yêu cầu kiểm soát toàn diện các mặt hàng nhạy cảm, phức tạp. Trong 3 tháng đầu năm 2024, Cục tiếp tục ban hành 120 văn bản đến 50 quốc gia liên quan, trong đó có quốc gia được phép xuất khẩu vào Việt Nam, có quốc gia đang trong quá trình đàm phán.

Đối với việc nhập khẩu chính ngạch, nếu như các mặt hàng di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác trong nước yêu cầu kiểm dịch thì theo Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam và Lào lại không yêu cầu điều này, thậm chí miễn tất cả giấy tờ khiến việc kiểm soát khó khăn. Các mặt hàng chăn nuôi có nguồn gốc từ Thái Lan, Campuchia, thậm chí từ Pakistan có thể qua Lào để vào Việt Nam.

Trước tình hình trên, ông Long cho biết, Cục Thú y đã tham mưu Thứ trưởng NN&PTNT, trình ký 2 văn bản. Đến hiện tại, Bộ Công Thương đã và đang sửa đổi hiệp định này để kiểm soát tốt việc nhập khẩu.

Đọc tiếp