Tiềm năng xuất khẩu thủy sản sang thị trường ngách UAE

UAE THỦY SẢN
18:51 - 07/08/2023
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
UAE là thị trường có nền kinh tế phát triển, có nhu cầu cao về hàng thủy sản. Cùng với đó, Việt Nam cũng đang thúc đẩy đàm phán FTA song phương với UAE, càng mở ra kỳ vọng cho hàng thủy sản Việt tại thị trường này. 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang UAE đạt 17,5 triệu USD, giảm 50,5% so với cùng kỳ năm 2022. Cá tra và tôm sú đều giảm trên 50%, tôm chân trắng giảm tới 73%...

Dù giảm sâu về kim ngạch xuất khẩu nhưng UAE vẫn được đánh giá là thị trường tiềm năng đối với hàng thủy sản của Việt Nam. Theo VASEP, UAE là nhà nhập khẩu ròng thủy hải sản và nhập khẩu tới 90% lượng thực phẩm tiêu thụ.

Mỗi năm thị trường này nhập khẩu khoảng 250.000 tấn thủy sản, trị giá 750 – 800 triệu USD. Gần 90% dân số UAE là người nhập cư và các sản phẩm cá và hải sản là một phần không thể thiếu trong các bữa ăn truyền thống ở các quốc gia xuất xứ của những người di cư này.

Dân số ngày càng tăng, thu nhập cao, tốc độ đô thị hóa nhanh, thu nhập khả dụng tăng và giới trẻ ưa chuộng protein thủy hải sản cùng với các chuyến du lịch dự báo sẽ thúc đẩy tiêu thụ thủy hải sản.

Triển vọng kinh tế của UAE vẫn tích cực với dự báo GDP tăng trưởng 3,6% vào năm 2023. Do đó, UAE được kỳ vọng là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường lớn như EU, Mỹ và Trung Quốc gặp khó khăn.

Mặt khác, các sản phẩm cá tra, cá ngừ và cá biển khác nhập khẩu vào UAE đang bị áp mức thuế 5%. VASEP kỳ vọng thị trường này sẽ rộng mở hơn cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam nếu thuế nhập khẩu thủy sản vào UAE được hai nước thỏa thuận về 0% (sau khi FTA Việt Nam – UAE được ký kết).

VASEP cũng lưu ý, bên cạnh vấn đề thuế quan thì khó khăn nhất của doanh nghiệp xuất khẩu vào UAE là các yêu cầu của nhà nhập khẩu liên quan đến chứng nhận Halal. Sản phẩm được cấp giấy chứng nhận Halal là sản phẩm không có bất cứ nguyên liệu nào luật Hồi giáo (LHG) cấm; sản phẩm không được tiếp xúc với bất cứ phương tiện, thiết bị nào từ vật liệu LHG không cho phép, trong suốt các khâu sản xuất; và trong suốt quá trình đó sản phẩm không được tiếp xúc với bất cứ thực phẩm bổ dưỡng nào từ nguyên liệu LHG không chấp nhận.

Hiện nay, Việt Nam là một trong 4 nhà cung cấp hàng đầu thủy sản cho UAE (sau Ấn Độ, Thái Lan và Nauy) với mặt hàng chính là cá tra phile đông lạnh.

Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 22.000 – 24.000 tấn thủy sản sang UAE, với giá trị dao động từ 50-70 triệu USD. Riêng với sản phẩm cá phile đông lạnh mã HS0304, Việt Nam đứng đầu khi chiếm 40-50% thị phần tại UAE.

Đối với mặt hàng tôm, Việt Nam là nguồn cung lớn thứ 5 cho thị trường này, chiếm 5-7%. Tại UAE, tôm Việt phải đối mặt với sự cạnh tranh từ Ấn Độ và Ecuador. Ấn Độ hiện chiếm gần 60-70% thị phần tại UAE, trong khi Ecuador chiếm 15% thị phần dù mới thâm nhập thị trường vài năm.

Tin liên quan

Đọc tiếp