Tiếp tục hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, triển khai các gói tín dụng kích cầu tiêu dùng

LÃI SUẤT DOANH NGHIỆP
07:57 - 07/07/2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc với Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc với Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn lắng nghe, chia sẻ, nỗ lực để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, như thực hiện các chính sách gia hạn nộp thuế, miễn giảm thuế, phí...

Chiều tối 6/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Việt Nam về tình hình hoạt động của Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp SME và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

SME hiện có trên 65.000 hội viên, có hệ thống tổ chức với 28 đơn vị trực thuộc. Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp SME đóng góp quan trọng vào phát triển nền kinh tế, tạo công ăn, việc làm, đóng góp vào ngân sách; đồng thời tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội…

Tuy nhiên theo Hiệp hội, hiện nay, đơn hàng sụt giảm, đầu ra khó khăn, chi phí nguyên, nhiên, vật liệu vẫn cao, điện vừa tăng giá, khó tiếp cận vốn… tạo rất nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực sản xuất.

Trên cơ sở đó, Hiệp hội kiến nghị, nhu cầu vay vốn đang nóng lên từng ngày và là vấn đề cấp thiết, rất cần được giải quyết ngay để đáp ứng các hoạt động sản xuất, kinh doanh như mua thiết bị máy móc, bổ sung vốn lưu động và các lĩnh vực đầu tư khác của doanh nghiệp. Đại diện SME cũng kiến nghị thành lập ngay ở Trung ương Tổ công tác đặc biệt để thúc đẩy quá trình thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Nguyễn Văn Thân báo cáo tình hình hoạt động của các doanh nghiệp. Ảnh: VGP
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Nguyễn Văn Thân báo cáo tình hình hoạt động của các doanh nghiệp. Ảnh: VGP

Cần chung tay, đoàn kết để tháo gỡ khó khăn

Sau khi lắng nghe ý kiến của Hiệp hội SME, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ luôn lắng nghe, chia sẻ, nỗ lực để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, như thực hiện các chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn giảm thuế, phí, lệ phí; với tổng quy mô khoảng 200.000 tỷ đồng theo các Nghị định số 12, 36, 41 của Chính phủ, giảm 2% thuế GTGT theo Nghị quyết của Quốc hội…

Chính phủ cũng đã tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản theo các Nghị định số 08, số 10 và Nghị quyết 33 của Chính phủ; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển bền vững (Nghị quyết 58 của Chính phủ).

Đặc biệt, Chính phủ đã thành lập 26 tổ công tác do các thành viên Chính phủ làm việc trực tiếp với tất cả các địa phương, đã xử lý 300/1.000 nghìn kiến nghị và đang tiếp tục xem xét, xử lý đối với trên 700 kiến nghị còn lại.

Thủ tướng nêu rõ, những giải pháp trên có thể chưa đáp ứng được hết các yêu cầu của sự phát triển và thời gian tới cần phải cần cố gắng hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, nỗ lực hơn nữa.

Liên quan đến những khó khăn trong tiếp cận vốn, lãi suất còn cao, Thủ tướng nêu rõ, ngành ngân hàng đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng dư nợ tín dụng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng; nhưng cần tiếp tục triển khai các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại cuộc làm việc.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại cuộc làm việc.

Trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát và giảm dần, kinh tế vĩ mô ổn định, với định hướng chính sách ưu tiên hơn cho mục tiêu tăng trưởng; Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng tiếp tục triển khai các nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Triển khai chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn thông qua tăng cung tiền, bảo đảm nhu cầu tín dụng, tăng trưởng tín dụng phù hợp; giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất kinh doanh.

Liên quan các gói tín dụng ưu đãi, Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng thúc đẩy gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nhà ở xã hội, 10.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp gỗ và lâm sản.

Thủ tướng giao NHNN nghiên cứu, triển khai các gói tín dụng để kích cầu tiêu dùng. Đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát các quy định để giao các dự án đầu tư hạ tầng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ theo quy định của pháp luật.

Về thủ tục, Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Nội vụ tiếp tục rà soát để tiếp tục cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, tiếp tục hoàn thiện thể chế để cán bộ yên tâm làm.

Về vướng mắc pháp lý, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ ngành tiếp tục rà soát, nội dung nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì báo cáo, đề xuất Quốc hội, những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ làm, các nội dung thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành thì các bộ, ngành làm.

“Đây là lúc cần chung tay, đoàn kết để tháo gỡ khó khăn. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải chia sẻ, thường xuyên lắng nghe, đối thoại với doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng phải đoàn kết, cố gắng hơn nữa, tiết kiệm chi phí, đổi mới quản trị doanh nghiệp, mở rộng thị trường, đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng đến sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn...”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh: Free Malaysia Today

PMI ASEAN tháng 4/2024 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 4/2024 cho thấy, các điều kiện sản xuất tại ASEAN tiếp tục cải thiện nhẹ với số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong khu vực này đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.