Tìm đường mở rộng thị trường cứu trái thanh long

Thanh long Việt nAM
18:33 - 06/01/2022
Cần áp dụng các quy trình sản xuất như VietGAP, GlobalGAP, nâng cao chất lượng để thanh long Việt xuất khẩu sang nhiều thị trường hơn nữa.
Cần áp dụng các quy trình sản xuất như VietGAP, GlobalGAP, nâng cao chất lượng để thanh long Việt xuất khẩu sang nhiều thị trường hơn nữa.
0:00 / 0:00
0:00
Cả nước có 300.000 tấn thanh long chưa thể tiêu thụ và tiếp tục gia tăng trong quý I/2022, trong khi giá thu mua tại vườn của bà con Long An đã xuống đến 500 đồng/kg, đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tìm đường tiêu thụ cho loại nông sản này.

Bài toán khó của trái thanh long Việt Nam

Các cửa khẩu, đường mòn lối mở của các tỉnh phía Bắc đang buộc phải đóng cửa bởi chính sách "Zero Covid" từ Trung Quốc. Hiện hàng nghìn xe nông sản, đặc biệt là sản phẩm rau quả vẫn ùn ứ ở các cửa khẩu biên giới phía bắc, cùng hàng nghìn lượt xe khác đang phải quay đầu về tìm cách tiêu thụ nội địa.

Ngay trong ngày 5/01, các địa phương có cửa khẩu lớn như Quảng Ninh, Lạng Sơn đều có công văn khẩn thông báo việc tạm dừng hoạt động xuất nhập cảnh và xuất nhập khẩu, khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp tạm dừng đưa hàng hóa lên cửa khẩu. Trong khi đó, một lượng hàng hóa nông sản rau quả chuẩn bị cho thị trường tết và phục vụ xuất khẩu đang vào mùa vụ thu hoạch.

Việc Trung Quốc dừng nhập khẩu đã khiến 300.000 tấn thanh long Việt Nam rơi vào cảnh “nước sôi lửa bỏng” không tìm được đầu ra tiêu thụ, trong khi dịp Tết Nguyên đán đang cận kề.

Bài toán của trái thanh long dường như ngày càng thêm khó khăn khi ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận chia sẻ tại Diễn đàn Kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long, sáng 06/01 cho biết, giai đoạn 3 tháng đầu năm luôn là lúc tỉnh tập trung nhân lực, nguồn lực để sản xuất, tiêu thụ, vận chuyển, chế biến thanh long. Dự kiến, trong Quý I/2022, tỉnh có hơn 100.000 tấn thanh long cần tiêu thụ.

Trên địa bàn Bình Thuận, các thương lái đang thu mua chậm thậm chí một số nơi ngừng thu mua thanh long. Sau khi việc thông quan ở các cửa khẩu phía Bắc bị đình trệ, giá thanh long giảm khá sâu, có nơi còn 2.000 - 4.000 đ/kg thậm chí còn thấp hơn nữa ở một số địa phương của Long An.

Cũng tại diễn đàn, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho hay, sản lượng thanh long của Việt Nam khoảng gần 1,4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, sản lượng này lại không phân bố đều: Quý I khoảng 300.000 tấn, quý II khoảng 150.000 tấn, quý III khoảng 400.000 tấn, và quý IV khoảng 500.000 tấn. Như vậy, Quý IV và I tập trung khoảng 60% sản lượng.

Thanh long được trồng chủ yếu ở 3 tỉnh Bình Thuận (khoảng 34.000 ha), Long An (khoảng 12.000 ha) và Tiền Giang (khoảng 10.000 ha). Sản lượng của 3 tỉnh này chiếm hơn 80% tổng sản lượng thanh long cả nước.

“Cần quản lý chặt chẽ vùng trồng, nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm theo đúng yêu cầu của các nước xuất khẩu” là khuyến nghị giải quyết khó khăn trong tiêu thụ thanh long được ông Tùng đưa ra.

Làm rõ hơn về giải pháp quản lý mã số vùng trồng, ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT đề cập đến vấn đề thị trường nhập khẩu cần đáp ứng các yêu cầu cơ bản về kiểm dịch thực vật.

Thanh long hiện đang có tổng số mã số vùng trồng đạt 640, diện tích đạt hơn 40.000 ha (61,9% diện tích trồng cả nước), chủ yếu xuất sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand. Thị trường Trung Quốc có 247 mã số, chiếm 39,2 % tổng mã số được cấp, thị trường Hoa Kỳ có 147 mã số, chiếm 23,3%.

Về việc quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu, các thị trường khó tính đều có chuyên gia tại Việt Nam nên mọi vi phạm đều được xử lý triệt để, kịp thời. Tuy nhiên, việc xuất hàng phục vụ thị trường Trung Quốc có rất nhiều vi phạm, chủ yếu về dịch hại và kiểm dịch thực vật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, và hồ sơ kèm theo lô hàng bị Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đã nhiều lần cảnh báo.

Đại diện Cục Bảo vệ thực vật khẳng định thời gian tới sẽ tích cực làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để cùng thảo luận các biện pháp phối hợp trao đổi thông tin mở cửa thị trường, quản lý mã số vùng trồng và nhà đóng gói, xây dựng cơ sở dữ liệu và tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN).

Mở rộng thị trường là phương án cấp thiết

Nhật Bản đang là một trong những thị trường tiêu lớn nhập khẩu thanh long Việt Nam. Ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết nước này đang có nhu cầu nhập khẩu cao những sản phẩm nông sản chế biến của Việt Nam.

Ảnh tác giả

“Từ năm 2009, Nhật Bản đã cho phép nhập khẩu sản phẩm thanh long ruột trắng của Việt Nam. Năm 2017, quả thanh long ruột đỏ đã được cấp phép xuất khẩu sang Nhật Bản. Việt Nam nên tăng cường xuất khẩu những sản phẩm chế biến sâu sang thị trường Nhật Bản bởi Nhật Bản có hệ thống phân phối tại thị trường nội địa phức tạp, trong khi những sản phẩm nông sản của Việt Nam có thời gian bảo quản ngắn”.

Ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản

Để đẩy mạnh việc xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Nhật Bản, Tham tán Minh mong muốn được phối hợp với các cơ quan của Bộ NN&PTNT để quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm trái cây của Việt Nam trên các sàn giao dịch thương mại điện tử Nhật Bản trong thời gian tới.

Tiếp nhận những thông tin ông Tạ Đức Minh chia sẻ, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận định, nhu cầu về trái cây Việt Nam của thị trường Nhật Bản lớn nhưng cũng có những yêu cầu cao về quy chuẩn, tiêu chuẩn. Các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây của Việt Nam cần tìm hiểu kĩ lưỡng những thông tin mà thị trường Nhật Bản đưa ra.

Thứ trưởng cũng tán thành việc phối hợp giữa Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản với các đơn vị của Bộ NN&PTNT Việt Nam. Theo đó, Thứ trưởng đề nghị Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản tiếp tục kết nối quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm OCOP của Việt Nam tại Nhật Bản.

Một thị trường khác được đánh giá rất tiềm năng đối với nông sản Việt Nam, trong đó có mặt hàng thanh long, là Ấn Độ. Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, nước này là thị trường 1,4 tỷ dân với tỷ lệ người ăn chay và thói quen sử dụng hoa quả rất nhiều, do đó nhu cầu hàng năm về mặt hàng này rất lớn. Nhập khẩu hoa quả tươi của Ấn Độ giai đoạn 2020 – 2021 khoảng 3.159 tỷ USD.

Ảnh tác giả

“Nhu cầu về thanh long của Ấn Độ rất lớn, hàng năm nước này nhập khẩu 95% thanh long từ Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Trung Quốc. Thời gian gần đây do căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc nên các doanh nghiệp Ấn Độ đã giảm nhập thanh long từ nước này, đây chính là cơ hội cho Việt Nam”.

Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ

Trên cơ sở đó, ông Thướng đưa ra khuyến nghị đối với Hiệp hội, cơ quan xúc tiến thương mại, cần phối hợp với các thương vụ, cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường Quốc tế.

Một thông tin đáng chú ý khác được ông Như Nguyễn, Giám đốc Công ty VIEC - Đại diện thương mại Xuất nhập khẩu Hà Lan và Việt Nam cho biết, thanh long đang dần trở thành “siêu thực phẩm” ở châu Âu, đặc biệt tại Hà Lan.

Theo ông Nguyễn, mua thanh long ở Hà Lan không dễ, nhất là với người bản địa tại châu Âu. Giá thanh long ở siêu thị vào khoảng 260.000 đồng với quả 400g. Sở dĩ giá thanh long cao như vậy, là bởi chi phí vận chuyển, logistics từ các vùng trồng.

“Hà Lan được xem là cửa ngõ trung chuyển hàng hóa nông sản vào châu Âu. Ngoài Việt Nam, Hà Lan còn nhập khẩu thanh long từ Trung Quốc, Nam Phi, Ecuador và một số thị trường khác. Để đưa được thanh long vào Hà Lan, sản phẩm phải đạt chứng nhận GlobalGAP và khoảng 150 tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, màu đỏ của trái phải chiếm hơn 70%, cuống phải cắt hoàn toàn, và tai không dài quá 1,5cm”.

Ông Như Nguyễn, Giám đốc Công ty VIEC - Đại diện thương mại Xuất nhập khẩu Hà Lan và Việt Nam

Từ đó, ông Nguyễn đưa ra các khuyến nghị, cần quảng bá, xúc tiến thương mại hình ảnh thanh long hơn nữa, bởi nhiều người châu Âu chưa biết mua tại đâu. Nhằm nâng cao sức tiêu thụ thanh long, đại diện VIEC gợi ý một số cách chế biến thanh long như sấy khô, chế biến thành tinh bột, hoặc cấp đông hoàn toàn.

Đánh giá về mở rộng thị trường xuất khẩu tìm đầu ra cho trái thanh long, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT nhận định, trong bối cảnh các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP đã ký kết thực thi; các quốc gia nhập khẩu đưa ra các quy định ngày càng chặt chẽ; rủi ro thiên tai và dịch bệnh động thực vật và dịch COVID-19 đang đặt ra yêu cầu, thách thức lớn đối với hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản nói chung, thanh long nói riêng.

Do vậy, ông Hòa khuyến nghị các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các yêu cầu của thị trường; thay đổi cách tiếp cận về an toàn thực phẩm từ việc kiểm tra an toàn sản phẩm cuối cùng sang giám sát tại mọi công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất; thiết lập cơ chế hợp tác giữa Cơ quan quản lý - doanh nghiệp - người sản xuất nhằm đảm bảo toàn bộ chuỗi cung và sản phẩm đạt chất lượng an toàn thực phẩm.

“Đặc biệt là áp dụng các quy trình sản xuất như VietGAP, GlobalGAP hài hòa với các tiêu chuẩn chứng nhận theo yêu cầu của thị trường, đầu tư sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, sản phẩm đặc sản, chỉ dẫn địa lý, sản phẩm hữu cơ”, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.