Tòa án Quốc tế lệnh cho Israel ngăn chặn nạn diệt chủng ở Gaza

giao tranh Israel - Hamas
20:12 - 27/01/2024
Chủ tọa Joan Donoghue trong phiên tòa của ICJ tại The Hague, Hà Lan ngày 26/1/2024. Ảnh: AP
Chủ tọa Joan Donoghue trong phiên tòa của ICJ tại The Hague, Hà Lan ngày 26/1/2024. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) của Liên Hợp Quốc ngày 26/1 đã đưa ra phán quyết không có lợi cho Israel trong vụ kiện của Nam Phi liên quan tới cáo buộc nước này vi phạm Công ước Diệt chủng năm 1948.

Theo hãng tin AP, ICJ phán quyết rằng Israel cần phải làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn việc diệt chủng, bao gồm việc hạn chế làm hại hoặc giết hại người dân Palestine. Đồng thời, tổ chức này cũng đưa ra phán quyết rằng Israel phải khẩn cấp nhận viện trợ cơ bản cho Gaza cũng như tiến hành trừng phạt bất kỳ hành vi kích động diệt chủng nào.

Chủ tịch tòa án ICJ Joan E. Donoghue cho biết: “Tòa án nhận thức sâu sắc về mức độ thảm kịch lên con người đang diễn ra trong khu vực và quan ngại sâu sắc về tình trạng mất mát nhân mạng và đau khổ liên tục của con người”.

Có tổng cộng 6 mệnh lệnh được đa số thẩm phán chấp thuận đã được đưa ra, tuy nhiên quyết định ngày 26/1 chỉ là một phán quyết tạm thời. ICJ có thể sẽ mất nhiều năm để xem xét tất cả các khía cạnh của cáo buộc diệt chủng đưa ra bởi Nam Phi. Trước mắt, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã lên lịch một cuộc họp vào 31/1 tới để theo dõi phán quyết, đồng thời yêu cầu Israel nộp báo cáo về các bước nước này dự định sẽ thực hiện trong vòng một tháng tới.

Ngoài các phán quyết liên quan tới cáo buộc diệt chủng, ICJ cũng kêu gọi Hamas thả các con tin vẫn đang bị giam giữ tại Gaza.

Nhận định về phán quyết của ICJ, AP dẫn lời Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cùng ngày cho biết việc tòa án sẵn sàng thảo luận về cáo buộc diệt chủng chính là một “dấu vết cho sự nhục nhã sẽ không thể xóa bỏ trong nhiều thế hệ”.

Ngoài ra, ông cũng khẳng định Israel sẽ tiếp tục cho tới khi tiêu diệt hoàn toàn lực lượng Hamas tại Gaza và giải cứu các con tin. Ông Netanyahu nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm những gì cần thiết để bảo vệ đất nước và người dân của chúng tôi”.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz cũng thể hiện thái độ đồng tình với ông Netanyahu khi khẳng định: “Những kẻ thực sự cần phải hầu tòa là những kẻ đã sát hại và bắt cóc trẻ em, phụ nữ và người già”. Ông ám chỉ tới vụ tấn công của Hamas ngày 7/10 đã khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và 250 người khác bị bắt cóc.

Về phía Hamas, lực lượng này kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực buộc Israel phải thực hiện mệnh lệnh của tòa án ICJ. Bộ Ngoại giao của chính phủ tự trị Palestine được quốc tế hậu thuẫn ở Bờ Tây cho biết phán quyết này “sẽ đóng vai trò như một lời cảnh tỉnh đối với Israel và các tác nhân đã tạo điều kiện cho nước này được miễn trừng phạt”.

Chính phủ Nam Phi cho biết phán quyết của ICJ xác định rằng “các hành động của Israel ở Gaza có tính chất diệt chủng chính đáng”. Chính phủ nước này khẳng định: “Không có cơ sở đáng tin cậy nào để Israel tiếp tục tuyên bố rằng các hành động quân sự của họ tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế”.

Về phía Mỹ, chính phủ quốc gia này lặp lại quan điểm trước đó rằng Israel cần “thực hiện mọi bước có thể” để giảm thiểu thiệt hại cho dân thường và tăng cường viện trợ nhân đạo. Trong một tuyên bố ngày 26/1, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định: “Chúng tôi tiếp tục tin rằng các cáo buộc diệt chủng là vô căn cứ”.

Cuối ngày 26/1, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh rằng các phán quyết của ICJ có tính ràng buộc về mặt pháp lý và “tin tưởng” rằng Israel sẽ tuân thủ các mệnh lệnh được đưa ra.

Kể từ khi giao tranh bắt đầu ngày 7/10/2023, các cuộc tấn công của quân đội Israel đã khiến hơn 26.000 người Palestine thiệt mạng, tàn phá nhiều cơ sở hạ tầng trên khắp dải đất trong khi khiến gần 85% trong số 2,3 triệu người dân ở đây phải rời bỏ nhà cửa.

Tin liên quan

Đọc tiếp