Israel tham gia phiên điều trần liên quan tới cáo buộc diệt chủng tại Gaza

pháp lý ISRAEL
09:08 - 11/01/2024
Một cuộc không kích của Israel vào Gaza ngày 16/12/2023. Ảnh: AP
Một cuộc không kích của Israel vào Gaza ngày 16/12/2023. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) sẽ tổ chức các phiên điều trần ngày 11 và 12/1 về một vụ kiện đưa ra bởi Nam Phi hồi tháng 12/2023 cáo buộc Israel vi phạm Công ước Diệt chủng năm 1948.

Theo hãng tin Reuters, các phiên điều trần sẽ chỉ giải quyết yêu cầu của Nam Phi về các biện pháp khẩn cấp ra lệnh cho Israel đình chỉ các hoạt động quân sự ở Gaza. Trong khi đó, tòa án xét xử nội dung vụ việc liên quan tới cáo buộc diệt chủng - một quá trình có thể tốn nhiều năm.

Trong hồ sơ đệ trình lên tòa án, Nam Phi cho biết vụ kiện này nhằm “xác định trách nhiệm của Israel đối với việc vi phạm Công ước Diệt chủng, buộc quốc gia này phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước luật pháp quốc tế về những hành vi vi phạm đó”. Đồng thời, vụ kiện cũng hướng tới mục tiêu “đảm bảo sự bảo vệ khẩn cấp và đầy đủ nhất có thể cho những người Palestine ở Gaza, những người vẫn đang gặp nguy cơ trở thành nạn nhân của hành động diệt chủng”.

Một nhóm luật sư đại diện cho Nam Phi sẽ có 3 giờ tranh luận tại Đại lễ đường Công lý tại Tòa án Công lý Quốc tế vào ngày 11/1, trong khi nhóm pháp lý của Israel sẽ có 3 giờ vào sáng ngày 12/1 để bác bỏ các cáo buộc.

Sau khi vụ kiện được đệ trình, Bộ Ngoại giao Chính quyền Palestine đã đưa ra tuyên bố kêu gọi tòa án “ngay lập tức hành động để bảo vệ người dân Palestine và kêu gọi Israel, thế lực chiếm đóng, ngừng tấn công dữ dội vào người dân Palestine, để đảm bảo một giải pháp pháp lý khách quan”. Tới ngày 10/1, các quốc gia bao gồm Colombia và Brazil đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Nam Phi.

Tuy nhiên, động thái của Nam Phi vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Israel. Trước đó, một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Israel đã sử dụng các ngôn từ gay gắt khi gọi vụ kiện của Nam Phi là “sự lợi dụng hèn hạ và khinh thường” đối với tòa án.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trước phiên điều trần của ICJ khẳng định: "Israel đang chiến đấu với những kẻ khủng bố Hamas, không phải người dân Palestine và chúng tôi đang hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế khi làm như vậy".

Người phát ngôn của chính phủ Israel Eylon Levy ngày 10/1 cũng cho biết: "Israel sẽ đứng trước trước Tòa án Công lý Quốc tế để xóa bỏ hành vi phỉ báng bằng máu vô lý của Nam Phi trong bối cảnh Pretoria cố gắng đưa ra một vỏ bọc chính trị và pháp lý cho chế độ Hamas”.

Kể từ ngày 7/10 khi Israel phát động tấn công Gaza nhằm đáp trả cuộc tấn công của lực lượng vũ trang Hamas khiến 1.200 người thiệt mạng và 240 người bị bắt cóc, hơn 23.000 người Palestine đã thiệt mạng. Các chiến dịch tấn công của Israel cũng khiến gần như toàn bộ 2,3 triệu người dân tại Gaza phải rời bỏ nhà cửa cũng như gây ra tình trạng khẩn cấp về nhân đạo.

Trong khi các chính phủ và tổ chức quốc tế gây áp lực lên Israel về một lệnh ngừng bắn, giao tranh trên bộ tại Gaza vẫn đang dữ dội. Chuẩn đô đốc Daniel Hagari của Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết trong một cuộc họp ngắn trên truyền hình vào cuối ngày 10/1 rằng quân đội nước này đang tập trung hoạt động vào Khan Younis và các trại tị nạn ở trung tâm dải đất.

Tuy nhiên, Israel trong tuần này cho biết quốc gia này đang lên kế hoạch bắt đầu rút quân, ít nhất là từ phía bắc Gaza, sau nhiều tuần chịu áp lực của Mỹ nhằm giảm quy mô tấn công và chuyển sang các chiến dịch có mục tiêu hơn.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.