Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tạo bước chuyển biến mới có tính đột phá cho ĐBSCL

CHÍNH SÁCH ĐBSCL
14:11 - 22/04/2022
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận tại Hội nghị. Ảnh: VGP
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận tại Hội nghị. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Chính phủ tập trung ưu tiên sớm hoàn thiện Quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm tích hợp, đa ngành

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sáng ngày 22/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW là để quán triệt sâu sắc hơn và tổ chức triển khai thực hiện tốt hơn chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển vùng.

Trong 20 năm qua, Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết chuyên đề và 6 Kết luận về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của 6 vùng kinh tế-xã hội, trong đó có Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX; Kết luận số 28 của Bộ Chính trị khoá XI về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2010 và 2020.

Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới lần này là để tạo bước đột phá mới trong việc phát huy vai trò, vị trí quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế của vùng trong giai đoạn mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, vùng ĐBSCL là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; cần được phát huy cao hơn và khai thác có hiệu quả hơn trên cơ sở xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này. Tiếp tục phát huy những thành tựu to lớn đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và vượt qua khó khăn, thách thức mới đang đặt ra.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh yêu cầu tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo tinh thần: "Cả nước vì Đồng bằng sông Cửu Long- Đồng bằng sông Cửu Long vươn lên cùng cả nước, vì cả nước".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh yêu cầu tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo tinh thần: "Cả nước vì Đồng bằng sông Cửu Long- Đồng bằng sông Cửu Long vươn lên cùng cả nước, vì cả nước".

"Việc nghiên cứu, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết lần này sẽ góp phần để ĐBSCL ‘đứng dậy’ làm chủ và ‘vươn lên’ mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới cùng cả nước", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Nếu như Nghị quyết số 21-NQ/TW chỉ nêu rất ngắn gọn (15 dòng) về phương hướng chung thì Nghị quyết lần này đã đề ra 6 quan điểm chỉ đạo quan trọng và mới mẻ. Trong đó tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng ĐBSCL về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết cũng đề ra đầy đủ, đồng bộ các giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, bao gồm các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; về phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; về phát triển văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Để thực hiện có kết quả Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này về vùng ĐBSCL, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh các yêu cầu cần thực hiện:

Nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung; nắm vững quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm; thống nhất cao về ý chí, quyết tâm của cả nước, toàn vùng, từng địa phương. Xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, chứ không chỉ là nhiệm vụ riêng của vùng và các địa phương trong vùng.

Khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước; tính chủ động, sáng tạo; ý thức tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong vùng.

Chính phủ và các cơ quan ở Trung ương cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong Vùng khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên, có tính đặc thù cho phát triển Vùng.

Xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm tích hợp, đa ngành

Tăng cường, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng bộ máy tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp uỷ, tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu ngay sau Hội nghị, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị của các địa phương trong Vùng cần khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh.

Chính phủ cần tập trung ưu tiên sớm hoàn thiện và ban hành Quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo cơ sở để các địa phương trong Vùng xây dựng quy hoạch phát triển của địa phương mình.

Tổng Bí thư mong đợi và tin tưởng rằng Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này sẽ tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL theo tinh thần: "Cả nước vì Đồng bằng sông Cửu Long - Đồng bằng sông Cửu Long vươn lên cùng cả nước và vì cả nước".

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.