Tổng cục Thống kê: Để đạt mục tiêu tăng trưởng, kinh tế cần phải tăng khoảng 7,5%

KINH TẾ Việt nAM
17:08 - 29/03/2023
Ảnh: Quách Sơn
Ảnh: Quách Sơn
0:00 / 0:00
0:00
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống Kê Nguyễn Thị Hương, kinh tế quý 2/2023 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể bứt phá dù sẽ cải thiện hơn quý 1/2023. Để đạt mục tiêu tăng trưởng, 9 tháng còn lại, kinh tế Việt Nam cần phải tăng khoảng 7,5%.

Tăng trưởng kinh tế quý 2/2023 chưa thể bứt phá

Thông tin tại họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội quý 1/2023 ngày 29/3, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý 1/2020 trong giai đoạn 2011-2023.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, với kịch bản tăng trưởng đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ, để đạt mục tiêu cả năm tăng trưởng 6,5% thì quý 1 và quý 2 cần phải đạt được mức tăng lần lượt là 5,6% và 6,7%.

Tuy vậy, tăng trưởng kinh tế cả nước quý 1/2023 chỉ ước đạt 3,32%, không đạt mức tăng đề ra, chủ yếu do các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo giảm; xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo như linh kiện điện tử, dệt may, da giày… sụt giảm, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022.

Để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, trong 9 tháng còn lại của năm 2023, kinh tế cả nước cần phải tăng khoảng 7,5%. Đây là mức tăng khá cao, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức cũng những biến động từ kinh tế thế giới còn tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam.

Lý giải rõ hơn về xu hướng tăng trưởng kinh tế, bà Nguyễn Thị Hương cho biết, Việt Nam thường tăng thấp trong quý 1, gia tăng dần ở quý 2 sau đó bứt phá ở nửa cuối năm.

Tuy nhiên, dự báo bước sang quý 2/2023, kinh tế - xã hội cả nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen trước những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới; các biến động về kinh tế, chính trị, dịch bệnh, thiên tai khó dự báo.

Kinh tế quý 2/2023 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể tăng trưởng bứt phá nhưng sẽ cải thiện hơn so với quý 1 và để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% của năm 2023 là thách thức lớn.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Đồng bộ giải pháp mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% mới khả thi

Từ nhận định trên, chia sẻ về những giải pháp nào nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý 2 và các quý tiếp theo trong năm 2023, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương khẳng định, để ổn định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý 2 và các quý tiếp theo, các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế cần tích cực thực hiện các giải pháp quyết liệt và đồng bộ để thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua khó khăn thì mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% mới khả thi.

Cần tập trung theo dõi sát và cập nhật kịp thời diễn biến tình hình thế giới, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước có quy mô kinh tế lớn, là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm. Chính sách tiền tệ cần linh hoạt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay, vừa đảm bảo kiềm chế lạm phát, vừa đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng.

Đồng thời, có giải pháp hỗ trợ kịp thời một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như sản xuất da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ...

Ngành nông nghiệp đã thể hiện tốt vai trò là "trụ đỡ" của nền kinh tế trong thời kỳ dịch bệnh và ngay cả khi các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu gặp khó khăn. Thời gian tới, các sản phẩm nông sản được dự báo vẫn được giá, cần thực hiện tốt công tác phát triển, mở rộng không gian cho ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp phát huy và đạt được kết quả tích cực.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp kích cầu thương mại và dịch vụ, các chương trình xúc tiến, đẩy mạnh quảng bá thúc đẩy phát triển du lịch, các giải pháp để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu. Khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Điều chỉnh kịp thời chính sách nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài có chất lượng cao.

Các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và các gói hỗ trợ, phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế giúp tháo gỡ khó khăn tạo cơ hội cho các dự án thi công dở dang được khởi động lại, nhiều công trình được khởi công mới, từ đó tạo tăng trưởng tốt cho ngành xây dựng, giao thông vận tải gia tăng năng lực, cơ sở hạ tầng, thuận lợi cho sản xuất.

Về phía các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần bám sát thị trường, mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng mới, tăng cường kết nối chuỗi sản xuất - tiêu thụ. Cân đối lượng tồn kho và tiêu thụ để bảo đảm dòng tiền cũng như chất lượng sản phẩm, bố trí sản xuất linh hoạt để duy trì hoạt động sản xuất tối ưu, Tổng cục trưởng nhấn mạnh.

Mục tiêu lạm phát dưới 4,5% có thể thực hiện được

Một chỉ số vĩ mô đáng chú ý khác được công bố tại họp báo là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2023 giảm 0,23% so với tháng trước. Tuy nhiên, so với tháng 12/2022, CPI tháng 3 tăng 0,74% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,35%. Tính chung quý 1/2023, CPI tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, cao nhất trong 10 năm trở lại đây, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,18%).

Chia sẻ về con số này, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, so với các quốc gia trên thế giới, lạm phát của Việt Nam không thuộc nhóm nước có lạm phát cao.

Qua theo dõi biến động chỉ số CPI so với cùng kỳ năm trước trong vòng 10 năm qua, Tổng cục Thống kê nhận thấy bắt đầu từ năm 2014, cứ 3 năm thì lặp lại một lần, CPI tăng cao hơn so với mức bình quân chung trong 3 tháng đầu năm, sau đó có xu hướng giảm dần cho đến cuối năm.

"Nếu áp dụng theo quy luật này và không xảy ra các yếu tố bất thường thì năm 2023 có khả năng CPI cũng tương tự như vậy, tức là tăng cao trong 3 tháng đầu năm và giảm dần trong những tháng tiếp theo", đại diện Vụ Thống kê giá nhìn nhận.

Tuy nhiên, cũng theo bà Nguyễn Thu Oanh, không nên chủ quan với lạm phát khi giá cả, nguyên nhiên liệu đầu vào đang có xu hướng giảm nhiệt, song vẫn ở mức cao.

Đáng chú ý, giá năng lượng và các vật tư chiến lược được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp do ảnh hưởng xung đột Nga-Ukraine, sự phục hồi kinh tế Trung Quốc cũng có khả năng ảnh hưởng đến giá cả trên thế giới. Điều này ảnh hưởng lớn đến giá nguyên, nhiên vật liệu trong nước sẽ tăng theo đà tăng của thế giới.

Trong nước, từ ngày 1/7/2023 Chính phủ sẽ tăng lương. Đồng thời, tháng 9 khi bắt đầu năm học mới 2023-2024, nếu các địa phương thực hiện thu học phí theo Nghị định 81 của Chính phủ thì lúc đó sẽ tác động vào CPI.

Chưa kể, việc tăng giá điện của EVN, lộ trình thực hiện giá dịch vụ y tế, áp lực cầu kéo của việc giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay… cũng sẽ phần nào tác động đến áp lực hàng hoá và đẩy giá dịch vụ lên cao.

Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, với kinh nghiệm điều hành vĩ mô của Chính phủ, việc kiểm soát lạm phát dưới 4,5% mà Quốc hội đề ra chúng ta vẫn có thể thực hiện được.

Lạm phát cơ bản tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây nhưng đang có xu hướng giảm dần. Mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% cả năm nay vẫn có thể thực hiện được nhờ các yếu tố giảm áp lực lên mặt bằng giá khi Việt Nam có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, giúp chủ động kiểm soát lạm phát cùng chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Chính phủ là yếu tố cốt lõi.

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê

Tin liên quan

Đọc tiếp