Tổng thống Mỹ hủy cuộc gặp với lãnh đạo NATO vì đi chữa răng

Joe Biden MỸ
10:10 - 13/06/2023
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trải qua cuộc điều trị răng. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trải qua cuộc điều trị răng. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 12/6 đã hủy cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và các sự kiện dự kiến tham dự trong ngày, vì cơn đau răng khiến ông phải trải qua thủ thuật lấy tủy răng.

AFP đưa tin, trong một thông báo, bác sĩ Nhà Trắng Kevin O’Connor cho biết Tổng thống Biden bị đau ở răng số 29 hàm dưới bên phải từ ngày 11/6. Nhóm bác sĩ tại Trung tâm Y tế Quân đội Quốc gia Walter Reed đã đến Nhà Trắng để kiểm tra tình hình răng miệng của ông.

“Nhóm bác sĩ xác định rằng điều trị nội nha (chữa tủy) là phù hợp nhất. Nhóm đã thực hiện thủ thuật ban đầu vào thời điểm đó và có một kế hoạch theo dõi nội nha chuyên biệt trong tương lai gần", ông O'Connor cho biết.

Tuy nhiên, đến ngày 12/6, ông Biden cảm thấy “khó chịu hơn” bởi cơn đau răng và nhóm bác sĩ đã quyết định lấy tủy răng của ông.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết việc điều trị răng của ông Biden đã hoàn tất thành công. “Tổng thống vẫn ổn và chắc chắn ông ấy sẽ làm việc tại dinh thự vào chiều này”, bà nói.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre. Ảnh: AP

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre. Ảnh: AP

Khi được hỏi về việc có điều gì nghiêm trọng hơn đối với sức khỏe của Tổng thống Biden khi can thiệp nha khoa hay không, bà Jean-Pierre đã bác bỏ điều này, khẳng định việc lấy tủy răng “không có gì bất thường” và “hàng triệu người Mỹ đã trải qua điều này”.

Thư ký báo chí Nhà Trắng cũng cho biết, ông Biden chỉ sử dụng thuốc gây tê cục bộ, nghĩa là ông luôn tỉnh táo trong quá trình điều trị răng. Do vậy, ông Biden không cần kích hoạt Tu chính án thứ 25 và không phải chuyển giao quyền lực tạm thời cho Phó tổng thống Kamala Harris.

Lịch trình ngày 12/6 của ông Biden đã được Nhà Trắng điều chỉnh. Theo đó, bà Kamala Harris đã thay ông tham dự sự kiện Ngày vận động viên đại học trên bãi cỏ phía Nam tại Nhà Trắng. Hai sự kiện khác trong lịch trình của ông Biden đã được dời sang ngày 13/6, bao gồm cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và tiệc chiêu đãi các trưởng phái đoàn tại Nhà Trắng.

Tổng thống Biden gặp Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi tháng 6/2022, khi ông đến dự Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: AP

Tổng thống Biden gặp Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi tháng 6/2022, khi ông đến dự Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: AP

Tổng thống Joe Biden, 80 tuổi, là tổng thống cao tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ. Hồi cuối tháng 4, ông đã thông báo về việc tái tranh cử năm 2024. Nếu tái đắc cử, ông Biden sẽ 82 tuổi khi nhậm chức Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 1/2025 và sẽ kết thúc nhiệm kỳ ở tuổi 86.

Trong lần kiểm tra sức khỏe tại Trung tâm Y tế Quân đội Quốc gia Walter Reed hồi tháng 2, các bác sĩ Nhà Trắng tuyên bố ông Joe Biden khỏe mạnh, hoạt bát, đủ sức thực hiện thành công các nhiệm vụ trên cương vị tổng thống.

Các kiểm tra khác về đầu, tai, mắt, mũi và họng của ông Biden đều cho kết quả bình thường. Ông cũng trải qua cuộc kiểm tra thần kinh "cực kỳ chi tiết", không tìm thấy nguy cơ đột quỵ, hay dấu hiệu của bệnh đa xơ cứng hoặc bệnh Parkinson.

Mặc dù ông Biden đang được điều trị chứng rung tâm nhĩ (AFib) - một chứng bệnh khiến nhịp tim không đều, nhưng bác sĩ Nhà Trắng cho biết ông không bị ảnh hưởng gì. Tổng thống cũng thỉnh thoảng gặp "các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản".

Ông cũng được cắt bỏ khối mô ung thư da ở ngực tại cuộc kiểm tra này. Các y bác sĩ cho biết sẽ tiếp tục theo dõi da của Tổng thống Biden để phát hiện xem có xuất hiện thêm các tổn thương khác hay không. Tuy nhiên, Nhà Trắng nhấn mạnh ung thư tế bào đáy không có xu hướng lây lan hoặc di căn.

Tin liên quan

Đọc tiếp