Tổng thống Nga Putin nêu quan điểm về sử dụng vũ khí hạt nhân

chiến sự Nga - Ukraine
16:19 - 13/03/2024
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc phỏng vấn với với nhà báo Dmitry Kiselyov được đăng tải trên kênh truyền hình Rossiya-1 và tờ RIA Novosti ngày 13/3.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc phỏng vấn với với nhà báo Dmitry Kiselyov được đăng tải trên kênh truyền hình Rossiya-1 và tờ RIA Novosti ngày 13/3.
0:00 / 0:00
0:00
Trong một bài phỏng vấn đăng tải ngày 13/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo việc Mỹ gửi quân đội tới Ukraine sẽ được coi như một bước leo thang đáng kể trong xung đột, đồng thời đưa ra quan điểm về việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Theo hãng tin Reuters, ông Putin trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya-1 và hãng thông tấn RIA Novosti ngày 13/3 về một số vấn đề như vũ khí hạt nhân và các điều kiện mà Moscow có thể sử dụng chúng hay khả năng giải quyết hòa bình cuộc xung đột Ukraine. Cuộc phỏng vấn diễn ra vài ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Nga, trong đó ông Putin đang tranh cử nhiệm kỳ thứ 5 của mình.

Đối với câu hỏi về việc liệu Moscow đã sẵn sàng cho một cuộc chiến hạt nhân hay chưa, ông cho biết: “Từ quan điểm kỹ thuật quân sự, tất nhiên chúng tôi đã sẵn sàng”.

Nhà lãnh đạo Nga khẳng định Mỹ có đủ chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ Nga – Mỹ cũng như trong lĩnh vực kiềm chế chiến lược để hiểu rằng việc triển khai quân đội của mình trên lãnh thổ Nga hoặc tại Ukraine sẽ bị Moscow coi là một hành động can thiệp. Do đó, ông nhận định: “Tôi không nghĩ rằng mọi chuyện đang dồn dập tới hướng đối đầu hạt nhân, nhưng chúng tôi luôn sẵn sàng cho việc này”.

Đối với câu hỏi về việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, ông Putin nhấn mạnh vũ khí hủy diệt hàng loạt chưa bao giờ được Nga sử dụng ở Ukraine. Tuy nhiên, ông cho biết “vũ khí tồn tại để sử dụng” và Nga “có những nguyên tắc riêng của mình”.

Việc này có nghĩa là Moscow “sẵn sàng sử dụng bất kỳ loại vũ khí nào, kể cả vũ khí hạt nhân chiến thuật nếu liên quan tới sự tồn tại của nhà nước Nga, ví dụ như trong trường hợp có mối đe dọa đối với chủ quyền và độc lập quốc gia”.

Trước đó vào tháng 6/2020, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh về chính sách răn đe hạt nhân của Nga. Tài liệu này quy định việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong một số trường hợp, với một trong số đó là hành động gây hấn chống lại Nga bằng vũ khí thông thường đe dọa tới sự tồn tại của nhà nước.

Ở một diễn biến khác, ông cũng bày tỏ rõ ràng thái độ của Nga về việc thử nghiệm hạt nhân. Hãng tin RT dẫn lời Tổng thống Putin cho biết nếu Mỹ tiếp tục các cuộc thử nghiệm này, Nga có thể xem xét thực hiện hành động tương tự.

Hồi tháng 11/2023, Nga đã hạ cấp mức tham gia Hiệp ước cấm thử Hạt nhân Toàn diện (CTBT) năm 1996 với lý do Mỹ cũng đã từ chối phê chuẩn hiệp ước này trong hơn 25 năm. CTBT cấm “tất cả các vụ nổ hạt nhân, dù vì mục đích quân sự hay hòa bình”, đã được 187 quốc gia ký kết và được 178 quốc gia phê chuẩn.

Nga ban đầu phê chuẩn hiệp ước này vào năm 2000 trong khi Mỹ là một trong số ít quốc gia chưa bao giờ phê chuẩn hiệp ước này cùng với các cường quốc hạt nhân khác như Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan.

Về vấn đề đàm phán với Ukraine, ông Putin cho biết: “Nga sẵn sàng đàm phán về vấn đề Ukraine, nhưng các cuộc đàm phán này phải dựa trên thực tế”. Ông nhấn mạnh: “Tôi không tin tưởng ai. Chúng tôi cần các đảm bảo an ninh và những đảm bảo này cần phải dưới hình thức văn bản và theo hướng Nga cảm thấy hài lòng”.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.