Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Trung Quốc

Ngoại Giao Trung Quốc - EU
16:19 - 05/04/2023
Chiều 5/4, máy bay chở Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hạ cánh xuống Bắc Kinh, đánh dấu chuyến thăm 3 ngày trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine không có tiến triển và sự phục hồi kinh tế toàn cầu không đồng đều hậu Covid-19.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Trung Quốc trước Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trong một chuyến thăm chính thức kéo dài 3 ngày từ 5/4 tới 7/4 của 2 nhà lãnh đạo châu Âu. Theo Global Times, chuyến thăm này diễn ra theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đây là chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 3 của Tổng thống Macron và đồng thời là chuyến thăm đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông. Đối với bà Ursula von der Leyen, đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên tới quốc gia này.

Đi cùng hai nhà lãnh đạo châu Âu này còn có cựu Thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin, Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp Pháp Laurent Fabius, một số bộ trưởng, thành viên quốc hội Pháp, hơn 60 lãnh đạo các doanh nghiệp lớn và hơn 20 đại diện văn hóa Pháp.

Theo Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lu Shaye trả lời phỏng vấn tờ Nouvelles d'Europe ngày 4/4, trong khuôn khổ chuyến thăm, lãnh đạo Trung - Pháp sẽ hội đàm về quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế cũng như khu vực đang được quan tâm. Đồng thời, ông Lu cho biết Trung Quốc và Pháp cũng sẽ tổ chức một số hoạt động kinh tế và văn hóa. Có khả năng Tổng thống Macron sẽ tới thăm các khu vực khác ngoài thủ đô Bắc Kinh do ông thường làm điều này trong các chuyến thăm Trung Quốc trước đây của mình.

Đại sứ Trung Quốc tại Pháp nhận định chuyến thăm này của ông Macron đã gửi "một tín hiệu tích cực đến thế giới bên ngoài rằng 2 nước đang hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực và cùng nhau ứng phó với các cuộc khủng hoảng toàn cầu, tạo ra động lực mới cho sự phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Pháp và Trung Quốc - EU trong kỷ nguyên mới”.

Các binh sĩ Trung Quốc đứng đợi tại Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh để chào mừng Tổng thống Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters

Các binh sĩ Trung Quốc đứng đợi tại Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh để chào mừng Tổng thống Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters

Có 2 trọng tâm chính được dự kiến cho chuyến thăm này chính là kinh tế, đặc biệt là rủi ro thương mại và vấn đề Ukraine.

Trước tiên về mặt kinh tế, ông Lu cho biết trong những năm gần đây, trao đổi kinh tế và thương mại Trung Quốc - Pháp duy trì đà tăng trưởng tốt. Số liệu thống kê mới nhất từ Pháp cho thấy thương mại hàng hóa song phương lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ euro năm 2022, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Ông nhận định: "Chuyến thăm của Tổng thống Macron tới Trung Quốc sẽ giúp 2 nước mở rộng hơn nữa hợp tác thị trường bên thứ ba, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hai nước và thúc đẩy triển khai nhiều dự án hơn”.

Vì vậy, ông cho biết 2 bên sẽ ký một loạt thỏa thuận nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, năng lượng hạt nhân dân dụng, nông nghiệp và duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu. 2 bên cũng có thể tạo ra nhiều điểm nhấn hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực mới nổi như năng lượng mới và xe điện.

Ngoài ra, ông cũng kêu gọi phía Pháp vượt qua ảnh hưởng của bên thứ ba và tích cực cung cấp cho các công ty Trung Quốc một môi trường kinh doanh cởi mở, công bằng, minh bạch và không phân biệt đối xử, đặc biệt là trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ cao.

Trong khi đó, Trung Quốc có thị trường rộng lớn và sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp không gian rộng lớn để phát triển. Ông cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp tích cực đầu tư và bắt đầu kinh doanh tại Trung Quốc”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng phu nhân Bành Lệ Viện chụp ảnh với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng phu nhân Brigitte Macron tại Nhà khách Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 8/1/2018. Ảnh: Xinhua

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng phu nhân Bành Lệ Viện chụp ảnh với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng phu nhân Brigitte Macron tại Nhà khách Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 8/1/2018. Ảnh: Xinhua

Ở một diễn biến khác, chủ đề về giải quyết xung đột Ukraine cũng dự kiến sẽ được các nhà lãnh đạo 2 bên đưa vào các cuộc thảo luận. Dù cả Trung Quốc và Pháp đều thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine, lập trường của 2 quốc gia tồn tại những điểm không tương đồng.

Cụ thể, Trung Quốc luôn thể hiện mong muốn tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho chiến dịch quân sự đặc biệt Nga tiến hành lên Ukraine với kế hoạch hòa bình 12 điểm công bố hồi cuối tháng 2. Tuy nhiên, chuyến thăm cấp nhà nước mang tính thân thiện giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nga tháng trước đang khiến các quốc gia phương Tây lo ngại Bắc Kinh sẽ nghiêng về phía Moscow.

Khi được hỏi liệu hai bên có tìm thấy nhiều điểm chung hơn về cuộc khủng hoảng Ukraine trong chuyến thăm của Tổng thống Macron hay không, ông Lu cho biết cả Trung Quốc và Pháp đều là những nước có ảnh hưởng lớn trên toàn cầu và là lực lượng quan trọng để duy trì hòa bình.

Do đó, “Trung Quốc sẵn sàng trao đổi với Pháp về cuộc khủng hoảng Ukraine, thúc đẩy tất cả các bên liên quan nghiêm túc suy nghĩ về những bài học sâu sắc từ cuộc khủng hoảng Ukraine, tuân thủ hướng đi đúng đắn của các cuộc đàm phán hòa bình và thực sự xây dựng một cấu trúc an ninh châu Âu cân bằng, hiệu quả và bền vững”.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: Reuters

Đọc tiếp