Top 10 ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất năm 2021

NGÂN HÀNG Việt nAM
17:49 - 16/02/2022
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
CASA (tiền gửi không kỳ hạn) là một trong những chỉ số quan trọng khi phân tích kết quả kinh doanh của các ngân hàng, do việc thu hút được loại tiền gửi này giúp tạo ra nguồn vốn giá rẻ, cải thiện biên thu nhập lãi thuần (NIM).

Tiền gửi không kỳ hạn - CASA (Current Account Savings Account) là khi khách hàng để số lượng tiền dư trong tài khoản phục vụ các nhu cầu hàng ngày như mua sắm, buôn bán, thanh toán hóa đơn… Đặc biệt, khi dịch vụ ngân hàng điện tử, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh mẽ thì nhu cầu mở “tài khoản CASA” càng nhiều. Thực tế trong 2 năm Covid-19 hoành hành, khi thương mại điện tử trở thành kênh xu hướng thì các ngân hàng đều không thể bỏ qua “miếng bánh ngọt” CASA.

Tính đến thời điểm 31/12/2021, ngân hàng giữ ngôi “quán quân” về tỷ lệ CASA trong hệ thống là Techcombank với 50,5%, chủ yếu do CASA từ khách hàng cá nhân tăng 30,8% so với cuối năm 2020. Số dư CASA của nhà băng này đạt 158.900 tỷ đồng.

Ở vị trí thứ hai là Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) với tỷ lệ 49%, tăng mạnh so với mức 41% cuối năm 2020. Đây cũng là mức cao nhất về CASA mà MB đạt được từ trước đến nay, đồng thời gần đuổi kịp Techcombank. Trong năm qua, tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng tăng tới gấp rưỡi so với 2020, lên mức 171.396 tỷ đồng (tổng tiền gửi tăng 23,7% lên 384.692 tỷ đồng).

MSB (Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải) bứt tốc nên vị trí thứ 3 với tỷ lệ 36%. Trong năm qua, ngân hàng cũng ghi nhận kết quả kinh doanh vượt trội khi lợi nhuận trước thuế đạt 5.168 tỷ đồng, gấp đôi năm 2020, vượt 58% so với mục tiêu đề ra. Tín dụng ngân hàng tăng trưởng trên 20%, nguồn thu ngoài lãi tăng trưởng 92% so với năm 2020. Tiền gửi khách hàng tăng hơn 8%, đạt 94.616 tỷ đồng.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vẫn giữ vị trí số 1 về số lượng tiền gửi không kỳ hạn với 367.149 tỷ đồng. Tuy nhiên tính trên tổng tiền gửi 1,13 triệu tỷ đồng thì tỷ lệ CASA chỉ đạt 32,2%, tức là xếp thứ 4 trong danh sách các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất hệ thống.

Các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao tiếp theo trong top 10 là ACB, Sacombank, TPBank, VPBank, VietinBank, BIDV. Trong đó 2 “ông lớn” VietinBank và BID đều ghi nhận lượng tiền gửi của khách hàng hơn 1 triệu tỷ đồng nhưng tỷ lệ CASA chiếm chưa đến 20%.

Việc duy trì tỷ lệ CASA cao không chỉ giúp tận dụng nguồn vốn giá rẻ (thường chỉ từ 0,1-0,8%/năm) mà còn gián tiếp phản ánh hiệu quả của chính sách phát triển sản phẩm, dịch vụ tiện ích, tạo nền tảng khách hàng... Bởi vậy những năm qua, các nhà băng rất quan tâm tới khoản tiền gửi này. Đặc biệt trong thời buổi dịch bệnh, mọi người chuyển sang xu hướng thanh toán, mua sắm online, thị trường chứng khoán, bất động sản, vàng… đều khá sôi động.

Techcombank là một trong những ngân hàng nhìn thấy lợi ích lớn từ lượng tiền CASA nên triển khai các phương án đẩy mạnh từ khá sớm. Từ năm 2016, ngân hàng đã áp dụng E-banking 0 đồng (miễn phí toàn bộ các giao dịch qua kênh điện tử) cho khách hàng cá nhân. Đến tháng 8/2018, Techcombank tiếp tục triển khai chương trình hoàn tiền 1% cho mọi giao dịch thanh toán thẻ, dành cho cả thẻ ATM và thẻ thanh toán Quốc tế Visa Debit.

Đại diện Techcombank từng tiết lộ: "Nếu am hiểu sâu về khách hàng, chúng ta sẽ biết rằng, có những dịch vụ khách hàng sẵn sàng trả phí để được hưởng, và một số loại phí khác khách hàng không cảm thấy thoải mái khi phải chi trả. Ví dụ như phí giao dịch điện tử sẽ khiến khách hàng rất không hài lòng".

Sau Techcombank, hàng loạt các ngân hàng thương mại cổ phần cũng gia nhập câu lạc bộ “zero fee” như MB, TPBank, VPBank, VietCapitalBank, MSB... Năm 2021, nhóm “big 4” (4 ngân hàng quốc doanh) cũng không thể làm ngơ trước xu hướng này. Giữa tháng 5, Agribank miễn phí chuyển tiền trực tuyến cho tất cả khách hàng sử dụng kênh ngân hàng số mà không yêu cầu điều kiện kèm theo. Trong tháng cuối năm, Vietcombank, BIDV và VietinBank đồng loạt tuyên bố miễn phí mọi dịch vụ trên ngân hàng số từ 1/1/2022.

Với tín hiệu tăng tốc của các thành viên “big 4”, cuộc đua CASA giữa các ngân hàng hứa hẹn sẽ thêm gay cấn trong thời gian tới. Trong đó, phát triển dịch vụ số, nâng cao chất lượng dịch vụ, trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng để thu hút và giữ chân họ vẫn là yếu tố chủ chốt quyết định kết quả.

Trong cuộc đua này, các ngân hàng quy mô nhỏ sẽ gặp nhiều bất lợi do mạng lưới giao dịch không phủ rộng, uy tín thấp hơn. Nhưng với đặc điểm lỏng lẻo của tiền gửi không kỳ hạn là sự dịch chuyển có thể xây ra bất cứ khi nào theo tâm lý khách hàng, độ nhạy của lãi suất hoặc biến động thị trường thì các ngân hàng quy mô nhỏ đều có cơ hội vượt qua rào cản.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.