Triều Tiên ghi nhận đợt bùng dịch Covid-19 đầu tiên

COVID-19 Triều Tiên
12:05 - 12/05/2022
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tổ chức cuộc họp khẩn hôm 12/5. Ảnh: Reuters
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tổ chức cuộc họp khẩn hôm 12/5. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Hôm 12/5, Triều Tiên chính thức xác nhận đợt bùng dịch Covid-19 lần đầu tiên của nước này sau khi đài truyền hình nhà nước KCNA đưa tin về ca nhiễm biến thể Omicron tại thủ đô Bình Nhưỡng.

Các mẫu bệnh phẩm của người nhiễm bắt đầu được thu thập vào ngày 8/5 và tới 12/5. Các quan chức Triều Tiên cho biết, trình tự gen thu được này tương tự như với biến thể BA.2 hay thường được biết tới là Omicron. Ca nhiễm biến thể có khả năng lây nhiễm cao này cũng là ca nhiễm đầu tiên sau hơn 2 năm miễn nhiễm với đại dịch đang hoành hành trên khắp thế giới của Triều Tiên

Reuters cho biết, sau khi ca nhiễm đầu tiên tại Bình Nhưỡng được công bố, trên toàn quốc Triều Tiên ngay lập tức bước vào “tình trạng khẩn cấp” và phong tỏa hoàn toàn. Theo hãng thông tấn quốc gia KCNA, đã có một lỗ hổng trên mặt trận cách ly khẩn cấp ở Triều Tiên vốn luôn được duy trì ở tình trạng ổn định trong 2 năm 3 tháng qua, kể từ khi đại dịch bắt đầu vào tháng 2/2020.

Cũng theo báo cáo của KCNA, đã có các ca nhiễm biến thể Omicron tại Bình Nhưỡng nhưng không cung cấp thêm bất kỳ thông tin bổ sung nào về số ca nhiễm hàng ngày hay các nguồn nhiễm bệnh. Thông báo này diễn ra ngay sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chủ trì cuộc họp khẩn nhằm thảo luận về cách ứng phó với đợt bùng dịch Covid-19 đầu tiên này.

Nhằm nhanh chóng kiểm soát được dịch, ông Kim đã lệnh toàn bộ các thành phố và các quận hạt phong tỏa khu vực của mình, để ngăn chặn sự lây lan của virus. Đồng thời, ông cũng khẳng định nguồn cung y tế dự trữ khẩn cấp sẽ được huy động để giúp sức cho chiến dịch phong tỏa toàn quốc. Do đó, công tác phòng chống dịch của nhà nước sẽ được chuyển sang hệ thống phòng chống dịch khẩn cấp tối đa.

KCNA trích lời ông Kim cho biết, mục đích của hệ thống cách ly khẩn cấp mới nhất là kiểm soát và quản lý ổn định sự lây lan của virus. Đồng thời, nó cũng nhằm chữa khỏi bệnh nhanh chóng cho những người bị nhiễm để loại bỏ nguồn lây truyền trong thời gian ngắn nhất.

Cũng trong cuộc họp khẩn 12/5, Triều Tiên đã phê bình lực lượng phòng dịch do khả năng và năng lực thích ứng với tình hình dịch thay đổi kém. Ảnh: Reuters

Cũng trong cuộc họp khẩn 12/5, Triều Tiên đã phê bình lực lượng phòng dịch do khả năng và năng lực thích ứng với tình hình dịch thay đổi kém. Ảnh: Reuters

Kể từ khi đại dịch bắt đầu lây lan mạnh trên toàn cầu, Triều Tiên đã thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, đồng thời đóng cửa biên giới từ đầu năm 2020. Tới tháng 7 cùng năm, ông Kim tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và phong tỏa Kaesong, một khu vực gần biên giới với Hàn Quốc trong 3 tuần, sau khi một người đào tẩu năm 2017 quay trở lại thành phố với các triệu chứng nhiễm bệnh.

Theo dữ liệu chính thức từ WHO, tính tới tháng 3/2022, Triều Tiên không ghi nhận bất kỳ ca nhiễm Covid-19 nào và cũng không cung cấp bất cứ dữ liệu nào về một chương trình tiêm chủng vaccine toàn dân. Nguyên nhân là do nước này đã từ chối tất cả các lô vaccine từ chương trình chia sẻ vaccine Covid-19 toàn cầu của COVAX và Sinovac Biotech của Trung Quốc.

Trong khi đó, khi trả lời Reuters, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết Tổng thống mới nhậm chức hôm 10/5 Yoon Suk-yeol sẽ tiếp tục mở rộng cánh cửa cung cấp viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên, bất chấp các căng thẳng chính trị giữa 2 bên.

Cũng trong ngày 12/5, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc cũng đưa tin Triều Tiên đã yêu cầu người dân ở nhà kể từ ngày 11/5 vì nhiều người có "các triệu chứng nghi ngờ cúm". Trước đó, một số nguồn tin thân cận với trang tin chuyên đưa tin tức về Triều Tiên là NK News về một đợt phong tỏa toàn quốc và cả ở Bình Nhưỡng hôm 8/5.

Đọc tiếp