Trung Quốc 'nhốt' Olympic vào 'bong bóng' để đảm bảo zero-Covid

COVID-19 TRUNG QUỐC
17:40 - 05/01/2022
Ảnh: insidesport
Ảnh: insidesport
0:00 / 0:00
0:00
Nguy cơ Omicron đi cùng với Olympic Mùa đông tại Bắc Kinh cùng đợt bùng dịch kỷ lục tại Tây An có thể sẽ phá hủy toàn bộ chiến lược zero-Covid mà Trung Quốc vẫn kiên trì theo đuổi từ khi bắt đầu dịch.

Việc mở "bong bóng Olympic" tách biệt những người tham gia Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh với phần còn lại của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh các ca nhiễm Omicron trên toàn cầu đang tăng mạnh.

Đi kèm với sự kiện trên là đợt bùng dịch nghiêm trọng nhất của quốc gia này kể từ mùa xuân năm 2020 tới hiện tại. Mối đe dọa kép này đang đặt ra những mối nguy cơ lớn tới chiến dịch zero-Covid mà Trung Quốc vẫn kiên trì theo đuổi.

Nguy cơ kép từ Olympic và Tây An

Theo hãng tin nhà nước Trung Quốc China Daily vào ngày 4/1, “Trung Quốc cam kết với thế giới sẽ tổ chức các trận thi đấu một cách hợp lý, an toàn và tuyệt vời”. Việc tổ chức Thế vận hội sẽ được bắt đầu với một chương trình có tên “bong bóng Olympic”.

Tuy thế vận hội Olympic sẽ chính thức được khai mạc vào 4/2, tất cả các nhân viên liên quan đến Olympic từ nước ngoài sẽ được nhập cảnh vào Trung Quốc trước mà không cần trải qua thời gian cách ly bắt buộc.

Cụ thể, những vận động viên và những người tham gia khác vào Olympic sẽ bị tách biệt khỏi những người dân Trung Quốc trong một khu vực được gọi là bong bóng. Theo dự kiến, khoảng 2.000 vận động viên cùng với khoảng 25.000 người tham gia bao gồm huấn luyện viên, thành viên truyền thông và các nhà lãnh đạo nước ngoài sẽ phải ở nguyên trong một “hệ thống quản lý kín” như cách mà ban tổ chức Olympic Bắc Kinh gọi.

Chỉ các vận động viên và các nhân viên liên quan đến Thế vận hội mới có thể ra vào khu vực này. Bên trong bong bóng sẽ bao gồm làng Olympic cùng các địa điểm thể thao. Ngoài ra, các khách sạn, nhà hàng và các phương tiện di chuyển như xe buýt và tàu cũng sẽ nằm trong đây. Cùng lúc đó, các nhân viên Trung Quốc làm việc cho thế vận hội cũng sẽ phải trải qua thời gian cách ly trước khi được phép quay trở lại tham gia vào xã hội.

Các khán giả nước ngoài đã bị cấm đến dự nhưng chính phủ Trung Quốc vẫn sẽ cho phép người hâm mộ trong nước đến xem với điều kiện phải giữ khoảng cách với những người trong "bong bóng".

Theo giới chức Trung Quốc, việc khách nước ngoài nhập cảnh với số lượng lớn có khả năng cao sẽ mang theo các ca nhiễm. Huang Chun, một quan chức chịu trách nhiệm kiểm soát virus cho Olympic Bắc Kinh, cho biết: “Chắc chắn sẽ có sự lây nhiễm và có khả năng Trung Quốc sẽ xảy ra một đợt bùng phát quy mô nhỏ”.

Tuy nhiên, rủi ro thực sự đối với Trung Quốc ở đây là khả năng biến thể Omicron thoát ra khỏi bong bóng và xâm nhập vào cộng đồng. Theo ông Nicholas Thomas, giáo sư về quản trị y tế toàn cầu tại Đại học Thành phố Hong Kong, khả năng Omicron lan truyền ra bên ngoài vẫn là rất cao bất chấp những biện pháp chặt chẽ mà Trung Quốc thực hiện. Nguyên nhân là do biến thể này có tốc độ lây nhiễm rất cao.

Nếu một đợt bùng dịch liên quan đến Olympic thực sự xảy ra, nó sẽ còn làm trầm trọng thêm đợt bùng phát COVID nghiêm trọng nhất của Trung Quốc hiện tại là Tây An.

Nhân viên y tế tại thành phố Tây An, Trung Quốc. Ảnh: China Daily

Nhân viên y tế tại thành phố Tây An, Trung Quốc. Ảnh: China Daily

Vào ngày 4/1, Trung Quốc đã ghi nhận thêm 95 trường hợp nhiễm COVID-19 mới tại thành phố Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Điều này đã nâng tổng số ca nhiễm COVID của thành phố lên hơn 1.600 ca trong tháng vừa qua. Đây cũng là một đợt bùng dịch trong cộng đồng lớn nhất tại một thành phố ở Trung Quốc kể từ những ngày đầu năm 2020.

Do đó, Tây An đã tiến hành phong tỏa kể từ ngày 13/12 và 13 triệu cư dân thành phố này đã bị giới hạn ở trong nhà của mình. Tây An bùng dịch cũng khiến chính quyền trung ương nước này sa thải và trừng phạt hàng loạt quan chức cho đã không ứng phó được với đại dịch kịp thời.

Ngày 3/1, Trung Quốc cũng thông báo sẽ cho ngừng hoạt động thành phố Vũ Châu thuộc tỉnh Hà Nam sau khi nơi này ghi nhận 3 ca nhiễm không có triệu chứng. Theo đó, toàn bộ các trường học, phương tiện giao thông công cộng, trung tâm mua sắm và tất cả các địa điểm công cộng khác đều sẽ phải đóng cửa. Ngoài ra, gần 1,2 triệu cư dân của nơi này được kiến nghị chỉ rời khỏi nhà cho những việc cần thiết như mua sắm hàng hóa thiết yếu.

Nếu so sánh, những con số này là rất nhỏ so với kỉ lục số ca nhiễm hơn 1 triệu trong 3/1 vừa qua tại Mỹ. Tuy nhiên, chính sách zero-Covid của quốc gia này sẽ không khoan nhượng dù chỉ là 1 ca nhiễm.

Chính sách zero-Covid bị đe dọa

Dựa trên các phản ứng hiện tại của giới chức Trung Quốc với các đợt bùng dịch tại Tây An và Vũ Châu, nhiều chuyên gia không rõ liệu chính phủ sẽ thực hiện những biện pháp nào nếu Trung Quốc phát hiện ra sự lây nhiễm của biến chủng Omicron.

Theo ông Thomas nhận định, Tây An là đại diện cho những gì mà chính phủ Trung Quốc có thể làm để ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh. Tuy nhiên, một hoặc nhiều đợt bùng phát Omicron có thể sẽ khiến phản ứng kín kẽ của Trung Quốc xuất hiện khe hở.

Với việc hàng nghìn vận động viên, nhân viên hỗ trợ và các phóng viên nhập cảnh vào Trung Quốc tham dự Olympic mà không cần cách ly, nguy cơ Omicron thoát ra ngoài là khá cao. Và theo như các chuyên gia, nếu như điều này thực sự xảy ra, Trung Quốc có thể sẽ có một năm 2022 phải phong tỏa trên diện rộng.

Thêm vào đó, tuy tỷ lệ tiêm vaccine của Trung Quốc đạt 86% và thuộc top thế giới, số lượng người nhận được mũi tiêm bổ sung là chưa rõ. Quốc gia này cũng chủ yếu sử dụng các loại vaccine bất hoạt từ các nhà sản xuất nội địa như Sinovac và Sinopharm. Theo một số nghiên cứu, dường như các loại vaccine này kém hiệu quả hơn đối với Omicron ngay cả sau khi tiêm liều bổ sung khi so sánh với các vaccine mRNA như Moderna hay Pfizer.

Trong một báo cáo được công bố vào 3/1, công ty tư vấn Eurasia của Mỹ cho rằng sự kết hợp giữa khả năng lây truyền cao của Omicron với việc Trung Quốc sử dụng rộng rãi các loại vaccine kém hiệu quả hơn sẽ khiến chính sách COVID-zero bị phá vỡ trong năm tới.

Công ty này nhận định chính sách của Trung Quốc sẽ không ngăn chặn được sự lây lan của các ca nhiễm. Do đó, quốc gia này sẽ phải chứng kiến các đợt bùng phát lớn hơn và như một hệ quả tất yếu, ngày càng nhiều đợt phong tỏa nghiêm ngặt hơn.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.