Tỷ phú Elon Musk sẽ trở thành CEO mắc nợ nhiều nhất nước Mỹ

Elon Musk MỸ
09:37 - 30/04/2022
0:00 / 0:00
0:00
Trong thời gian tới, tỷ phú giàu nhất thế giới hiện nay Elon Musk có thể sẽ sớm nhận thêm một danh hiệu mới: Giám đốc điều hành (CEO) nợ nần nhiều nhất nước Mỹ, đặc biệt là sau thương vụ Twitter.

CEO Tesla đã đạt được thỏa thuận mua mạng xã hội Twitter với giá 44 tỷ USD. 2/3 số tiền đó sẽ do chính tỷ phú Elon Musk tự chi trả, con số lớn đáng kể so với khối tài sản ròng được ước tính khoảng 252 tỷ USD của ông.

Tuy nhiên, CNBC cho biết, tài sản của ông Musk gắn liền với cổ phiếu Tesla, cùng với vốn chủ sở hữu trong tập đoàn SpaceX và công ty The Boring. Do vậy, ông sẽ phải bán hàng triệu cổ phiếu để huy động thêm tiền mặt thực hiện thương vụ Twitter.

Theo hồ sơ của Ủy ban chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC), kế hoạch tài chính để mua lại Twitter của tỷ phú Musk bao gồm khoản vay ngân hàng 13 tỷ USD và khoản thanh toán tiền mặt 21 tỷ USD (nhiều khả năng đến từ việc bán cổ phiếu Tesla). Kế hoạch này còn bao gồm khoản vay ký quỹ 12,5 tỷ USD, sử dụng cổ phiếu Tesla làm tài sản thế chấp.

Với những cổ phiếu có chỉ số Beta (mức biến động giá cao) như Tesla, các ngân hàng sẽ phải yêu cầu thế chấp nhiều hơn. Do đó, ông Musk sẽ cần cam kết thế chấp khoảng 65 tỷ USD cổ phiếu Tesla, tương đương khoảng 1/4 tổng giá trị cổ phiếu ông đang nắm giữ, cho khoản vay.

Tài khoản Twitter của tỷ phú Elon Musk có hơn 88 triệu người theo dõi. Ảnh: Getty Images

Tài khoản Twitter của tỷ phú Elon Musk có hơn 88 triệu người theo dõi. Ảnh: Getty Images

Trước khi đề xuất thương vụ Twitter, ông Musk đã cam kết 88 triệu cổ phiếu Tesla trong các khoản vay ký quỹ. Theo công ty nghiên cứu Audit Analytics, ông Musk đã cam kết thế chấp hơn 90 tỷ USD cổ phiếu trong các khoản vay. Tổng số tiền đó biến ông trở thành "con nợ cổ phiếu” cao nhất tính theo USD trong nhóm các giám đốc và CEO Mỹ.

Theo dữ liệu phân tích của ISS Corporate Solutions, với khoản nợ này, "ông trùm công nghệ nước Mỹ" sẽ vượt xa người xếp thứ hai là Larry Ellison, Chủ tịch kiêm Giám đốc công nghệ của Tập đoàn máy tính đa quốc gia Oracle, với 24 tỷ USD.

Nợ cổ phiếu của tỷ phú Mỹ này đã vượt quá mức so với toàn bộ thị trường chứng khoán Mỹ. Giá trị cổ phiếu được ông cam kết thế chấp từ trước thương vụ Twitter đã chiếm hơn 1/3 trong tổng số 240 tỷ USD giá trị tất cả cổ phiếu được toàn bộ công ty niêm yết trên sàn giao dịch NYSE và Nasdaq cam kết thế chấp, theo Audit Analytics. Với việc vay mượn để mua Twitter, khoản nợ này có thể tăng cao hơn nữa.

Tất nhiên với quyền chọn mua cổ phiếu theo kế hoạch của gói năm 2018, ông Elon Musk sẽ có thêm 73 triệu cổ phiếu Tesla. Nếu cộng với 170 triệu cổ phiếu nắm giữ hiện nay thì nhà sáng lập này sẽ nắm giữ 23% cổ phần Tesla với giá trị 214 tỷ USD. Phần còn lại trong giá trị tài sản ròng của ông đến từ hơn 50% cổ phần trong SpaceX và các dự án kinh doanh khác.

Ông Musk đã nhận thêm 25 triệu quyền chọn cổ phiếu khác trong tháng 4 năm nay, khi Tesla đạt chỉ tiêu về hiệu suất. Mặc dù nhà sáng lập này không thể bán các số cổ phiếu mới nhận được trong 5 năm, nhưng ông ấy có thể dùng chúng để thế chấp vay vốn ngân hàng.

Tuy nhiên, việc tỷ phú này vay nợ thế chấp cổ phiếu hàng chục tỷ USD cho thấy rủi ro tín dụng của các CEO tại Mỹ. Trong tuần này, giá cổ phiếu của Tesla đã giảm 12%, hao hụt 20 tỷ USD trong tài sản ròng của ông Musk.

CEO Tesla sẽ phải trả cho Twitter khoản phí 1 tỷ USD nếu không đảm bảo đủ tài chính để hoàn thành thỏa thuận mua lại. Ảnh: Getty Images

CEO Tesla sẽ phải trả cho Twitter khoản phí 1 tỷ USD nếu không đảm bảo đủ tài chính để hoàn thành thỏa thuận mua lại. Ảnh: Getty Images

Trước tình hình này, hơn 2/3 trong số công ty thuộc S&P 500 đã ra chính sách siết việc thế chấp cổ phiếu nhằm ngăn chặn tình trạng CEO đi vay vốn ngân hàng. Hiện tại, hầu hết các công ty tại Mỹ đều có chính sách chống vay vốn thế chấp cổ phiếu, nhưng ngoại trừ cho những trường hợp đặc biệt, ví dụ như CEO Larrison của Oracle. Chỉ có 3% công ty trong S&P 500 tương tự như Tesla là cho phép các CEO có thể cầm cố cổ phần vay vốn ngân hàng.

Tuy nhiên, việc các công ty lo lắng là hoàn toàn có cơ sở vì những CEO này có thể bán tháo cổ phiếu để thanh toán các khoản nợ đến hạn. Vào năm 2012, hãng Green Mountain Coffee Roasters đã phải cách chức Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Robert Stiller, cùng với Giám đốc William Davis, sau khi hai người này bán tháo cổ phiếu trả nợ vay vốn thế chấp.

Vào năm 2015, CEO của Valeantl, Michael Pearson, cũng đã buộc phải bán tháo cổ phiếu để trả khoản nợ 100 triệu USD thế chấp.

"Việc CEO dùng cổ phiếu để cầm cố vay vốn ngân hàng được xem là rủi ro lớn về mặt quản trị công ty. Nếu một CEO không thể thanh toán khoản nợ ký quỹ đáo hạn thì họ sẽ buộc phải bán tháo cổ phiếu dẫn đến tình trạng giá lao dốc", ông Jun Frank, CEO của ICS Advisory cảnh báo. Dù bằng cách nào, tỷ phú Elon Musk cũng sẽ đặt cược một phần lớn tài sản Tesla vào rủi ro, điều này sẽ khiến các cổ đông của Tesla đối mặt với những thách thức lớn ở phía trước.

Tin liên quan

Đọc tiếp