Đằng sau lời đề nghị mua đứt Twitter của tỷ phú Elon Musk

Mạng xã hội twitter
14:32 - 15/04/2022
CEO Tesla, tỷ phú Elon Musk. Ảnh: wccftech.com
CEO Tesla, tỷ phú Elon Musk. Ảnh: wccftech.com
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 14/4, CEO Tesla là tỷ phú Elon Musk đã gửi thư cho Hội đồng quản trị của Twitter và ngỏ lời rằng ông muốn mua lại mạng xã hội hàng đầu thế giới này với giá 43 tỷ USD.

Theo hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC), tỷ phú Elon Musk đã đề nghị mua lại toàn bộ Twitter, với giá 54,20 USD/cổ phiếu. Số tiền giao dịch ước tính lên tới 43 tỷ USD.

Thư ngỏ lời của tỷ phú giàu nhất thế giới

Trong bức thư gửi Chủ tịch Twitter, Bret Taylor, ông Musk viết: “Tôi đã đầu tư vào Twitter vì tin vào tiềm năng của nó để trở thành một nền tảng cho tự do ngôn luận trên khắp thế giới và tôi tin rằng tự do ngôn luận là một mệnh lệnh công khai đối với một nền dân chủ đang hoạt động. Tuy nhiên, sau khi tôi đã đầu tư tiền của mình, tôi hiểu rằng công ty sẽ không thịnh vượng, cũng như không phục vụ tự do ngôn luận nếu giữ mô hình hiện tại. Twitter cần được chuyển đổi thành một công ty tư nhân”.

“Do đó, tôi đang đề nghị mua 100% cổ phiếu Twitter với giá 54,20 USD/cổ phiếu bằng tiền mặt, với mức phí bảo hiểm 54% trong một ngày trước khi tôi bắt đầu đầu tư vào Twitter, cũng như mức phí bảo hiểm 38% vào một ngày trước khi có thông báo công khai các khoản đầu tư. Đây là lời đề nghị cuối cùng và tốt nhất của tôi. Nếu không được chấp thuận, tôi sẽ phải xem xét lại tư cách cổ đông của mình”, ông Elon Musk nói thêm.

Mục đích mua Twitter của ông Elon Musk là gì?

Trả lời phỏng vấn trên sân khấu tại hội nghị TED hôm 14/4, tỷ phú Elon Musk khẳng định rằng, ý định mua Twitter không nhằm mục đích kiếm tiền. Theo tầm nhìn của ông, nền tảng này cần được đảm bảo “đáng tin cậy cho nền dân chủ”, theo CNN.

Tỷ phú Elon Musk khẳng định mua lại Twitter không vì mục đích kiếm tiền từ nền tảng này. Ảnh: CNBC

Tỷ phú Elon Musk khẳng định mua lại Twitter không vì mục đích kiếm tiền từ nền tảng này. Ảnh: CNBC

"Đây không phải là một cách để kiếm tiền", ông nói với Giám đốc TED Chris Anderson. "Động lực của tôi là xây dựng một nền tảng công cộng đáng tin cậy tối đa và mang tính bao trùm - điều vô cùng quan trọng đối với tương lai của nền văn minh”.

Vị tỷ phú này cũng tái khẳng định, Twitter đang thiếu tự do ngôn luận. Đây chính là điểm mấu chốt mà ông mong muốn được sửa đổi nếu có thể chính thức sở hữu được nó. Trong đó, ông đề xuất Twitter cần mở thuật toán mã nguồn của mình để tăng tính minh bạch trong các quyết định kiểm duyệt nội dung. Điều đó sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trong cách thức hoạt động của nền tảng này.

“Các mã nguồn phải để ở trên Github, để mọi người có thể nhìn thấy nó và nói “Tôi thấy có vấn đề ở đây”, “Tôi không đồng ý với điều này”. Họ có thể nêu bật các vấn đề và đề xuất thay đổi”, ông Musk nói.

Khi được hỏi làm cách nào để thay đổi chế độ kiểm duyệt nội dung của Twitter, CEO Tesla cho biết, để kiểm tra một nền tảng có tuân thủ các nguyên tắc tự do ngôn luận hay không rất đơn giản: "Người bạn không thích có được phép nói những điều bạn không thích không? Nếu bạn cho phép, đó sẽ là tự do ngôn luận”.

Theo ông, nếu một người đăng một dòng tweet đặc biệt gây tranh cãi, thay vì xóa nó và khóa tài khoản, công ty có thể không quảng cáo các nội dung tương tự vậy. "Tôi nghĩ rằng chúng ta cần cân nhắc trước khi xóa mọi thứ và hết sức thận trọng với các lệnh cấm vĩnh viễn. Cấm tạm thời thì tốt hơn”, ông nói.

Ông Musk mong muốn cải tạo Twitter theo hướng "tự do ngôn luận" hơn. Ảnh: Reuters

Ông Musk mong muốn cải tạo Twitter theo hướng "tự do ngôn luận" hơn. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, vị tỷ phú này cũng thừa nhận rằng ngay cả khi ông mua được Twitter và điều chỉnh lại mọi thứ thì nền tảng này vẫn “sẽ có nhiều sai sót”. "Tôi nghĩ rằng mọi người vẫn sẽ đổ lỗi cho tôi về mọi thứ. Nếu tôi mua lại Twitter và xảy ra sự cố, thì 100% là lỗi của tôi”, ông cho biết.

Nhiều nhà phân tích cũng nhận xét, ông Elon Musk thích các công ty tư nhân hơn. Đấy là lý do ông đề xuất Twitter cần chuyển đổi thành mô hình riêng tư như vậy. Khi thiết lập một công ty ở mô hình tư nhân hoặc giữ nó ở chế độ riêng tư, điều đó sẽ làm giảm sự giám sát của cơ quan chức năng.

Trong số các công ty đang được ông Musk điều hành, công ty thám hiểm không gian SpaceX vẫn thuộc sở hữu tư nhân, dù có rất nhiều tin đồn nó đủ khả năng để chào bán công khai. Vào năm 2018, ông cũng từng tuyên bố rằng Tesla cũng nên chuyển sang chế độ riêng tư vì “đây là con đường tốt nhất trong tương lai của hãng”.

Ý kiến trái chiều

Thông tin về mong muốn sở hữu Twitter của tỷ phú Elon Musk diễn ra không lâu sau khi sau khi ông thông báo đã mua 73 triệu cổ phiếu (tương ứng 9,2% cổ phần) của Twitter và trở thành cổ đông lớn nhất.

Mặc dù được đề nghị tham gia Hội đồng quản trị, nhưng ông vẫn quyết định từ chối điều này. Theo các chuyên gia SEC, với quyết định này, tỷ phú giàu nhất hành tinh này sẽ không bị hạn chế về số lượng cổ phiếu có thể sở hữu. Ông sẽ không cần tuân thủ cam nắm giữ ít hơn 14,9% cổ phiếu công ty từ nay đến khi diễn ra cuộc họp cổ đông thường niên vào năm 2024.

Các nhân viên Twitter cũng đã từng bày tỏ lo ngại CEO Tesla có thể gây ảnh hưởng đến các chính sách của công ty này đối với người dùng. Bởi ông Musk vốn là một người dùng Twitter đầy “tai tiếng” khi nhiều lần chỉ trích mạng xã hội này và phải nhận lại các cáo buộc.

Hoàng tử Al-Waleed bin Talal Al Saud, một trong những cổ đông lớn nhất Twitter, từ chối đề nghị của ông Elon Musk. Ảnh: Bloomberg
Hoàng tử Al-Waleed bin Talal Al Saud, một trong những cổ đông lớn nhất Twitter, từ chối đề nghị của ông Elon Musk. Ảnh: Bloomberg

Hiện chưa rõ các nhà điều hành Twitter suy nghĩ như thế nào về lời ngỏ của tỷ phú Elon Musk. Tuy nhiên, một trong những cổ đông lớn nhất của Twitter đến từ Saudi Arabia, Hoàng tử Al-Waleed bin Talal Al Saud, ngày 14/4 biết, ông đang từ chối lời đề nghị mua lại toàn bộ mạng xã hội của tỷ phú Musk. Ông hiện sở hữu 5,2% cổ phần của công ty, theo Gadgettendency.

“Tôi không tin rằng lời đề nghị của Elon Musk (54,20 USD/cổ phiếu) là phù hợp với giá trị nội tại mà Twitter đang có, dựa trên triển vọng tăng trưởng của nền tảng này. Là một trong những cổ đông lớn nhất và lâu đời nhất của Twitter và Kingdom Holding Company, tôi từ chối lời đề nghị này, ”Hoàng tử Al-Waleed bin Talal Al Saud đã tweet.

Tuy nhiên, ông Musk cho biết, ngay cả khi đề xuất mua Twitter thất bại, ông vẫn có kế hoạch dự phòng với “rất nhiều ý tưởng khác nhau". Nhưng ông từ chối giải thích rõ. CEO Tesla và SpaceX khẳng định: "Tôi có đủ tài sản. Tôi có thể làm điều đó nếu có thể".

Theo thống kê của Bloomberg, vị tỷ phú giàu nhất hành tinh Elon Musk đang nắm giữ khối tài sản trị giá 260 tỷ USD. Vậy nên, về mặt tài chính, ông hoàn toàn có khả năng trở thành chủ sở hữu mới của Twitter.

Tin liên quan

Đọc tiếp