Ukraine đặt mua 100 xe bọc thép đa năng của Ba Lan

chiến sự Nga - Ukraine
09:23 - 02/04/2023
Mẫu xe bọc thép đa năng Rosomak. Ảnh: DPA
Mẫu xe bọc thép đa năng Rosomak. Ảnh: DPA
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki ngày 1/4 thông báo Ukraine đã đặt mua 100 xe bọc thép đa năng Rosomak do nước này sản xuất, thông qua khoản viện trợ từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). 

“Tôi nhận đơn đặt hàng từ Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho 100 chiếc Rosomak được sản xuất tại đây", Thủ tướng Mateusz Morawiecki thông báo trong chuyến thăm nhà máy đóng xe bọc thép Rosomak ở thị trấn Siemianowice Slaskie, miền nam Ba Lan, theo AFP.

Ukraine đặt mua 100 xe bọc thép đa năng của Ba Lan ảnh 1

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tại nhà máy Rosomak, ngày 1/4. Ảnh: Twitter @Mateusz Morawiecki

Ông Morawiecki cho biết đơn hàng sẽ được tài trợ thông qua các nguồn quỹ mà Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ dành để viện trợ quốc phòng cho Ukraine. Tuy nhiên, ông không cung cấp chi tiết hoặc tổng giá trị của hợp đồng vũ khí này.

Rosomak là phiên bản xe bọc thép do Ba Lan sản xuất, dựa trên mẫu thiết giáp chở lính Patria AMV 8x8 của Phần Lan. Rosomak được trang bị pháo tự động Mk.44 30 mm, kèm bộ ổn định và súng máy UKM-2000C 7,62 mm.

Kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine bùng nổ vào cuối tháng 2/2022, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã cung cấp cho Kiev nhiều loại vũ khí và các khoản viện trợ. Trong đó, hàng loạt nước đã đồng ý chuyển giao xe tăng hạng nặng tới chiến trường Ukraine, như Anh, Mỹ, Đức.

Ba Lan – quốc gia thành viên NATO, đồng thời là nước láng giềng của Ukraine, đã cam kết ủng hộ mạnh mẽ nước này khi đồng ý nhận đơn hàng sản xuất xe tăng. Trước đó, nước này cũng đồng ý chuyển cho Kiev 14 chiếc xe tăng chiến đấu Leopard 2 và một số chiếc máy bay MiG-29.

Hồi cuối năm 2022, các quan chức Ukraine cho biết Kiev cần ít nhất 300 xe tăng hiện đại, cũng như hàng trăm phương tiện bọc thép và pháo binh khác. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 3 năm nay đã cảnh báo rằng Kiev không thể khởi động một cuộc phản công hiệu quả nếu không có đủ lượng vũ khí từ phương Tây.

Tuy nhiên, một số nước châu Âu thừa nhận đang phải vật lộn để tìm đủ xe tăng, cũng như đạn dược gửi cho Ukraine. Tháng trước, Thụy Sĩ tiết lộ rằng Đức đã chính thức yêu cầu nước này bán lại một lô Leopard 2 để Berlin có thể bổ sung nguồn dự trữ của mình.

Ukraine đặt mua 100 xe bọc thép đa năng của Ba Lan ảnh 2

Mẫu xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất. Ảnh: AFP

Trong diễn biến mới nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius ngày 1/4 thông báo Berlin không thể cung cấp thêm xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine.

“Không giống như các quốc gia khác, chúng tôi chỉ có một lượng hàng tồn kho hạn chế. Là Bộ trưởng Quốc phòng liên bang, tôi không thể bàn giao tất cả những gì tôi có”, ông Pistorius nói.

Quan chức này thừa nhận “những khoảng trống trong kho dự trữ của quân đội Đức sẽ không thể lấp đầy hoàn toàn vào năm 2030, mà phải mất nhiều năm”. Ông cũng nhấn mạnh rằng Berlin và các đồng minh châu Âu cam kết cung cấp hai tiểu đoàn xe tăng Leopard 2, tương ứng hơn 60 chiếc cho Kiev vào năm nay, đồng thời sẽ chuyển giao hơn 100 xe Leopard 1 kiểu cũ vào năm tới.

Phạm vi viện trợ quân sự của Đức đã khiến một số quốc gia phương Tây chỉ trích. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuần trước đã lập luận vào tuần trước rằng Berlin đã không “hào phóng như lẽ ra họ phải thế” trong việc tài trợ vũ khí cho Ukraine.

Trong khi đó, Nga đã nhiều lần chỉ trích việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ khiến kéo dài cuộc xung đột, nhưng sẽ không thay đổi hướng đi hay kết quả của nó. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng cảnh báo rằng các xe tăng do NATO cung cấp sẽ "bị đốt cháy" trên chiến trường Ukraine.

Tin liên quan

Đọc tiếp