Vận tải biển vẫn gặp nhiều thách thức trong quá trình phục hồi

biển Đông asean
23:13 - 19/11/2021
Hội thảo quốc tế về biển Đông lần thứ 13
Hội thảo quốc tế về biển Đông lần thứ 13
0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia tham dự Hội nghị quốc tế về Biển Đông hôm nay đánh giá ngành vận tải biển trong khu vực vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 và khắc phục sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại phiên họp thứ 6 Hội nghị quốc tế về biển Đông lần thứ 13 do Học viện Ngoại giao tổ chức sáng 19/11, các diễn giả đã nêu ra quan điểm về cách khắc phục chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu cùng những cơ hội và thách thức của ngành vận tải biển trong chuỗi cung ứng này.

Hiện các nước đang cố gắng xây dựng những quy trình phù hợp để giải quyết các vấn đề tắc nghẽn trong vận tải biển giai đoạn hậu COVID–19, đặc biệt là tìm cách nối lại các tuyến đường biển để có thể nhanh chóng khôi phục và phát triển lại nền kinh tế sau dịch bệnh.

Mở đầu phiên họp, bà Dhvani-Zaveri, chuyên viên nghiên cứu của công ty thương mại kỹ thuật số Mỹ DRIP Capital phân tích: "Dịch COVID -19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến thời gian và các tuyến vận tải. Việc thiếu nguồn cung cũng như các phương tiện chở hàng như container khiến cho việc vận chuyển bị đình trệ. Khi hàng hóa mất quá nhiều thời gian ứ đọng tại kho bãi thì các doanh nghiệp phải trả thêm nhiều tiền hơn và số chi phí này lại tính sang phía người tiêu dùng, dẫn tới lạm phát giá cả hàng hóa tăng cao.

Bà Dhvani-Zaveri chuyên viên nghiên cứu DRIP Capital

Bà Dhvani-Zaveri chuyên viên nghiên cứu DRIP Capital

Đồng quan điểm với bà Dhvani-Zaveri, TS. Nguyễn Quốc Trường, Trưởng ban Chiến lược phát triển các ngành dịch vụ thuộc Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, đánh giá swk tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng hàng hóa đang là thách thức lớn của khu vực và trên quy mô toàn cầu.

Trong hơn một năm qua, những tuyến đường thương mại từ Trung Quốc ( quốc gia chiếm 16% tổng thương mại toàn cầu) đều bị gián đoạn. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Theo ông Trường và ông Nghĩa, tại thị trường Việt Nam cũng nhận thấy rất rõ những tác hại của tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu này.

Thống kê của Cục hàng hải từ năm 2020 đến nay, giá cước vận tải đã tăng gấp 3 lần, từ 1.000 USD/container tăng lên 5.000 USD/container trong năm 2020. Sang năm 2021 cước vận tải đã tăng đến 7.000 – 8000 USD/container. Phải từ quý 3 năm nay, sau khi các nước từ bỏ chính sách theo đuổi sạch bóng Covid, thì chuỗi cung ứng mới dần được cải thiện.

Tuy nhiên, theo đánh giá từ góc độ doanh nghiệp thì việc phục hồi hiện nay vẫn đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức lớn. Trong đó việc chính sách chống dịch của Trung Quốc khiến một số các cảng biển lớn vẫn đóng cửa dẫn đến chuỗi cung ứng hàng hóa tiếp tục tắc nghẽn nghiêm trọng.

Trong khi đó, khi nhu cầu hàng hóa sau đại dịch COVID – 19 đang gia tăng nhanh thì chuỗi cung ứng lại chưa kịp phục hồi dẫn đến thiếu hụt nguồn cung hàng hóa và vật tư, đặc biệt là vào dịp cuối năm. Theo dự báo của các chuyên gia vận tải thì khối lượng thương mại toàn cầu sẽ tăng 7-8% trong năm 2021 và vận tải biển vẫn phải đối mặt với nguy cơ tắc nghẽn và thiếu phương tiện vận tải, container. Vấn đề này được dự đoán sẽ kéo dài đến năm 2023.

Ngoài ra, việc giá dầu tăng mạnh cũng làm cho giá vận tải hàng hóa lên cao trong khi đó hạ tầng logistic giữa các quốc gia, khu vực hiện còn yếu và không đồng bộ. Điều này cũng góp phần khiến chuỗi cung ứng toàn cầu gặp khó khăn hơn.

TS. Nguyễn Quốc Trường, Trưởng ban Chiến lược phát triển các ngành dịch vụ, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch - Đầu tư

TS. Nguyễn Quốc Trường, Trưởng ban Chiến lược phát triển các ngành dịch vụ, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch - Đầu tư

Trước những vấn đề và thách thức với chuỗi cung ứng như trên, ông Nguyễn Quốc Trường đề xuất những giải pháp như các nước trong khu vực cần gia tăng độ phủ của vaccine để chuyển sang chung sống với dịch bệnh. Các nước cũng cần thống nhất các quy định phòng chống dịch bệnh và áp dụng trong kiểm soát hàng hóa, phương tiện luân chuyển giữa các quốc gia.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế, hải quan để rút ngắn thời gian thông quan, giảm các thủ tục và giảm chi phí cho doanh nghiệp cũng là giải pháp để giải quyết vấn đề tắc nghẽn chuỗi cung ứng hiện nay. Bên cạnh đó là vấn đề an ninh hàng hải được đảm bảo để thông suốt cho các tuyến vận chuyển thương mại trên biển.

Giáo sư Michele Acciaro thuộc Đại học Hậu cần Kuhne.
Giáo sư Michele Acciaro thuộc Đại học Hậu cần Kuhne.

Cùng bàn luận về vấn đề trên, giáo sư Michele Acciaro đến từ Đại học Hậu cần Kuhne cho rằng, sau sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu vì COVID-19 lại đến giai đoạn nhu cầu vận tải đường biển tăng cao trong bối cảnh phục hồi kinh tế. Điều này khiến giá vận chuyển bị đẩy lên kéo theo nhiều hệ lụy khác. Theo đó, ông đã đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng và vận tải hàng hải như mở rộng nguồn cung, điều chỉnh chuỗi sản xuất để thích ứng sống chung với đại dịch.

Đồng quan điểm này nhưng có góc nhìn lạc quan hơn, Giám đốc Chương trình Châu Á tại Trung tâm Wilson là bà Shihoko Goto cho rằng, tuy chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng các nước đang dần thích nghi và khôi phục lại chuỗi cung ứng. Đặc biệt là việc các nước ASEAN đang tập trung phát triển các cảng biển mới và đây cũng sẽ là cơ hội để khôi phục và duy trì chuỗi cung ứng trong thời gian tới.

Bà Shihoko Goto giám đốc Chương trình Châu Á kiêm Phó Giám đốc Địa kinh tế tại Trung tâm Wilson

Bà Shihoko Goto giám đốc Chương trình Châu Á kiêm Phó Giám đốc Địa kinh tế tại Trung tâm Wilson

Bà Shihoko Goto cũng đề cập đến một vấn đề khác là tương lai của những con tàu siêu lớn. Những phương tiện vận tải siêu lớn này góp phần quan trọng trong chuỗi cung ứng và vận tải biển, nhưng chi phí và nhiên liệu sử dụng lại rất nhiều. Vì vậy khả năng thích ứng của nó với những cú sốc kinh tế như hiện nay rất kém, chưa kể đến các yếu tố như phát triển bền vững, bảo vệ nguồn năng lượng và môi trường.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh: Free Malaysia Today

PMI ASEAN tháng 4/2024 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 4/2024 cho thấy, các điều kiện sản xuất tại ASEAN tiếp tục cải thiện nhẹ với số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong khu vực này đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.