Vì đâu Bamboo Airways lỗ gần 18.000 tỷ đồng dù doanh thu tăng gấp 3

BAMBOO AIRWAYS Hàng KHông
16:46 - 14/06/2023
Bamboo Airways lỗ nặng trong năm 2022.
Bamboo Airways lỗ nặng trong năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Dù nguồn thu cải thiện tích cực nhưng hãng hàng không vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng kinh doanh dưới giá vốn. Cộng thêm các khoản chi phí tài chính, chi phí doanh nghiệp đội lên gấp nhiều lần khiến công ty lỗ nặng năm 2022.

Trong tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên (dự kiến tổ chức ngày 21/6), CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Theo đó, công ty đạt doanh thu thuần hơn 11.732 tỷ đồng, gấp 3,3 lần doanh thu năm 2021.

Tuy nhiên, do kinh doanh dưới giá vốn nên Bamboo Airways lỗ gộp 3.209 tỷ đồng. Hãng bay cho biết, nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi những khó khăn đến từ thị trường Đông Bắc Á và cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến cho giá nhiên liệu tăng vọt.

Doanh thu tài chính giảm mạnh 95% so với năm 2021, chỉ còn hơn 121 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính lại tăng lên 1.406 tỷ đồng, gấp 4,7 lần. Đặc biệt, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến lên 12.750 tỷ đồng trong khi năm ngoái chỉ hơn 158 tỷ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu là do Bamboo Airways trích lập dự phòng cho các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi gần 9.700 tỷ đồng và trích lập dự phòng cho các khoản phải thu dài hạn khó đòi 2.800 tỷ đồng. Tuy nhiên công ty không thuyết minh rõ các khoản này.

Kết quả, hãng bay lỗ sau thuế 17.619 tỷ đồng, so với năm 2021 lỗ 2.281 tỷ đồng. Nếu loại trừ các khoản dự phòng phải thu thì hoạt động kinh doanh chính của Bamboo Airways trong năm qua chỉ lỗ hơn 5.000 tỷ đồng.

Khoản lỗ lớn trong năm 2022 nâng lỗ lũy kế của Bamboo Airways lên gần 19.336 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 836 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của hãng bay giảm gần 8.900 tỷ đồng về 18.007 tỷ đồng, tức giảm 1/3 so với đầu năm. Các khoản giảm mạnh là phải thu ngắn hạn, từ 10.180 tỷ đồng xuống 3.626 tỷ đồng; đầu tư tài chính dài hạn giảm từ hơn 900 tỷ đồng xuống còn 210 tỷ đồng.

Tính đến cuối kỳ, công ty chỉ còn 82 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, giảm nhiều so với mức 1.122 tỷ đồng đầu năm. Bên cạnh đó, công ty còn đầu tư vào chứng khoán gần 6.308 tỷ đồng (không được thuyết minh cụ thể).

Tổng nợ phải trả của Bamboo Airways tại thời điểm cuối năm là 18.843 tỷ đồng, tăng hơn 8.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, vay nợ ngắn hạn chiếm 10.144 tỷ đồng, tăng 137% so với đầu năm và chiếm 54% tổng nợ phải trả. Ngoài ra là hơn 500 tỷ đồng vay nợ dài hạn. Trong năm 2022, công ty đã phải trả 544 tỷ đồng chi phí lãi vay, gần gấp đôi so với năm 2021.

Tại ĐHĐCĐ bất thường hồi tháng 4, ông Nguyễn Khắc Hải - Phó tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết, năm 2023, tình hình của công ty đã tích cực hơn.

Còn ông Nguyễn Ngọc Trọng - Chủ tịch HĐQT thông tin, hãng đã gần đạt điểm hòa vốn trong quý 1/2023 khi đội tàu bay hoạt động hết công suất. Theo ông Trọng, Bamboo Airways "sẽ lên khỏi mặt đất từ năm 2024" và có lãi từ năm 2025.

Gần đây, doanh nghiệp đã có một số thay đổi ở vị trí lãnh đạo trong quá trình chuyển giao sang nhà đầu tư mới. Ở vị trí tổng giám đốc, ông Nguyễn Minh Hải được bổ nhiệm thay thế cho ông Nguyễn Mạnh Quân từ tháng 5/2023. Ông Hải từng giữ nhiều chức vụ quan trọng ở Vietnam Airlines.

Tại ĐHĐCĐ thường niên sắp tới, Bamboo Airways sẽ bầu thành viên HĐQT, ban kiểm soát nhiệm kỳ 2023-2028.

Tin liên quan

Đọc tiếp